Vận tải

Cơ hội chọn phương thức vận tải rẻ hơn

01/05/2014, 14:12

Năng lực vận chuyển đường sắt, hàng hải, thủy nội địa có thể tăng được 30-50% khi siết chặt quản lý tải trọng xe đường bộ, tạo môi trường kinh doanh công bằng và bảo vệ cầu đường bộ.

Với đường thủy nội địa, năng lực vận tải đang dư thừa khoảng 40-50%
Với đường thủy nội địa, năng lực vận tải đang dư thừa khoảng 40-50%


Chủ hàng “quay lưng” với đường bộ


Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sắt thép, mía đường, gạo cũng như các mặt hàng xuất khẩu, tiêu dùng thiết yếu khác đang tìm các phương thức vận chuyển khác thay cho đường bộ, nhất là khi giá cước vận tải đang được điều chỉnh khi Bộ GTVT quyết định đồng loạt triển khai cân xe trên các tuyến quốc lộ. 


Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN Nguyễn Trọng Khuê cho biết, mỗi năm, Tổng công ty cần vận chuyển hàng triệu tấn thép và phôi tuyến Lào Cai – Hà Nội. Do cước vận tải hạng nặng bằng đường bộ rất lớn, doanh nghiệp đang muốn chuyển sang sử dụng phương thức vận tải đường sắt.


Bà Vũ Thị Huyền Đức – Phó TGĐ TCT Mía đường cho biết, mỗi năm cần vận chuyển 10 vạn tấn đường lên Lào Cai xuất khẩu qua biên giới. “Hiện chúng tôi không thuê đường bộ nữa vì chi phí cao quá. Với mặt hàng này, vận chuyển ngoài 300km, đường sắt đáng ra là lựa chọn tốt nhất” – bà Đức nói. 


Cùng với đường sắt, các phương thức vận tải khác bằng đường thủy nội địa hay đường biển cũng đang được nhiều chủ hàng cân nhắc. “Hàng từ Mỹ Thới ra phía Bắc, theo tôi tốt nhất là đi bằng đường thủy lên TP HCM. Sau đó, tiếp tục vận chuyển bằng tàu biển ra Hải Phòng. Nếu cứ đi đường bộ thì chả chủ hàng nào chịu nổi”,  ông Phạm Ngọc Tuyến – Phó TGĐ TCT Lương thực miền Bắc nhấn mạnh. 


Ông Đinh Quang Dũng –Phó TGĐ TCT Xi Măng cũng cho biết, đang bàn với khách hàng giải pháp tập trung lượng hàng tối đa đi đường thủy thay vì đường bộ để giảm thiểu chi phí vận tải. 

Năng lực vận tải chưa khai thác hợp lý 


Theo khảo sát của Bộ GTVT, các phương thức vận tải đường sắt, hàng hải, thủy nội địa đều còn dư năng lực. Nếu tổ chức kết nối tốt, năng lực có thể tăng từ 30-50%.


Cụ thể, nhiều tuyến đường sắt như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội – TP HCM còn tăng được từ 3,5 đến 5 đôi tàu/ngày đêm. Một số tuyến khác như: Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Hạ Long còn khả năng tăng được 10 đôi tàu/ngày đêm. Riêng về toa xe, nếu tối ưu hoá thời gian quay vòng và xếp hàng thì có thể tăng thêm 30% năng lực toa xe hàng và có thể chở tăng 50% đến 80% so với hiện tại nếu tổ chức được nhiều đôi tàu địa phương kết nối với  Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.  


Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, để tăng thị phần vận tải, ngành Đường sắt cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia vào, bỏ lối làm ăn độc quyền như hiện nay. Tuyến Bắc - Nam, theo Thứ trưởng cũng cần ưu tiên một số đôi tàu hàng, với tốc độ tăng lên khoảng 50-60km/h, sau 2-3 ngày giao hàng.


Với đường thủy nội địa, số liệu thống kê chưa chính thức cho thấy, năng lực vận tải đang dư thừa khoảng 40-50%. Hàng hải, theo khảo sát của Bộ GTVT hệ số sử dụng đội tàu chiều Bắc – Nam hiện mới đạt 50-60% và cũng chỉ đạt khoảng 70% ở chiều ngược lại. 

Cần những doanh nghiệp vận tải  đủ mạnh


Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, vấn đề đặt ra đối với vận tải là phải tổ chức hình thức vận tải trọn gói, chuyên nghiệp từ  “cửa tới cửa” đang rất phổ biến trên thế giới hiện nay. “Muốn vậy, cần có những doanh nghiệp lớn đứng ra đảm nhiệm từ khâu ký kết hợp đồng với khách hàng, lo vận chuyển từ kho hàng, cảng biển, nhà máy sản xuất đến địa chỉ tiêu thụ, lập thành chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa” – Bộ trưởng nhấn mạnh. 


Thực tế cho thấy, dù cước đường bộ đang cao hơn đường sắt, hàng hải và thủy nội địa rất nhiều, song nhiều chủ hàng vẫn lựa chọn đi đường bộ. Nguyên do tính linh hoạt và kịp thời của đường bộ đáp ứng được những hợp đồng cần phải đi nhanh, ít hư hỏng, trầy xước. Điều này đã đẩy đường bộ vào xu thế chạy quá tải, đồng thời chi phí vận tải chung của nền kinh tế tăng cao.


Trong chuỗi cung ứng chuyên nghiệp hóa cao, các phương thức vận tải được sử dụng một cách tối ưu nhất, nhằm tận dụng tối đa lợi thế của từng phương thức, trong tổng thể hài hòa các phương thức vận tải. Như vậy chắc chắn cước vận tải sẽ giảm, giá cả hàng hóa của nền kinh tế sẽ có tính cạnh tranh tốt hơn.


Cũng từ đây, Bộ trưởng yêu cầu phải giải quyết ngay những vấn đề còn bất cập, kịp thời tháo gỡ những nút thắt. Cùng đó, phải nghiên cứu kết nối các phương thức vận tải trên những tuyến hành lang lớn.


“Kiểm soát tải trọng xe đường bộ hiện nay là cú hích, tạo ra cơ hội rất lớn, có một không hai cho các ngành vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không chuyển biến. Mục đích cuối cùng là giá cước vận tải phải giảm, hàng hóa phải lưu thông trôi chảy hơn” – Bộ trưởng nói.

 

Theo khảo sát, cước vận tải đường sắt hiện nay thấp hơn đường bộ khoảng 40-55%. Một container hàng chở bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP HCM lên tới trên dưới 40 triệu đồng, trong khi chở bằng đường sắt là 20 triệu (gồm cả bốc xếp hai đầu). Một container vận chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai bằng đường sắt, cước bằng khoảng 60% đường bộ. Cước vận tải thủy nội địa cũng thấp hơn nhiều so với đường bộ, chỉ bằng khoảng 25-40%. Cước vận tải hàng hóa đường biển từ TP HCM ra Hải Phòng chỉ bằng 15-20%  đường bộ. Từ TP HCM và Hải Phòng đi các tỉnh khu vực miền Trung như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Cửa Lò cước đi đường biển bằng khoảng 40-45% đường bộ. 

Phương Anh - Khánh Hà

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.