Kinh tế

Cơ hội để Việt Nam phát triển nhanh

26/01/2020, 07:12

Đâu là cơ hội, thách thức của Việt Nam và chúng ta sẽ đi trước đón đầu thế nào, bởi lần này không thành công thì không còn cơ hội nào khác?

Đặc trưng của thập kỷ tới sẽ là sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Công nghệ được dự báo sẽ thay đổi sâu sắc cuộc sống. Vậy, đâu là cơ hội, thách thức của Việt Nam và chúng ta sẽ đi trước đón đầu thế nào, bởi lần này không thành công thì không còn cơ hội nào khác? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia xung quanh câu chuyện này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng:
Việt Nam có cơ hội và lợi thế để bứt phá

img

Việt Nam của chúng ta với khát vọng hùng cường vào năm 2045, trở thành nước phát triển với thu nhập cao khi chúng ta tròn 100 năm dựng nước. Chúng ta sẽ tiến tới đó bằng công nghệ, bằng sự đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá.

Chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới. Và đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng cũng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh tế mới này sẽ phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đi sau, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu.

Vậy, ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải cần đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh, thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chính chuyển đổi số cũng sẽ thúc đẩy Make in Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu.

Lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các Platforms. Một nền tảng Platforms có thể kết nối hàng triệu người, hàng nghìn doanh nghiệp. Platforms văn minh ở chỗ giá trị tạo ra được chia sẻ giữa người tham gia và người tạo Platforms nên sẽ thúc đẩy tất cả các bên. Lợi thế Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp CNTT có năng lực, đã trưởng thành trong mấy chục năm vừa qua, có thể phát triển các Platforms phù hợp cho chuyển đổi số Việt Nam.

Về thể chế thì quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Cái mới thì chưa biết nên cũng không thể biết cách quản lý, do vậy cơ chế sandbox, tức là cho thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, là cách tiếp cận cái mới tốt nhất, mà Nghị quyết 52 đã chỉ ra.

Về hạ tầng thì quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT, Big Data, AI. Rất nhiều công nghệ mới đang xuất hiện cho phép Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới. Đó không chỉ là việc mua công nghệ và thiết bị, mà còn là cơ hội cho Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng ICT. 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G đã được Bộ TT&TT nghiên cứu.

Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, là công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số chính là an toàn, an ninh không gian mạng. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người.

Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển thị trường FPT IS:
Đừng lo lắng những điều khó tin xảy ra trong tương lai

img

Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên 4.0 với tốc độ phát triển đột phá trong công nghệ và tương lai sẽ xảy đến những điều khó tin. Nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng, điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, ti vi 13 năm thì gần đây, internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần 3,5 năm.

Sự thay đổi của cách mạng CN 4.0 mang tính hệ thống chính trị xã hội tới từng cá nhân. Thế giới mới được hình thành là sự kết hợp của thế giới số, thế giới sinh học và thế giới vật lý mà làn ranh sẽ dần mờ đi. Cùng với đó, chi phí cho các ứng dụng công nghệ sẽ ngày càng rẻ hơn, thời gian đào thải của những sản phẩm này cũng nhanh hơn. Ví dụ, trước đây để thử nghiệm một loại thuốc chữa bệnh cần mất tới cả chục năm thì hiện nay người ta đã có thể dùng những con chip bề mặt cấu trúc sinh học, chuyển thành tín hiệu số giúp lấy được dữ liệu trong thời gian ngắn hơn rất nhiều.

Hay trong giải mã gene người, nếu những năm 2000 phải chi 2,7 tỷ USD thì tới năm 2007 mất 10 triệu USD, năm 2014 chỉ còn khoảng 1 nghìn USD và trong tương lai có thể chỉ còn vài trăm USD; thậm chí có thể dùng thiết bị cầm tay di chuyển chứ không cần cả cỗ máy giải mã gene phức tạp. Một cánh tay robot trước đây phải mất từ 500 nghìn tới 1 triệu USD thì giờ đây chỉ cần vài chục nghìn USD là đã có những con robot phức tạp…

Khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp kết nối nhau trong 1 chuỗi giá trị, nhờ đó tạo ra cơ hội mới cho các lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ dữ liệu trên một nền tảng mở. Sản phẩm trong tương lai sẽ rất khác biệt, công nghệ xếp chồng công nghệ. Chẳng hạn một chiếc giày có gắn chíp, thiết bị cảm biến, phần mềm ứng dụng bán hàng, bộ máy phân tích dữ liệu, logistics...

Cách mạng 4.0 là câu chuyện có thật, ngay lúc này, nếu chúng ta chưa thể tưởng tượng được sẽ rất dễ dàng bỏ qua các cơ hội phát triển. Tại các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Đức, chương trình Industry 4.0 được xây dựng từ 2011. Tuy nhiên, tới nay chính phủ nước này đã phải lo ngại tương lai mất khả năng cạnh tranh nên đã chủ động phòng vệ bằng đề án công nghệ cao năm 2020 để phát triển các sản phẩm về công nghệ. Tại Ấn Độ, phong trào “Make in India” tạo nên làn sóng, đưa đất nước trở thành trung tâm công nghệ thế giới.

Còn tại Việt Nam, Chính phủ muốn kiến tạo công xưởng sản xuất số, nơi máy móc làm thay những phần việc thủ công của con người, giúp con người tận hưởng cuộc sống tốt hơn và tập trung vào những công việc mới. Bức tranh nền tảng cách mạng thứ 4 tại Việt Nam đang dần hình thành trên thành quả như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet Vạn vật (IoT)...

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Viettel:
Cần khắc phục khoảng trống pháp lý về số hóa

img

Biểu hiện quan trọng nhất của cuộc CMCN 4.0 là tính kết nối và chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, kết nối máy với máy, máy với người, kết nối người với sản phẩm, dịch vụ trong một quốc gia và có thể xuyên quốc gia. Khung pháp lý và các chính sách nền tảng này có thể bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán đặc thù, ngân hàng số, liên thông cơ sở dữ liệu…

Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định pháp luật rõ ràng về việc thu thập, chia sẻ sử dụng và tái sử dụng dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước cũng như giữa doanh nghiệp với xã hội. Điều này gây trở ngại cho tiến trình xây dựng hệ thống dữ liệu số mà một trong những nguyên tắc cơ bản của hạ tầng số trong CMCN 4.0 chính là chia sẻ thông tin dữ liệu và vận hành trên nền tảng thông tin dữ liệu, được cập nhật thường xuyên.

Ngoài ra, chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức, chứng thư số trên các giao dịch của môi trường mạng, đặc biệt là trong quá trình cung cấp các dịch vụ hành chính công, các dịch vụ tài chính ngân hàng, trung gian thanh toán. Tình trạng này không những tăng thêm khối lượng công việc cho đội ngũ nhân sự mà còn tạo ra tâm lý chần chừ, trì trệ đối với quá trình số hóa mọi dịch vụ trong CMCN 4.0.

Cuối cùng, chúng ta đang thiếu quy định về khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện nay các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã có được nguồn dữ liệu rất lớn từ các khách hàng, tuy nhiên việc khai thác sử dụng dữ liệu này trong hoạt động đang còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.