Đường sắt

Cơ chế nào thu hút đầu tư đường sắt đô thị?

30/06/2017, 06:53

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư đường sắt đô thị.

10

Cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư đường sắt đô thị

Cuộc hội thảo trong khuôn khổ Dự án Đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực GTVT (Dự án DEEP) - được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến tàu điện một ray. Ngoài tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến khai thác toàn tuyến vào đầu năm 2021 thì Hà Nội đang kêu gọi đầu tư theo mô hình đầu tư đối tác công - tư (PPP). Một phương thức thực hiện mà Hà Nội chủ trương hướng tới là phần xây lắp hạ tầng sẽ do các nhà đầu tư trong nước thực hiện đầu tư, đối với phần thiết bị, đầu máy toa xe phải đầu tư từ nước ngoài sẽ do Nhà nước đầu tư.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xin cơ chế đặc thù để đầu tư đường sắt đô thị. “Chỉ có loại hình vận tải này mới giải quyết được nạn ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhưng nếu đầu tư theo hình thức vốn ODA thì 50 năm nữa vẫn không thể có được hệ thống đường sắt đô thị”, ông Trường nêu lý do và cho biết, Hà Nội dự định ưu tiên quỹ đất dọc tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch cho nhà đầu tư, đổi lại nhà đầu tư bỏ vốn xây đường sắt đô thị.

Liên quan đến việc thu hút vốn, TS Moon Dae Seop, đến từ Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI) cho rằng, Việt Nam cần có chính sách đầu tư dự án và vận hành đường sắt đô thị mang tính nhất quán, trong đó Chính phủ giữ vai trò chủ đạo. Các dự án tại Việt Nam hiện thiên về BOT nhiều hơn, nghĩa là vốn đối ứng, hỗ trợ từ Nhà nước không nhiều. Để theo đúng nghĩa của mô hình PPP, cần tăng vốn Nhà nước hơn nữa, có như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài mới hào hứng tham gia dự án. Mặt khác, thời gian thực hiện các quy trình thủ tục, từ xin chủ trương đầu tư đến báo cáo khả thi… rất lâu, sẽ là trở ngại khiến các nhà đầu tư e ngại. “Như tuyến Metro số 5 tại TP.HCM, chỉ riêng việc xin phê duyệt hướng tuyến đã mất 1 năm”, ông Moon nêu ví dụ.

Ông Moon cũng đề xuất, Bộ GTVT nên ban hành khung tiêu chuẩn, quy chuẩn về đường sắt đô thị để các nhà đầu tư khác nhau đầu tư xây dựng các tuyến có căn cứ để áp dụng công nghệ, tránh “vênh” về kĩ thuật khi kết nối các tuyến. Việc xây dựng mức giá khi vận hành khai thác sau này phải sát thực tế. Đồng thời, phải giải quyết bài toán ai là người quản lý, ban hành mức phí, vì nếu Nhà nước quản lý, khống chế, khi nhà đầu tư muốn tăng phí sẽ rất khó khăn. Đây cũng sẽ một là rào cản đối với nhà đầu tư…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.