Chất lượng sống

Cơ cực trở về sau 21 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

18/12/2016, 07:25
image

Vào một đêm tháng 9/2016, chị Tô Thị Thương đã cùng bốn người con băng qua rừng may mắn về đến được quê hương...

33

Chị Thương cùng bốn người con trở về quê nhà sau 21 năm lang bạt xứ người - Ảnh: P. Tuấn

Vào một đêm tháng 9/2016, chị Tô Thị Thương (SN 1973, ngụ tại thôn Sơn, xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) đã cùng bốn người con (một trai, ba gái) băng qua rừng may mắn về đến được quê hương, chấm dứt 21 năm bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ.

Hơn 20 năm quặn thắt nỗi đau, nhớ nhà

Lòng vòng qua nhiều con đường nhỏ ven sườn núi, chúng tôi mới tìm được tới ngôi nhà nơi 5 mẹ con chị Thương đang ở nhờ của người em trai tại thôn Sơn, xã Đông Lĩnh. Mở cánh cửa ngõ được làm bằng tre, dáng hình gày guộc, chị Thương vội vàng mời chúng tôi vào nhà. Mới hơn 40 tuổi nhưng nhìn chị ai cũng đoán phải 60 tuổi. Thấy người lạ, mấy đứa con chị cứ trốn dưới bếp, không dám lên vì “sợ”!

Ngồi trên chiếc ghế nhựa, chị ấp úng cho biết: Năm 1995 lúc đó, chị mới 22 tuổi, nghe lời bạn rủ lên Lạng Sơn hái chè thuê, do cuộc sống khó khăn nên chị đã đồng ý. Cứ tưởng đi sẽ kiếm được công việc để có tiền phụ giúp gia đình, nhưng khi ra đến cửa khẩu, chị Thương đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông tên Sèng (dân tộc Hán) ở khu vực miền núi heo hút thuộc tỉnh Quảng Đông.

Do bất đồng ngôn ngữ, lại bị gia đình quản thúc nên những năm tháng ở xứ người là những tháng ngày tủi nhục, đắng cay. “Người chồng của tôi trước đó đã có hai người vợ, nhưng lấy ông ấy một thời gian, họ bỏ đi hết. Chính vì vậy, khi tôi về làm vợ đã bị chồng và gia đình quản thúc chặt chẽ. Nếu không vừa ý thì bị chồng hành hạ, đánh đập”, chị Thương gạt dòng nước mắt tâm sự.

Trên đất người, không giấy tờ tùy thân, về làm vợ nhưng không có hôn thú, không được nhập quốc tịch nên chị Thương phải sống chui lủi, khổ cực. Chị lúc nào cũng đau đáu mong ước được trở về quê hương.

“Năm 1996, khi đẻ đứa con đầu tiên được mấy tháng, một đêm tôi ôm con bỏ trốn nhưng khi ra bến xe đã bị người nhà chồng tìm thấy bắt về. Năm 1999, tôi trốn một lần nữa nhưng bất thành. Năm 2015, khi chồng chết được 8 năm, tôi đã một lần thoát về Việt Nam nhưng vì thương các con nên đành quay lại tìm cách đưa bốn đứa con đi theo”, người phụ nữ bất hạnh kể lại. Trong đêm 6/9, cả 5 mẹ con bà Thương cùng bỏ trốn. Đến gần biên giới Việt - Trung, mẹ con bà Thương phải đi bộ hơn 20km đường rừng, sau đó bắt xe về huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây rồi nhờ lực lượng Biên phòng đưa về Việt Nam trở về quê nhà, chấm dứt nỗi đau dằn vặt suốt 21 năm ở xứ người.

Cố gắng sớm ổn định cuộc sống

Cũng bởi mất tích quá lâu nên chị Thương đã bị cắt hộ khẩu tại quê nhà. Ngoài những tấm giấy khen học hành của con bên xứ người, cả 5 mẹ con chị đều không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Trong bốn người con của chị chỉ có cô con út (SN 2002) nói lơ lớ một số câu như “Chào các bác; Cháu cảm ơn…”, còn lại cả mấy cháu đều không nói được tiếng Việt. Hiện tại, mẹ con chị đang ở nhờ nhà người em trai đi làm ăn trong Nam để lại. Mọi việc sinh hoạt ăn uống đang được anh em họ hàng và bà con lối xóm giúp đỡ. Những ngày qua, chị và các con ngày lại ngày hai bữa cháo, còn tối mới nấu cơm để ăn.

Cố gắng tìm kiếm một việc làm để có thu nhập nuôi các con, vì thế xung quanh hàng xóm ai thuê làm việc gì chị Thương đều nhận. Mẹ đi đâu là bốn đứa con đi theo, không dám ở nhà vì “sợ bị bắt về”.

Trước những khó khăn trên, ngay sau khi chị Thương cùng các con trở về, UBND TP Thanh Hóa cũng đã giao cho các phòng: LĐ,TB&XH và Nội vụ phối hợp với chính quyền xã Đông Lĩnh tiếp cận và tìm hiểu rõ sự việc để có sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Ông Ngô Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đông Lĩnh cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo TP Thanh Hóa cũng đã có chỉ đạo kịp thời. Các phòng Nội vụ và LĐ,TB&XH cũng đã về xác minh. Về mặt pháp lý, chúng tôi đang có các văn bản gửi cấp trên để sớm làm hộ tịch, hộ khẩu cho 5 mẹ con chị Thương. Còn đối với bốn cháu thì trước mắt đang động viên người thân trong gia đình dạy các cháu tiếng Việt, sau đó sẽ phổ cập kiến thức để các cháu sớm hòa nhập, giao tiếp với mọi người”. Cũng theo ông Huy, hiện nay đã giao cho các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ mẹ con chị Thương có ruộng để khai thác sản xuất, sớm đưa cuộc sống vào ổn định.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.