Hậu trường sao

Cô gái vàng Tuyết Dung không nhớ khóc bao nhiêu lần vì bóng đá

27/10/2018, 09:59

Nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Tuyết Dung mang vẻ ngoài cá tính nhưng ẩn sâu trong cô là một tâm hồn yếu đuối.

23

Tuyết Dung trong màu áo CLB Phong Phú Hà Nam

Nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Tuyết Dung mang vẻ ngoài cá tính nhưng ẩn sâu trong cô là một tâm hồn yếu đuối. Cô gái 25 tuổi, thuộc CLB Phong Phú Hà Nam đã tạo cú hích đột phá, mang về chức vô địch Giải Bóng đá nữ Quốc gia.

Cô gái vàng với tuổi thơ chân đất đầu trần

Biết Tuyết Dung đã lâu, nhưng phải tới khi cô cùng CLB Phong Phú Hà Nam lần đầu bước lên bục cao nhất của Giải Bóng đá nữ Quốc gia, tôi mới quyết định viết về cô gái này, người từng lọt top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do BBC bình chọn. Trong sự nghiệp của mình, Dung từng đoạt rất nhiều danh hiệu, cá nhân có, tập thể có nhưng chức vô địch vừa giành được cùng Phong Phú Hà Nam mang đến cho nữ tuyển thủ sinh năm 1993 một cảm xúc đặc biệt. Hà Nam là nơi “chôn nhau cắt rốn”, cũng là nơi nuôi dưỡng ước mơ bóng đá của cô gái nhỏ nhắn quê Bình Lục.

Cảm xúc vẫn như ngày đầu

“12 năm, một chặng đường dài, trải qua đủ cung bậc cảm xúc khác nhau, nhiều trải nghiệm khác nhau nhưng cảm xúc với bóng đá trong tôi vẫn như ngày đầu, đầy yêu thương, trân trọng và sẵn sàng khóc vì bóng đá”.

Nguyễn Thị Tuyết Dung

Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng, tuổi thơ của Tuyết Dung cũng giống như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Đó là những buổi chiều chăn trâu thổi sáo, những buổi cùng bố mẹ xuống đồng vào mùa vụ, những lần tắm sông, mò cua bắt ốc. Nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Dung đã khác biệt so với đám con gái trong làng. Cô bé mê đá bóng đến kỳ lạ, đến độ có thể quên ăn để đi đá bóng, mà toàn đá cùng đám con trai vì hầu hết con gái đều không hứng thú với trò chục người tranh nhau quả bóng bé tẹo.

“Có lần tôi bị xô ngã, trày hết đầu gối, chảy cả máu tay. Tôi cứ sợ bố mẹ thấy vậy sẽ cấm không cho đi đá bóng nữa. Nhưng bố mẹ chỉ dặn lần sau chơi phải cẩn thận hơn”, Dung nhớ lại. Có lẽ thời điểm đó, bố mẹ Tuyết Dung cũng chẳng thể ngờ sau này con gái họ trở thành một ngôi sao sáng, làm rạng danh quê hương, trở thành niềm tự hào của gia đình. “Mỗi trận Dung thi đấu cho đội tuyển là bà con chòm xóm lại sang nhà tôi quây quần xem và cổ vũ cho em nó. Hễ Dung ghi bàn là nhà như nổ tung còn đội thua thì ai cũng buồn, có khi còn bỏ luôn mảnh ruộng đang cày dở”, ông Tiếp - bố Tuyết Dung bộc bạch.

Trong khi đó, bà Hạnh mẹ Dung tiết lộ, mỗi lần về thăm nhà Dung đều biếu bố mẹ chút tiền. Nhưng tiền đó ông bà không dám tiêu, tất cả dành dụm sửa sang nhà cửa và mua sắm những vật dụng cần thiết trong gia đình. Có lẽ vì sinh ra trong một gia đình thuần nông nên Dung cũng chẳng có thói quen tiêu xài hoang phí. Tiền lương hàng tháng, tiền thưởng thành tích khi lên tuyển đều được Dung chi tiêu cẩn trọng. “Tôi gửi biếu bố mẹ một phần, một phần để trang trải học hành và một phần để sinh hoạt”, Dung chia sẻ.

Phần vì tiết kiệm, phần vì quanh năm suốt tháng tập luyện, thi đấu nên tủ quần áo của Quả bóng Vàng 2014 cho đến nay không có bất kỳ chiếc váy hay đôi giày cao gót nào. Đi đâu Dung cũng diện quần áo thể thao, bởi theo cô như vậy cho thoải mái. Hộp đồ trang điểm của Dung cũng chỉ chứa độc lọ kem dưỡng da. “Tôi chẳng có thời gian chăm sóc sắc đẹp thì mua mỹ phẩm làm gì. Cùng lắm thì mấy chị em thái dưa chuột đắp mặt cho nhau nhưng cả tháng mới được một lần”, Dung cười nói.

Vượt khỏi cô đơn giữa khán đài vắng

Khi Dung còn nhỏ, gia đình cô rất nghèo, bố mẹ quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng cũng không đủ nuôi các con ăn học. Ông Tiếp, bà Hạnh phải đi làm thuê đủ thứ nghề, vất vả nhất là nghề làm bê tông. “Bố mẹ đội những thúng bê tông nặng trĩu trên đầu, làm từ tối tới khuya mới về nhà. Lúc đó, mấy chị em ở nhà trông nhau. Những đêm mưa gió, sấm sét, tôi thường ôm chặt chị cho đỡ sợ nhưng vẫn khóc tu tu”. Chỉ là, Dung không thể ngờ rằng, sau này, khi theo nghiệp bóng đá những giọt nước mắt vẫn “bám” lấy cô như một định mệnh.

“Con gái đi đá bóng vốn chịu nhiều thiệt thòi, phơi mưa phơi nắng và trở nên xấu xí, đồng lương cũng chẳng đáng bao nhiêu. Tuy nhiên, tủi nhất là nhìn những khán đài vắng lặng trong khi các đồng nghiệp nam được người hâm mộ tung hô, cổ vũ đông đảo. Nhiều lần tôi buồn đến phát khóc. Rồi chị em lại động viên nhau bởi đã trót đam mê thì cố sống với đam mê”, Dung tâm sự. Nhưng đó là lúc còn đồng đội ở bên, mỗi khi dính chấn thương, Dung cảm giác như tất cả đều quay lưng lại khiến cô cảm thấy cô đơn đến cùng cực: “Nhiều đêm nằm một mình, tôi chán nản và có ý nghĩ buông bỏ nhưng gia đình đã giúp tôi cân bằng lại cảm xúc”.

Hơn 10 năm gắn bó với nghiệp bóng đá, Dung cũng không thể nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần sau các trận đấu: “Thắng trận - vui khóc, thua trận - buồn khóc. Nhưng có một lần khiến tôi nhớ mãi không quên. Đó là vào năm 2014, vòng loại World Cup khu vực châu Á, Việt Nam gặp Thái Lan. Sân Thống Nhất chật kín người và chỉ cần thắng Thái Lan, chúng tôi sẽ giành vé dự World Cup nhưng cuối cùng đội tuyển lại thất bại. Cả đội khóc như mưa vì mục tiêu đã ở quá gần nhưng lại để tuột mất. Đó cũng là lần duy nhất cho đến tận bây giờ, tôi được thi đấu dưới những khán đài đông đến vậy”.

Mải mê theo đuổi trái bóng tròn, dù đã 25 tuổi nhưng Tuyết Dung vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Khi được hỏi về hình mẫu người đàn ông lý tưởng, Dung đáp: “Tôi không cần người đàn ông cao sang, chỉ cần một người hiểu, cảm thông và chia sẻ với công việc của mình”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.