Vận tải

Cổ đông chất vấn chuyện Jetstar thua lỗ, lãnh đạo Vietnam Airlines nói gì?

10/05/2019, 17:04

Tình hình thua lỗ của Jestar Pacific được nhiều cổ đông của Vietnam Airlines quan tâm tại đại hội cổ đông thường niên của doanh nghiệp này.

img
Jetstar Pacific phải đối mặt với tình trạng thua lỗ trong nhiều năm

Chính phủ từng tính chuyện “giải tán” Jetstar Pacific

Tình hình thua lỗ cũng như tương lai của Jestar Pacific (JPA) sẽ thế nào là vấn đề được nhiều cổ đông của Vietnam Airlines quan tâm tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của hãng này diễn ra hôm nay (10/5).

Trả lời trực diện vấn đề này, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, việc tái cơ cấu JPA là quá trình rất gian nan. Cuối năm 2011, JPA đứng ngấp nghé bờ vực phá sản khi ngập trong khó khăn, lỗ lũy kế lên tới trên 2.400 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, Jetstar Pacific có 7 máy bay với độ tuổi trung bình là 14,7.

Việc hãng hàng không giá rẻ duy nhất của Việt Nam trong thời điểm đó thua lỗ kéo dài, thậm chí không có đủ khả năng trả tiền nhiên liệu bay khiến Chính phủ tính chuyện “giải tán” Jetstar Pacific để cắt lỗ và giảm gánh nợ thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về việc sáp nhập và nhấn mạnh đây là phương án khả thi nhất nhằm cứu Jetstar trước bờ vực phá sản.

Cụ thể, để vực dậy hãng hàng không này, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại JPA, khi đó do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn chủ sở hữu.

“Việc Chính phủ giao JPA cho Vietnam Airlines thực chất vừa là nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng phù hợp với chiến lược phát triển của Vietnam Airlines. Trong chính sách của mình, Vietnam Airlines luôn định hướng sẽ phát triển cả loại hình hàng không truyền thống, dịch vụ đầy đủ và giá rẻ. Trên thế giới, nhiều hãng hàng không thế giới quyết định tham gia vào phân khúc giá rẻ bằng chiến lược thương hiệu kép như là một công cụ để bảo vệ thị phần”, ông Thành khẳng định.

Nếu là doanh nghiệp tư nhân, chỉ cần 2-3 năm để tái cơ cấu xong Jetstar

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cũng cho hay, sau khi chuyển về Vietnam Airlines, thông qua các đợt tăng vốn điều lệ cho JPA theo thỏa thuận với cổ đông nước ngoài Qantas (Úc), VNA đã từng bước thực hiện tái cơ cấu toàn diện hãng hàng không này; Trong đó có việc trẻ hóa đội bay thông qua việc trả trước hạn toàn bộ máy bay 5 chiếc B737-400 cũ đang khai thác để thay thế sang A320 đem lại hiệu suất cao hơn.

Nhân sự của Jetstar Pacific cũng được cấu trúc lại để giảm chi phí. Chiến lược phát triển thương hiệu kép VNA-JPA được áp dụng. Những bước đi chiến lược này giúp JPA từng bước giảm lỗ, hoạt động có lãi nhẹ 8,4 tỷ đồng vào năm 2014; năm 2015 lãi trên 112 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, quy mô JPA đã được mở rộng hơn với đội bay gồm 15 chiếc A320 (có 150-180 ghế), tuổi trung bình 5,05 tuổi.

Bổ sung thêm thông tin liên quan đến việc tái cơ cấu JPA, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, lỗ lũy kế của Jestar Pacific hiện tại đã được xử lý hết qua các năm kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản.

“Khoản lỗ 2.400 tỷ đồng khi tiếp nhận Jetstar Pacific đã được Vietnam Airlines giải quyết theo từng năm, có sự ghi nhận của các đơn vị kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước”, ông Minh nói và cho hay: Từ khi thành lập đến năm 2012, Jetstar Pacific luôn lỗ.

Đáng lưu ý, ông Minh cho biết, nếu Vietnam Airlines là doanh nghiệp tư nhân, sẽ cần 2-3 năm để tái cơ cấu xong JPA chứ không thể kéo dài như thế này.

“Sở dĩ phải kéo dài vì thời điểm đó, lợi nhuận hợp nhất hàng năm của VNA lúc đó chỉ 300-400 tỷ, nếu tái cơ cấu JPA mạnh mẽ, thay máy bay, trả máy bay ồ ạt, phải chấp nhận lỗ mỗi năm khoảng trên 700 tỷ. 70% con số này VNA không thể chịu được. Ban lãnh đạo VNA khi đó họp rất nhiều, bàn cách tái cơ cấu làm sao để phần lỗ phân bổ về VNA không ảnh hưởng nhiều lợi nhuận của VNA. Nếu như vừa thay máy bay, vừa đưa máy bay mới vào thì bức tranh khác ngay. Từ 2015, chúng tôi đặt vấn đề mở rộng, tái cơ cấu mạnh hơn. Thực tế là mức lợi nhuận kỳ vọng của VNA hiện nay đã lên đến hàng nghìn tỷ, do đó VNA có thể “chịu được” mức lỗ phân bổ từ JPA”, ông Minh thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.