Thể thao

Cô gái vàng điền kinh thắng bệnh tật chinh phục đỉnh SEA Games

28/12/2019, 15:28

Nhà vô địch điền kinh nội dung 800m nữ Đinh Thị Bích (SN 1997) có thời điểm tưởng như đã không thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp do bệnh tật.

img
Đinh Thị Bích ăn mừng khi về đích nội dung chạy 800m nữ

Nhưng bằng ý chí kiên cường, cô đã vượt lên tất cả để đi đến thành công. Trở về sau tấm HCV SEA Games trong lần đầu tham dự, nữ VĐV quê Nam Định đã dành cho Báo Giao thông cuộc trò chuyện.

Hạnh phúc vì chiến thắng ở giải đấu lớn đầu tiên

Tại SEA Games 30, sau khi về đích ở cự ly 800m nữ, chị ăn mừng rất phấn khích, chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc đó?

Thực ra, tôi được dự SEA Games 30 đã là một bất ngờ, bởi theo lộ trình tự vạch ra thì tới năm 2021 tôi mới có suất trên tuyển. Tham dự giải đấu lớn đầu tiên mà lại giành chiến thắng nên tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Hơn 20 năm cuộc đời đó có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất đối với bản thân tôi. Ngoài ra, với tôi nó cũng mang tính giải tỏa cho những cay đắng, khó khăn mà tôi đã phải trải qua trong gần 10 năm.

Chị đã từng phải trải qua những gì?

Tôi tới với điền kinh từ năm 2010, sau khi các thày cô ở Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh Nam Định tình cờ chứng kiến tôi về nhất ở giải chạy dành cho lứa tuổi THCS của huyện. Tập ở trung tâm 2 năm thì tôi được biên chế cho đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia, đồng thời phải vào Đà Nẵng tập luyện.

Mọi thứ đều ổn cho tới năm 2016, tôi được phát hiện mắc bệnh viêm hạch mạc treo, viêm dạ dày. Nằm viện điều trị hai tháng liền, thành tích của tôi không thể theo kịp các bạn nên tôi xin về địa phương. Thời điểm đó thực sự tôi rất nản, không còn động lực để tập luyện và có suy nghĩ muốn từ bỏ. Thấy vậy, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân - người đưa tôi theo nghiệp thể thao đã động viên rất nhiều, cô nói hai cô trò cùng tập, cùng cố gắng. Tôi tập với cô thì dần dần lấy lại được phong độ và cảm giác tốt nhất.

Lần thứ hai tôi muốn từ bỏ là sau Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. Trước khi Đại hội diễn ra, tôi dính chấn thương đầu gối, buộc phải nghỉ hai tháng rồi khi bình phục tôi lao vào tập luyện để chuẩn bị. Tuy nhiên, do phong độ chưa đạt 100% nên tôi để tuột HCV vào tay VĐV Hà Nội. Thất bại khiến mình nản đã đành nhưng mọi người nói tôi có vấn đề tư tưởng nên tôi rất buồn. Tôi xách vali về nhà ở một tháng liền. Nhờ có bố khuyên bảo tôi mới quay lại đội tập luyện, rồi sau đó tôi giành HCB Giải điền kinh VĐQG và được gọi bổ sung vào đội tuyển dự SEA Games 30.

Căn bệnh chị mắc phải cách đây 3 năm giờ ra sao?

Bệnh dạ dày thì tôi xác định sống chung với nó. Còn viêm hạch mạc treo bác sĩ nói có thể trị dứt điểm nếu phẫu thuật nhưng sẽ ảnh hưởng sức khỏe nên tôi chỉ điều trị bằng kháng sinh. Tới giờ, thi thoảng tôi vẫn bị đau, phải dùng thuốc. Viêm hạch mạc treo mỗi lần đau đều dữ dội, quằn quại, khó thở nên tôi phải nghỉ tập 1-2 ngày rồi mới tiếp tục chạy. Chấn thương tôi gặp phải hồi năm 2018 thì giờ trái gió trở trời vẫn đau. Ngay cả thời điểm tham dự SEA Games 30, tôi cũng chưa có được trạng thái tốt nhất.

Không muốn là kẻ thất bại

Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ làm việc gì khác khi rời bỏ thể thao, ngay cả khi gặp khó khăn, bởi gần 1/2 chặng đường đời tôi đã gắn bó với điền kinh và coi nó là cái nghiệp mình phải đeo đuổi. Sau khi giải nghệ tôi sẽ làm công tác huấn luyện với hi vọng giúp cho được nhiều bạn nhỏ có năng khiếu, có ước mơ được định hướng đúng đắn, gặt hái vinh quang.
VĐV điền kinh Đinh Thị Bích


14 tuổi đã theo đuổi điền kinh, nhưng gần 10 năm sau chị mới có được thành công ở đấu trường quốc tế. Chị có bao giờ cảm thấy chạnh lòng khi nhìn nhiều đồng nghiệp tỏa sáng từ rất sớm?

Tôi chưa bao giờ nhìn vào người khác để so sánh với bản thân mình hay nhìn vào người khác để làm mục tiêu phấn đấu. Tôi đến với điền kinh là do đam mê và vì đam mê mà nỗ lực. Tôi nghĩ rằng chỉ cần kiên trì thì thành công sẽ tới. Tấm HCV SEA Games 30 tôi vừa giành được là ví dụ điển hình.

Tôi cũng cho rằng, nếu cứ chạy theo thành tích của người khác thì có thể bản thân mình sẽ chịu áp lực. Cho đến lúc này, bản thân tôi đánh giá việc rời đội tuyển về địa phương tập luyện là bước ngoặt tốt cho sự nghiệp của tôi. Về địa phương áp lực sẽ ít hơn, tư tưởng thoải mái hơn nên dễ dàng bắt đầu lại, đến khi vào guồng rồi thì tôi dần cảm thấy có khao khát chinh phục.

Những lúc khó khăn, động lực nào giúp chị vượt qua để bước tiếp và có thành công như ngày hôm nay?

Tôi may mắn vì có một người thày tuyệt vời là cô Xuân. Cô rất tâm lý, trong mọi hoàn cảnh, cô đều động viên tôi, dìu dắt tôi. Nếu không có cô, chắc chắn sẽ không có tôi của ngày hôm nay. Gia đình cũng tiếp thêm cho tôi nhiều sức mạnh. Tôi nhớ, ngày tôi xin gia đình theo nghiệp điền kinh, bố tôi nói một câu khiến tôi nhớ mãi. Ông bảo nếu con đã lựa chọn thì bố mẹ tôn trọng nhưng sau này sướng khổ con đều phải tự chấp nhận. Tôi không muốn trong mắt bố mình là kẻ thất bại nên tự phải đứng dậy. Sau này, chứng kiến tôi suy sụp, bố lại nói rằng con phải bước tiếp mạnh mẽ, không được phép dừng lại, không thành công nào đến dễ dàng mà phải trải qua nhiều thử thách.

Sau tấm HCV SEA Games 30, cuộc sống của chị có gì thay đổi hay không?

Có chứ! Tôi được biết đến nhiều hơn. Hai tuần nay nhà tôi thi thoảng lại có bà con đến hỏi thăm, chúc mừng. Các anh chị báo chí cũng dành cho tôi sự quan tâm đáng kể bởi nói như các anh chị thì trước SEA Games tôi hoàn toàn vô danh. Tôi biết ơn tất cả nhưng tôi nghĩ mình chưa là gì cả, vẫn phải nỗ lực rất nhiều. Hay như bố tôi nói, ra ngoài con làm gì không biết, về nhà vẫn là con của bố mẹ. Hôm rồi về thăm nhà, tôi vẫn ra vườn phụ mẹ làm cỏ mấy luống rau (Cười).

Cảm ơn chị!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.