Hơn 20 năm trước Việt Nam đã đi tắt đón đầu để phát triển thành công công nghệ viễn thông. Còn trong giai đoạn hiện nay, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đâu là cơ hội để chúng ta có thể bứt phá? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng:
Quan trọng nhất là tư duy!
Được gọi là cuộc cách mạng số, chuyển đổi số, kỷ nguyên số hay cách mạng công nghiệp (CMCN ) 4.0... Đây là một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử loài người, khi chúng ta chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Đó cũng là cơ hội để những người trẻ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khác với các cuộc cách mạng trước đây, CMCN 4.0 quan trọng nhất là tư duy, thay vì phụ thuộc vào cơ sở vật chất. Do vậy, nó hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Nếu không nắm bắt được CMCN 4.0, chúng ta sẽ lại phải đợi không biết bao lâu nữa.
“Make in Vietnam” chính là tuyên bố chiến lược cho ngành công nghiệp ICT nước nhà. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) công nghệ sẽ dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam. Rồi từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, DN sẽ làm chủ toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ và phát triển công nghệ, không chỉ sử dụng trong nước mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.
Từ lâu, nhiều DN Việt đã có khát vọng làm chủ công nghệ, tự sáng tạo và thiết kế, tạo ra những sản phẩm tại Việt Nam nhưng mang tầm thế giới, cạnh tranh với những thương hiệu tên tuổi toàn cầu. Với nguồn lực của mình, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những thứ tốt nhất như thế giới đang có.
Một đất nước có nền công nghiệp từng bị chế giễu là “không sản xuất nổi một con ốc vít đúng nghĩa” lại có những DN muốn sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nghe cũng có vẻ... hoang đường. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những DN làm được và thế giới công nhận.
Khi bắt tay chế tạo máy thông tin quân sự, các kỹ sư Tập đoàn Viettel còn mơ hồ về nguyên lý để làm ra vỏ máy, chưa nói đến thiết kế phần cứng, rồi nguồn linh kiện... nhưng họ không nhìn vào quá khứ chưa ai làm được ở Việt Nam. Chỉ sau 8 tháng, chiếc máy thông tin quân sự đầu tiên ra đời. Đến nay, Viettel đã sản xuất được 8 loại máy thông tin quân sự khác nhau với công nghệ ở thế hệ thứ 4, chỉ kém một thế hệ so với loại máy tiên tiến nhất thế giới. Điều quan trọng là những kỹ sư Viettel làm chủ về công nghệ, cả phần cứng và phần mềm của thiết bị. Cùng với sự khởi đầu đó, Viettel còn triển khai nhiều dự án sản xuất khí tài quân sự quan trọng khác và cũng đạt được những thành công rất khó tin như: Hệ thống radar cảnh giới phòng không và cảnh giới biển, hệ thống cảnh giới vùng trời VQ1-M, máy bay không người lái và cả những vũ khí phòng không công nghệ cao tối tân khác...
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng (Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel):
Chuẩn bị hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất
Cùng với xu thế của thế giới, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số. Thực chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều phải dựa trên nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin. Chính vì vậy, chúng ta cần có một hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất.
Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay, chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau nữa mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. ICT là nền tảng thúc đẩy CMCN 4.0 trong mọi lĩnh vực, bởi vậy phải đi trước, phải được đầu tư trước.
Nhà mạng viễn thông phải nhận lấy sứ mạng mới quốc gia, đó là xây dựng hạ tầng viễn thông - CNTT phục vụ cho một Việt Nam số, Digital Vietnam. Không chỉ là hạ tầng viễn thông theo khái niệm truyền thống, mà còn là hạ tầng dữ liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu - Cloud Computing, hạ tầng IoT, hạ tầng về ứng dụng như là dịch vụ... Hạ tầng luôn phải đi trước, đầu tư trước kinh doanh sau. Hạ tầng luôn phải là công nghệ và chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Hạ tầng luôn phải là rộng khắp. Hạ tầng luôn phải là giá cả phù hợp. Hạ tầng luôn phải là phổ cập dịch vụ.
Việt Nam đã từng làm được như vậy, cách đây 10 năm với 2G. Bây giờ là lúc chúng ta học lại những cách làm đã giúp chúng ta lọt vào top đầu thế giới về viễn thông và làm lại để có một hạ tầng mới về Viễn thông - Công nghệ thông tin, phục vụ cho kinh tế số và xã hội số, thuộc đẳng cấp quốc tế hàng đầu.
Ông Tô Dũng Thái (Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT):
Phải “đứng trên vai những người khổng lồ”
Cuộc CMCN lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nó mở ra cơ hội mới cho tất cả các quốc gia. Trong cuộc cách mạng đó, tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển. Điều này đang mở ra cho Việt Nam một cơ hội lớn có thể sánh ngang bằng với các nước phát triển.
Hai “con rồng” của kinh tế châu Á những thập niên gần đây là Nhật Bản và Hàn Quốc đều để lại bài học giống nhau để phát triển kinh tế đột phá. Đó là dựa trên nền tảng sức mạnh của công nghệ. Các tập đoàn công nghệ như: Sony, Toshiba, Samsung, LG… đã đi đầu trong phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới và qua đó tạo dựng sức mạnh kinh tế của các quốc gia này. Từ bài học thực tiễn đó, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn nền kinh tế, việc ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong đó có vai trò chủ lực của các tập đoàn công nghệ lớn sẽ là một trong các giải pháp để chúng ta phát triển bứt phá.
Chuyển đổi số nên bắt đầu từ 2 lĩnh vực, lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Với các dịch vụ công, chuyển đổi số phải thực hiện 2 nhiệm vụ là số hóa các dịch vụ công mà Nhà nước đang cung cấp cho người dân và số hóa các lĩnh vực sự nghiệp công. Ví dụ như phải xây dựng cổng dịch vụ công của Chính phủ, cổng dịch vụ công cho các bộ, ngành, hay xây dựng bệnh viện số, giáo dục điện tử...
Trong lĩnh vực tư, cần thực hiện chuyển đổi số theo từng ngành kinh tế. Ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, IoT sẽ giúp năng suất lao động cao hơn, sản phẩm sạch hơn. Hay như du lịch, chuyển đổi số sẽ mang lại tiện ích hơn cho du khách trong tìm kiếm địa điểm vui chơi, ăn uống...
Bên cạnh đó, để có thể triển khai những công nghệ mới nhất thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đi sau về công nghệ, chúng tôi phải “đứng trên vai những người khổng lồ”. Chẳng hạn như VNPT đã tăng cường hợp tác với các Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Sumitomo, Nissho Electronics của Nhật Bản, Siemens của Đức hay Ericsson của Thụy Điển… nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các ứng dụng công nghệ 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, thực tại tăng cường, Blockchain, Fintech...
Ông Đặng Vân Phúc (Sáng lập viên Công ty CP Liên Minh Các dự án ứng dụng công nghệ Onpun):
Lợi thế của nước đi sau
Tiềm năng của ngành công nghệ rất lớn bởi vòng đời ngắn, chỉ từ 18-36 tháng cho một chu kỳ khép kín từ nghiên cứu phát triển tới sản xuất. Vì vậy, những quốc gia đi sau sẽ có lợi thế, nếu chưa bị kẹt vào những đầu tư lớn cho công nghệ lỗi thời.
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam đang có khoảng 64 triệu cư dân mạng; số người sử dụng mạng xã hội và các thiết bị di động, ứng dụng mạng, tăng trưởng 13-14% cao hơn trung bình các nước trên thế giới chỉ từ 9,1-9,5%. Lượng tài khoản internet tại Việt Nam tăng trưởng 0% trong 2 năm qua thể hiện sự bão hòa, đã sẵn sàng của người dùng. Thời lượng mỗi tài khoản tương tác trên mạng internet trên các thiết bị trong một ngày khoảng 6h42’, có thể thấy, việc lên không gian mạng đã không còn chỉ để giải trí, nhiều dịch vụ sản phẩm kinh doanh trên mạng của cá nhân, tư nhân và doanh nghiệp ngày càng nhiều và được xã hội chấp nhận.
Các dịch vụ thanh toán, tài chính, ngân hàng qua mạng tăng trưởng nhanh như các đơn vị Fintech: Mbpay, Moca, Momo, eLoan, F88… Điều đó khiến cho chúng ta có thể tin tưởng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các thành tựu công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 hiện nay để thúc đẩy đất nước phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận