Chuyện dọc đường

Có được cắt điện, nước cưỡng chế nộp phạt hành chính?

25/05/2020, 06:22

Vì sao lại phải “triệt đường sống” của một con người để bắt họ thực hiện một mệnh lệnh hành chính khác?

img
Biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước lại gây ảnh hưởng tới cả một tổ chức, một hộ gia đình, thậm chí cả một tập thể (Ảnh minh họa)

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được trình Quốc hội, trong đó có bổ sung biện pháp cưỡng chế mới: “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”. Hiểu cách khác là ai chây ì không nộp phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị cắt điện, nước.

Tuy nhiên, nội dung này khiến không ít chuyên gia pháp luật băn khoăn. Bởi lẽ, bản chất việc cung cấp các dịch vụ điện, nước là hợp đồng dân sự, chỉ tòa án mới có quyền đưa ra phán quyết hủy bỏ hoặc chấm dứt, đình chỉ hay xử phạt với những vi phạm trong hợp đồng.

Nói cách khác, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp cắt điện, nước.

Trong xã hội văn minh, các quy định về quyền hành chính, quyền dân sự của tư pháp phải được tách bạch, rành mạch, không nên lấn cản sang các chức năng của cơ quan tư pháp.

Hơn nữa, xét về mặt kinh tế thì nếu sử dụng các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào các hợp đồng dân sự sẽ không chỉ gây thiệt hại cho những người vi phạm mà còn gây thiệt hại cho cả những nhà cung cấp.

Nếu nhìn tổng thể thì ở nhiều hành vi vi phạm đôi khi chỉ là hành vi của một cá nhân nhưng biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước lại gây ảnh hưởng tới cả một tổ chức, một hộ gia đình, thậm chí cả một tập thể. Nếu áp dụng chung như vậy sẽ gây thiệt hại cho cả những người không liên quan. Không cẩn thận, quy định này sẽ “hành chính hóa quan hệ dân sự”.

Vì sao lại phải “triệt đường sống” của một con người để bắt họ thực hiện một mệnh lệnh hành chính khác? Bởi điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, là “nguyên liệu” quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện vi phạm.

Hơn nữa, Luật hiện hành đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có tính “trực tiếp” để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nhìn rộng ra thế giới thì ở các nước cũng chưa thấy nước nào áp dụng biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, luật nên nghiên cứu theo hướng nâng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe. Trong trường hợp đối tượng bị xử phạt cố tình chây ì không nộp, có thể tính lãi suất nhân theo mức tiền xử phạt. Nếu tiếp tục chây ì thì sẽ giải quyết bằng một vụ kiện hành chính. Mọi tranh chấp đều phải được giải quyết tại tòa án, khi tòa chưa ra phán quyết thì không thể cắt điện, nước của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.