Bất động sản

Cố định số lượng dân cư "chữa bệnh băm nát" quy hoạch khu đô thị

19/05/2022, 19:30

Để "siết" lại hiện tượng "băm nát" quy hoạch các khu đô thị, chuyên gia cho rằng cần lấy số lượng dân cư làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch.

Điều chỉnh quy hoạch theo hướng "nhồi dân"

Mặc dù đã có quy hoạch với mục tiêu phát triển rõ ràng, nhưng trong thời gian qua, không ít những khu đô thị bị "băm nát". Đơn cử như Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính.

Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án được duyệt năm 1998, Dự án khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88%, với 8 tòa nhà, cao trung bình 6 - 7 tầng. Ba năm sau, quy hoạch bị điều chỉnh tăng từ 8 lên 16 tòa nhà cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng gấp đôi, từ 9 đến 21 tầng. Đến nay, sau gần 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, mật độ xây dựng Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50%, với 16 tòa nhà cao tầng, có chiều cao từ 17 đến 34 tầng.

img

Người dân phản đối tình trạng thay đổi quy hoạch tăng nhà, dân số

Tương tự tại Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Khởi công năm 1997, diện tích 200 ha (bao gồm 74 ha hồ điều hòa), với quy mô dân số khoảng 25.000 người,năm 2001, khu đô thị này cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay các khu chung cư cao tầng vẫn đua nhau mọc lên, khiến dân số tăng lên khoảng 70.000 người.

Theo kết quả giám sát của Quốc hội, cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch điều chỉnh luôn theo xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng. Cụ thể là tăng mật độ xây dựng, tăng số tầng, tăng diện tích sàn và giảm diện tích khuôn viên cây xanh, vỉa hè, khu vực vui chơi, chỉ tiêu hạ tầng…

Mới đây, dự luận xôn xao khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.

Đáng chú ý, dự án này tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng từ "Văn phòng" sang thành "Thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ".

Mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24,06%. Hệ số sử dụng đất là 6,45 lần. Dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh là khoảng 3.988 người).

Lấy số lượng cư dân làm cơ sở điều chỉnh

Đại diện Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án là do UBND TP. Hà Nội quyết định. Việc điều chỉnh phải tuân thủ quy hoạch đô thị và đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch và được sự đồng thuận của người dân. Như vậy, pháp nhân chịu trách nhiệm trước việc quy hoạch thủ đô bị "bóp méo", "băm nát" là lãnh đạo các cấp và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội.

Còn chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc "chen chúc" nhà trong các khu đô thị là do chưa gắn kế hoạch với quy hoạch, chưa gắn trách nhiệm chủ đầu tư với lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng dân cư. Vấn đề cơ bản của quy hoạch Hà Nội là vẫn bị đô thị nén, bị quá tải về dân cư...

Do đó, ông Nghiêm cho rằng, trước mắt lấy số lượng dân cư làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch. Điều chỉnh quy hoạch không làm tăng thêm dân cư trong khu vực, như vậy sẽ hạn chế tình trạng điều chỉnh, nhồi nhét làm tăng nhà và dân số trong các khu đô thị.

Đồng thời, đồng bộ về hệ thống cơ sở pháp lý về quy định quản lý dân số trong Luật Thủ đô và nghị quyết của HDND TP Hà Nội về quản lý dân số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.