Hạ tầng

Cơ hội làm ăn lớn khai thác luồng tàu biển vào sông Hậu

18/02/2016, 17:58

Nhiều doanh nghiệp đang rốt ráo chuẩn bị đầu tư phương tiện, hạ tầng cầu cảng để làm ăn khi dự án luồng...

4

Những chiếc tàu tải trọng lớn vào kênh Tắt khi dự án thông luồng kỹ thuật ngày 20/1

Đầu tư trước cầu cảng, mua sắm phương tiện lớn

Từ cách đây 3 năm, cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) đã đầu tư một hệ thống cầu cảng có thể đón những tàu chở hàng đến 15.000 tấn. Thế nhưng, trong mấy năm qua cảng này đón tàu lớn nhất cũng chỉ 5.000 tấn vì cửa biển Định An không cho phép tàu trọng tải lớn vào. Khi dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn được thông luồng kỹ thuật ngày 20/1, ông Lê Đình Công, Giám đốc cảng Cái Cui cho biết, đó chẳng khác nào giấc mơ thành hiện thực.

Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên do cắt giảm đầu tư công, dự án đã phải đình hoãn từ tháng 1/2013, đến đầu năm 2014 mới được tái khởi động lại. Dự án được Quốc hội phê duyệt với tổng mức đầu tư 9.781 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các nguồn vốn khác và được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2013-2015) là giai đoạn thông luồng kỹ thuật với kinh phí 7.555 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (2015-2017) hoàn thành các hạng mục còn lại với kinh phí 2.225 tỉ đồng.

“Khi dự án hoàn thành, những tàu biển lớn 20.000 tấn có thể ra vào sông Hậu. Cảng Cái Cui sẽ khai thác hết công suất, phát huy được thế mạnh vận tải thủy của ĐBSCL”, ông Công nói.

Với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, từ năm 2010 đã đầu tư 3 cảng ở ĐBSCL có thể tiếp nhận tàu container các cảng Tân Cảng - Sa Đéc, Tân Cảng - Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Tân Cảng - Mỹ Tho (Tiền Giang). Đồng thời, đơn vị này cũng liên danh với nhiều cảng khác như: Mỹ Thới (An Giang), Thốt Nốt (Cần Thơ), Giao Long (Bến Tre)… để tiếp nhận hàng hóa trung chuyển lên cảng Cát Lái hoặc Cái Mép - Thị Vải.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc công ty vận tải thủy Tân Cảng cho biết, việc trung chuyển này cũng chỉ sử dụng tàu nhỏ nên chưa phát huy hiệu quả cao. “Khi dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hoàn thành, chúng tôi sẽ sử dụng những tàu lớn để gom hàng hóa, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả vận chuyển bằng đường thủy”, ông Minh nói và cho biết, dự án còn nhằm mục tiêu thu hút một lượng hàng hóa từ Campuchia vận chuyển qua Việt Nam đến hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải xuất khẩu ra quốc tế.

Chính thức khai thác vào 30/4

Ông Trần An Hải, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải cho biết, mặc dù dự án đã được thông luồng kỹ thuật ngày 20/1 nhưng còn một số hạng mục chưa hoàn chỉnh nên chưa đưa vào khai thác. Một số nhà thầu vừa qua phải tổ chức thi công xuyên Tết để đảm bảo tiến độ. Những ngày đầu năm mới không khí thi đua lao động trên công trường giữa các đơn vị đã trở lại nhộn nhịp. “Chúng tôi tổ chức nhiều mũi thi công để đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4 sắp tới”, ông Hải khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, các đơn vị của Cục phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA trong việc tiếp nhận các hạng mục đã hoàn thành để thả phao tiêu, báo hiệu, sẵn sàng khi dự án được hoàn thành là đưa vào khai thác ngay.

Theo thống kê, mỗi năm có hơn 16 triệu tấn hàng hóa của vùng ĐBSCL xuất khẩu bằng đường biển. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số này đi thẳng từ các cảng bằng sà lan nhỏ, 70% còn lại phải trung chuyển lên các cảng ở TP HCM, Vũng Tàu. Cứ một tấn hàng xuất khẩu vận chuyển lên TP HCM phải đội chi phí thêm 7-10 USD. Dự kiến khi luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hoàn thành, đến năm 2020 lượng hàng hóa tổng hợp thông qua các cảng trên sông Hậu đạt từ 21-22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.