Thị trường

Cò đất tháo chạy khỏi “đặc khu”

14/06/2018, 06:30

Giao dịch BĐS trầm lắng tại ba nơi dự kiến xây đặc khu là Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Vân Đồn.

16

Không còn cảnh giao dịch nhộn nhịp tại các văn phòng giao dịch đất đai tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). (Ảnh chụp lúc 9:51" sáng 13/6/2018)

Sàn môi giới BĐS đóng cửa hàng loạt

Sau khi Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) cộng với việc chính quyền “đóng băng” các giao dịch trái phép, thị trường bất động sản tại những nơi dự kiến trở thành đặc khu xoay chuyển nhanh chóng.

Ngày 13/6, PV Báo Giao thông đến huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nơi được dự kiến thành lập đặc khu Bắc Vân Phong. Tuyến QL1 qua thị trấn, đường Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo - những con đường từng được mệnh danh là đường “môi giới đất” bởi hàng chục sàn giao dịch bất động sản mọc lên.

Thế nhưng, đập vào mắt PV là hàng loạt những cánh cửa đóng im lìm. Một sàn giao dịch trên QL1 mở cửa, tuy nhiên, khi bước vào cũng chỉ có 1 nhân viên trực. Người này cho biết việc mở cửa cũng chỉ để giữ uy tín chứ không có nhiều việc để làm. Hiện nay, hầu hết giao dịch đất đai đều chỉ xoay quanh đất thổ cư, trong đó có nhiều khách hàng từ tỉnh khác đến mua để xây dựng dịch vụ du lịch. “Tuy nhiên, sau khi Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu thì lượng khách này cũng vắng luôn” nhân viên này chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, lúc cao điểm, trên địa bàn có hơn 30 sàn giao dịch nhưng nay con số hoạt động hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nhiều sàn đã không hoạt động từ lâu nhưng vẫn để bảng vì còn hợp đồng thuê với chủ nhà và có thể họ chờ diễn biến thị trường”, ông Bằng cho biết.

Không riêng các sàn môi giới nhà đất, tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Vạn Ninh cũng chỉ vài ba người đến làm thủ tục. Trong khi đó, trong báo cáo của địa phương này, chỉ trong quý I, đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.250 hồ sơ, bằng 186,4% tổng số hồ sơ so với cả năm 2016, bằng 65,3% năm 2017.

Tương tự tại Phú Quốc, tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai cũng trở nên trầm lắng ảm đạm. Anh Trí Dũng, một người am hiểu về đất ở Phú Quốc cho biết: Nhiều sàn giao dịch bất động sản tự phát phải đóng cửa, nhiều khu dân cư “ma” phải tháo dỡ bảng treo... giá đất cũng đang có chiều hướng đi xuống. “Mỗi công đất lúc này rớt giá từ 500 triệu - 1 tỷ đồng tùy theo vị trí. Một thửa đất 500m2 của người nhà tôi ở Cửa Cạn trước đây có người trả giá 3 tỷ đồng không bán. Bây giờ kẹt tiền kêu bán giá 2,5 tỷ đồng vẫn không có người mua”, anh Dũng thông tin.

Những cuộc tháo chạy ngầm

Từ khi có quyết định hoãn thông qua Luật Đặc khu, Trung - một cò đất nổi tiếng ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) liên tục có mặt ở Vân Đồn để dò la tin tức, “bắt kèo” giao dịch nhưng chưa thành. Trung cho biết, sau khi tỉnh có lệnh tạm dừng chuyển nhượng đất, giao dịch đất đai tại Vân Đồn hạ nhiệt ngay nhưng vẫn còn các giao dịch ngầm.

Trong cả tháng 5, người ta chỉ mua bán đất ở gắn với vườn tạp, không mua tràn lan đất đồi rừng, thủy sản như trước nữa. Thay vì làm thủ tục chuyển quyền sử dụng, hai bên chỉ cần làm hợp đồng công chứng hoặc giấy viết tay rồi “tiền trao, cháo múc”. “Sau khi có thông tin lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu, thị trường đất đai ở Vân Đồn trầm hẳn nhưng giá đất tại một số vị trí vẫn khá cao dao động từ 40 - 42 triệu đồng/m2, như khu Vương Long, Cái Rồng… Nhiều đầu cơ vẫn cố giữ đất để nuôi hy vong kiếm lời, nhưng riêng tôi đã kịp bán hết số đất đang ôm nên cũng trút gánh nặng. Lời ít nhưng chắc”, Trung cho biết.

Để giảm nhiệt cơn sốt đất, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tạm dừng cho tách thửa đối với những thửa đất ở xen lẫn vườn tạp. Biện pháp này đã khiến nhà đầu tư không còn liều lĩnh mua đất không giấy tờ, đất rừng, đất nông nghiệp, chưa rõ quy hoạch. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tạm dừng mọi giao dịch về đất đai cho tới khi dự án Luật Đặc khu được thông qua. Thanh tra tỉnh được giao rà soát toàn bộ các dự án đã giao trước đây. Dự án nào quá lâu không triển khai sẽ bị thu hồi. Cán bộ nào tiếp tay cho các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Điều đáng nói là rất ít hiện tượng nhà đầu cơ đổ xô bán tháo đất để chạy vốn như nhiều người dự đoán. “Chúng tôi ôm đất giá cao ngay từ đầu nên sẽ không dễ xả hàng với giá thấp do vẫn còn hy vọng Vân Đồn trong tương lai sẽ thành đặc khu.

Tuy nhiên, nếu kéo dài thêm một thời gian thì sẽ có không ít người không thể gồng nổi do chôn vốn quá lâu, nợ ngân hàng bủa vây. Tức khắc, giá đất sẽ giảm”, một nhà đầu cơ tại Vân Đồn tiết lộ.

Tại Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), theo tìm hiểu của PV, cũng đang xuất hiện những giao dịch ngầm đối với đất vườn, đất lâm nghiệp vốn bị tỉnh Khánh Hòa cấm chuyển nhượng. Cụ thể, tại xã Vạn Thạnh, nơi mà chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất chỉ từ 300 - 700 nghìn đồng/m2 bị đẩy lên đến 1-3 triệu đồng/m2 (tùy vị trí).

Nhiều mảnh vườn cằn cỗi trước đây bán vài chục triệu đồng không ai mua lại được rao nay bán 5-7 tỉ đồng. “Mấy lô đất này là do khách Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gửi bán, toàn đất nông nghiệp, chứ dân đây đâu có nhiều tiền mà ôm lớn như vậy. Họ muốn bán gỡ vốn để chuyển sang đầu tư chỗ khác”, một cò đất xã Vạn Thạnh cho biết.

Còn tại thị trấn Vạn Giã cũng ghi nhận nhiều trường hợp lách luật để chuyển nhượng đất trái phép như giao dịch bằng giấy tay, không qua công chứng. Theo đó, người bán làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất cho người mua, thay vì làm hợp đồng chuyển nhượng như trước.

“Hai bên đến UBND xã hay các văn phòng công chứng làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất. Nhưng thực tế là họ mua bán đất. Trong khi đó, luật không cấm chuyện này. Chúng tôi cũng đã ghi nhận một số trường hợp đến UBND thị trấn làm thủ tục ủy quyền sử dụng”, ông Nguyễn Công Bằng thông tin.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Khánh Hòa cho biết, quyết định tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện việc tách thửa việc lùi thời gian thông qua dự án luật đặc khu đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư thứ cấp. “Dòng tiền của họ mang tính chất ngắn hạn, bán chỗ này mua chỗ kia để kiếm lời nên khi đất không bán được là họ lao đao. Họ buộc bán tháo để thu hồi vốn. Từ đó, dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện với những giao dịch, buôn bán bằng giấy tay có thể sẽ phát sinh”, ông Quý nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.