Giáo dục

Cô giáo lớp học "màu da cam" ở Làng Hữu Nghị

11/03/2023, 15:10

Dậy đi dậy lại cậu học sinh to lớn cầm bút cho đúng, ngăn chặn những cú đẩy bạn bất ngờ khi "yêu", cô giáo Huyền đã có 15 năm đứng lớp như thế..

Trò đặc biệt

Mỗi sáng, sau tiếng trống vào lớp, 12 học sinh đã có mặt đầy đủ trong lớp học số 3, nằm trong Làng Hữu nghị Việt Nam (An Trai, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội).

Dù đã vào giờ học, song cảnh “mỗi trò một việc” là chuyện không hiếm. Có bạn chí choé nhau rồi mách cô, bạn khác lại lo ... “chiến đấu” với chiếc bàn; có bạn kêu đau đầu, chóng mặt; có bạn nếu không được cô viết mẫu, hoặc cầm tay thì nhất định không chịu viết bài...

Sở dĩ vậy vì đây là lớp học đặc biệt dành cho những học sinh không may mắn bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Phụ trách "lớp học màu da cam" là cô giáo Nguyễn Thu Huyền.

img

Cô Huyền và các bạn tình nguyện viên cùng học trò ở lớp học đặc biệt

12 học trò của cô Huyền, mỗi bạn một điều kiện sức khỏe, trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu.

Bạn T., 12 tuổi, dù cao lớn nhất lớp nhưng suy nghĩ, trí tuệ chỉ dừng lại ở lứa tuổi mầm non, tiểu học. Chỉ riêng việc dạy T. cầm bút sao cho đúng, cô Huyền cũng phải mất cả tuần.

Hay bạn H. được chuyển từ Nam Định về Làng trẻ Hữu nghị, buổi đầu đi học, H làm bài tập và được cô giáo chấm 8 điểm. Ngay lập tức, H đùng đùng thu dọn sách vở, đùng đùng đòi về, không học ở đây nữa vì “cho 8 điểm không học, phải 10 điểm mới chịu”. Cô Huyền phải dỗ dành, giải thích để H hiểu về điểm số và chịu học tiếp…

“Với các trò đặc biệt này, có những bài phải cho các bạn viết đi viết lại, đến bao giờ tự viết được thì mới chuyển sang bài mới. Vậy nên lớp học không thể bám đúng giáo trình, mà cô giáo phải chủ động điều chỉnh theo khả năng tiếp thu của từng em.

Trong khi có học sinh có thể biết đọc, biết viết trôi chảy, thì có học sinh chỉ cần viết được chữ “bố, mẹ” hay tên bạn ấy là cô giáo đã thấy hạnh phúc rồi”, cô Huyền chia sẻ.

Cô giáo nhỏ bé mà bền bỉ phi thường cho biết thêm: "Không chỉ dạy đọc, dạy viết chữ, dạy cách tính toán, viết chữ mà còn được, cô còn phải dạy các em từ những điều nhỏ nhất như cách ăn, uống, giữ vệ sinh, hay cách kiểm soát cảm xúc, hành vi...".

Cô bền bỉ, dịu dàng

Tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2005, cô Huyền nhận đứng lớp học đặc biệt này và gắn bó đến nay.

Nhớ lại những ngày đầu làm quen với trường, lớp, học trò, cô Huyền kể lại những kỷ niệm đặc biệt, không có trong bất cứ “giáo trình” đào tạo nào.

Ngay ngày đầu đứng lớp, chưa kịp hoàn thành màn giới thiệu, chào hỏi, bất ngờ một em học sinh tên N.V.B bị ngất. Cô giáo phải vừa phải nhanh chóng sơ cứu tại chỗ, vừa tìm cách trấn tĩnh các em học sinh, đồng thời liên lạc với cán bộ y tế trung tâm hỗ trợ kịp thời. Hỏi ra được biết, B có tiền sử động kinh và cô trò chỉ thở phào khi em tỉnh lại sau ít phút.

Hay trong lớp có bạn D, hễ có cảm tình với ai, D sẽ thể hiện bằng cách… đẩy bạn thật mạnh. Thế nên một số bạn được D “quý mến” thường xuyên bị ngã lăn quay. Ban đầu cả cô lẫn trò đều ngỡ D đi “gây gổ”, nhưng rồi mới biết đó là cách em thể hiện tình cảm.

img

Cô giáo Nguyễn Thu Hiền (bên trái) cùng đồng nghiệp

Cô Huyền phải vừa chuyện trò, giải thích vừa rèn rũa để D thay đổi dần cách bộc lộ cảm xúc. Đến nay, sau 3 năm, D đã biết viết các số từ 1 đến 4. Tuy chưa viết rõ chữ nhưng với D, đó đã là sự tiến bộ vượt bậc.

“Đi cùng các em từ những ngày đầu đến lớp, mới rõ cần bao nhiêu nỗ lực để có sự đổi thay. Có thể phải 2 năm, 3 năm, thậm chí là 5 năm để có được những tiến bộ dù chỉ là nhỏ nhất. Niềm vui của chúng tôi đến từ những điều nho nhỏ như vậy”, cô Huyền nói và khoe trên tay những bức tranh sắc màu rực rỡ do học trò vẽ tặng dịp 8/3 vừa qua.

Ông Phạm Văn Khá, Phó Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam cho biết: Sau thời gian học tập tại lớp học đặc biệt như của cô Huyền, những em có tiến bộ sẽ được chuyển sang các lớp nghề.

Nếu gia đình có nguyện vọng, các em sẽ được trở về nhà, hòa nhập với cộng đồng. Một số học trò của cô Huyền cũng đã có việc làm ổn định, có bạn đã lập gia đình.

Hạnh phúc của Làng Hữu nghị, của cô và trò chính là những thay đổi như thế. Con đường của các em không đơn giản, một thành tựu nhỏ cũng là hạnh phúc lớn.

“Cô Huyền là một giáo viên dạy giỏi, kiên nhẫn, bền bỉ, có phương pháp và nắm bắt được tâm lý học sinh; hơn cả là phải làm bạn với các em để thực sự thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương những học trò đặc biệt của mình”, ông Khá nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.