Xã hội

Cơ chế nào bảo vệ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật?

20/06/2017, 07:01

Hội Nhà báo Việt Nam sẽ bảo vệ, bênh vực quyền lợi, việc hành nghề hợp pháp của nhà báo như thế nào?

6

Ông Phan Hữu Minh

Đây là vấn đề được Báo Giao thông đặt ra trong cuộc trò chuyện với ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhìn nhận từ cả 2 phía

Một nhóm PV của VTV vừa bị đe dọa tính mạng, đập phá tài sản trong quá trình tác nghiệp. Cùng thời điểm, PV Báo Tiền Phong cũng bị cản trở tác nghiệp, bị những người có trách nhiệm hành xử khiếm nhã… Đón nhận những thông tin như vậy, ông suy nghĩ gì?

Đó là những tin không vui và không ai mong muốn, nhất là với những người làm báo. Mỗi khi đón nhận một thông tin về vụ việc nhà báo, PV bị hành hung khi tác nghiệp, tôi thấy buồn và lo lắng.

Nhưng nói về thực trạng nhà báo bị cản trở, đe dọa, hành hung khi tác nghiệp, chúng ta cần một cái nhìn tổng quát, từ cả hai phía. Từng cơ quan báo chí độc lập có thể rất nhỏ bé nhưng cả nền báo chí Việt Nam lại vô cùng đồ sộ. Chúng ta có 858 cơ quan báo chí, có cơ quan báo chí bao gồm mấy nghìn người, tính ra có đến 50 nghìn người làm báo, trên 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ… Tức là lực lượng những người làm báo rất lớn, hàng ngày có rất nhiều hoạt động tác nghiệp phải làm nên việc va chạm là không thể tránh khỏi.

Trong những trường hợp như thế, ta hãy bình tĩnh xem xét từ cả hai phía. Phía thứ nhất là xem các cơ sở đối xử với nhà báo đã đúng chưa, thứ hai là nhà báo tác nghiệp ở cơ sở có đúng quy định hay không. Tôi tính sơ sơ, mỗi ngày báo chí xuất bản khoảng 10 nghìn tin bài, có một vài trường hợp tác nghiệp có chuyện này chuyện kia, dù không thể coi là bình thường, nhưng đó là cái khó tránh khỏi. Nhưng thực sự, đó cũng không phải là cái ngoài sức tưởng tượng, mà chúng ta luôn xác định những rủi ro nghề nghiệp này có thể xảy ra.

Theo thống kê của Hội nhà báo, năm 2016, số vụ cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo đã giảm 20% so với năm 2015, chỉ còn 45 vụ. Còn từ đầu năm 2017 đến nay chưa đến 10 vụ. Nhưng với tất cả các vụ việc, Hội Nhà báo đều có tiếng nói và tham gia cùng tháo gỡ, hỗ trợ hoạt động của PV.

Sau vụ việc xảy ra với nhóm PV VTV, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc coi nhà báo tác nghiệp đúng quy định là người đang thi hành công vụ, quan điểm của ông thế nào?

Hoạt động báo chí cho đến giờ phút này chưa được coi là hoạt động công vụ. Đây là hoạt động theo ngành nghề. Báo chí là sản phẩm cá nhân của nhà báo, nhóm nhà báo hoặc cơ quan báo chí, nó không thay mặt để bảo vệ chính quyền giống như công an hay quân đội.

"Có ý kiến cho rằng, khi có sự việc nào đó xảy ra với nhà báo, Hội Nhà báo thường có công văn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ mà không có động thái nào mạnh mẽ hơn, tôi cho rằng, hội luôn có tiếng nói rất mạnh mẽ, nhưng mong anh em báo chí cũng chia sẻ, bởi khi mạnh mẽ chúng tôi cũng phải nghiên cứu cụ thể. Không phải chúng tôi để chìm xuồng, mà nhiều khi là tính phương án có lợi nhất cho anh em báo chí”.

Ông Phan Hữu Minh

Nhưng ở một góc độ khác, nhiều nhà báo và cả người dân trong xã hội chưa thực sự nắm rõ những hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động báo chí, điển hình như Luật Báo chí. Luật Báo chí không phải chỉ cần nhà báo nắm rõ, mà toàn dân cần nắm rõ để từ đó cư xử với nhau trên cơ sở quy định của pháp luật. Hành lang pháp lý về hoạt động của báo chí như hiện nay là khá tốt. Trong một số vụ việc nhà báo bị cản trở, hành hung, nó liên quan đến nhiều luật khác chứ không chỉ có Luật Báo chí. Ví dụ như vụ đối tượng cố tình đâm xe vào nhóm PV của VTV liên quan đến cả Luật Hình sự. Như vụ này và 1 số vụ khác, tuy chưa có chế tài bảo vệ nhà báo tức thì theo kiểu tác chiến, nhưng Hội Nhà báo Việt Nam luôn sẵn sàng bênh vực quyền lợi, việc hành nghề hợp pháp và chính đáng của nhà báo. Ngay trong đêm nhóm PV VTV bị đe dọa, Hội Nhà báo đã có tiếng nói lên án việc này, có trao đổi trực tiếp với lãnh đạo thành phố, gửi công văn để chính quyền TP có ý kiến. Đến nay, vụ án được khởi tố, đối tượng liên quan bị bắt giữ để điều tra cho thấy các cấp chính quyền đã vào cuộc rất nhanh.

Tuy nhiên, có ý kiến về một số vụ bị coi là chìm xuồng. Tôi cho rằng, có nhiều lý do, trong đó có thể do vụ việc ấy mức độ không quá nghiêm trọng. Một số vụ phía nhà báo cũng có sơ suất, thủ tục chưa đầy đủ cho nên cũng có những nơi nhà báo tự nhận khuyết điểm, yêu cầu không làm to chuyện để có thể tự giải quyết, hoà giải với nhau.

Hiện nay, báo chí đã được tạo hành lang hành nghề khá tốt, nhưng cách tác nghiệp, bản lĩnh của nhà báo rất quan trọng, bởi trong nhiều vụ hành hung nhà báo cũng có phần do PV tác nghiệp chưa có kinh nghiệm, chưa có kỹ năng xử lý tình huống, chưa thực sự hiểu luật nên tác nghiệp chưa chuẩn.

7

Hàng nghìn nhà báo đang tác nghiệp mỗi ngày trên khắp cả nước - Ảnh: VTV

Chưa có cơ chế bảo vệ tức thì

Tình trạng cản trở, hành hung nhà báo, PV tác nghiệp hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông có lo ngại việc này sẽ ít nhiều làm giảm đi tính chiến đấu của báo chí khi các nhà báo cũng nản lòng vì không được bảo vệ?

Báo chí bây giờ cũng không còn đơn giản như ngày xưa, hiện tượng câu view, thông tin sai sự thật vụ lợi đã xuất hiện nhiều hơn. Nói về nguy cơ chìm xuồng các sự việc đe dọa, hành hung nhà báo, tôi cho rằng giờ sẽ khó chìm xuồng hơn trước, bởi sự phát triển mạnh mẽ của thông tin mạng xã hội. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 307 đầu mối cơ quan báo chí và hơn 850 ấn phẩm, với mỗi cơ quan báo chí lại có một hội đồng xử lý vi phạm và mỗi tỉnh, mỗi Hội nhà báo cũng có hội đồng ấy, tức là từ nay trở đi chìm xuồng là khó, vì những nơi có nhà báo, PV sinh hoạt ở đó họ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của PV. Việc này liên quan đến chính quyền các cấp, ngành nên họ sẽ đôn đốc, thúc giục, tạo sức ép để xử lý kiên quyết.

Hành lang pháp lý đã rõ ràng, song ông có cho rằng, hiệu quả xử lý những hành vi cản trở, đe dọa nhà báo trong thực tế là rất thấp?

Việc đưa ra các quy định xử phạt, mục tiêu cuối cùng cũng là để giáo dục, thuyết phục và răn đe. Như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nếu hút bị phạt mấy triệu đồng, nhưng có xử phạt được ai đâu, mình không đủ sức mà thành lập đội đi xử phạt, nên chủ yếu xử phạt mang tính răn đe.

Chúng ta đang chuẩn bị Dự thảo Nghị định xử phạt về vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản. Theo đó, quy định mức phạt cụ thể, giao cho đơn vị cụ thể nên sẽ có giá trị, hiệu lực cao. Luật Báo chí mới có hiệu lực hơn 6 tháng, sau đó ta ra Nghị định 09 về quy chế phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí, giờ ra nghị định này thì phải chờ. Tôi tin thời gian tới sẽ có hiệu quả.

Đe dọa tính mạng nhà báo phạt 40-60 triệu đồng: Nặng hay nhẹ?

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, trong đó quy định uy hiếp, đe dọa tính mạng nhà báo có thể bị phạt từ 40-60 triệu đồng, theo ông mức xử phạt này có quá thấp?

Về việc xử phạt, Nghị định nào cũng thế thôi, nó đưa ra một mức độ có thể chấp nhận được về mặt hành chính, còn nếu vi phạm lên tới mức độ hình sự thì không thể tính mức hành chính, không thể xử 40 hay 60 triệu đồng được.

Ví dụ như vụ ở VTV, cố tình đâm vào nhóm PV và đâm nát máy quay hơn 1 tỷ đồng, vậy có phạt 60 triệu đồng thì cũng chẳng giải quyết được gì. Trong trường hợp này, nếu phạt 60 triệu đồng chỉ là tách để phạt hành vi cản trở thôi, còn hành vi cố tình đâm ô tô vào người và làm hỏng dụng cụ tác nghiệp thì không thể căn cứ vào quy định của Luật Báo chí hay nghị định để xử lý nữa. Vì thế, ta không tính đến mức nặng nhẹ ở đây. Nếu người ta có cản trở không cho báo chí tác nghiệp thì mức phạt trên cũng là bài học nhớ đời rồi.

Bên cạnh đó, nghị định quy định không phải mục đích cao nhất để xử phạt, mà muốn gắn kết để tạo mối quan hệ tốt giữa các bên, đó mới là mục tiêu. Mục tiêu không phải đè ra phạt, mà phạt cũng không hề dễ, nên cách tốt nhất là chấp hành pháp luật. Nhưng nếu không đưa ra mức phạt cụ thể lại không thể làm nghiêm được.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.