Xã hội

Cơ hội nào cho người tự ứng cử?

17/03/2016, 07:28

Nhiều người từng tự ứng cử ĐBQH cho rằng, họ ít nhiều thường bị “làm khó” và chung cuộc đều “rớt đài”.

16
Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV (Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban T.Ư  MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị) - Ảnh: Nguyễn Dân

Tuy nhiên, các đơn vị tiến hành công tác bầu cử đều khẳng định sự bình đẳng, dân chủ với những người tự ứng cử, không hề có rào cản nào.

“Người trong cuộc” nói gì?

Chia sẻ với Báo Giao thông về câu chuyện tự ứng cử của mình 10 năm về trước - kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII (2006 - 2011), nhà báo Vũ Thị Hải (Báo Nông thôn ngày nay, trú Hải Phòng) cho biết, khi đó bà nhận thấy mình có đầy đủ các tiêu chuẩn như về độ tuổi, có trình độ, có uy tín với cộng đồng (vào thời điểm ấy nữ nhà báo này mới thực hiện loạt bài phóng sự điều tra phanh phui những tiêu cực trong quản lý đất đai của một số cán bộ quan chức ở quận Đồ Sơn - PV). Biết tin bà tham gia ứng cử, lãnh đạo cơ quan và lãnh đạo địa phương đều gọi điện động viên, khích lệ.

Có mời toàn bộ cử tri đến hiệp thương?

Về việc mời các cử tri đến dự và bỏ phiếu hiệp thương tại nơi cư trú của những người tự ứng cử, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, Hội nghị cử tri nơi cư trú là do UB MTTQ cấp xã phối hợp với UBND cấp xã triệu tập và chủ trì. Người được giới thiệu ứng cử hoặc người tự ứng cử cũng được mời dự hội nghị đó. Tại đó, cử tri căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu và các tiêu chuẩn khác sẽ nhận xét trực tiếp đối với từng người ứng cử, sau đó bỏ phiếu tín nhiệm. Theo quy định, nơi nào dưới 100 cử tri thì phải mời toàn bộ, nhưng nếu ít nhất 50 người đến dự là đủ số người quy định để tiến hành bỏ phiếu.

Tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở cả đơn vị công tác và nơi sinh sống, bà Hải nhận được số phiếu tín nhiệm tuyệt đối nên tin chắc mình sẽ thuận lợi ở vòng tiếp theo và chuẩn bị rất kỹ cho những ngày tuyên truyền vận động tranh cử. Nhưng sau đó xảy ra một sự cố bất ngờ khiến bà không có tên trong danh sách bầu cử. Đó là trước ngày diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 - hội nghị chốt danh sách cuối cùng, Hội đồng bầu cử thành phố đã nhận được thông tin về bằng cử nhân báo chí của bà là giả và buộc phải tiến hành xác minh. Khi có kết quả xác minh bằng của bà Hải là thật, hội nghị đã bỏ phiếu xong và bà Hải đã bị đưa ra khỏi danh sách bầu cử. “Khi ấy, tôi cũng đã tự mình đi xác minh và gửi về cho cơ quan chuyên môn đúng hôm hội nghị bỏ phiếu nhưng không được công nhận. Sau khi hội nghị bỏ phiếu xong mới có kết quả xác minh bằng của tôi không phải bằng giả, nhưng lúc đó thì cơ hội của tôi cũng đã trôi qua”, bà Hải chia sẻ.

Một ứng cử viên khác từng tự ứng cử ĐBQH cách đây một nhiệm kỳ cũng chia sẻ, dù trong quá trình chuẩn bị hồ sơ không gặp khó khăn gì, nhưng hầu như những người tự ứng cử thường ít có cơ hội vượt qua các vòng hiệp thương. Ví dụ như khi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cử tri ở nơi cư trú để quyết định việc có đưa tên người tự ứng cử vào danh sách để đưa vào hiệp thương vòng 3 hay không, hầu như những cử tri được mời đến bỏ phiếu đều là đảng viên hoặc người của chi bộ. “Để thông qua chi bộ đó, người ta sẽ chỉ đạo, “làm khó” hoặc hạn chế cơ hội của người tự ứng cử. Có lẽ vì thế, đây là vòng người tự ứng cử bị “đấu tố” nhiều nhất, dù cho trước đó các cử tri đều bày tỏ thái độ ủng hộ họ”, anh cho biết.

“Không có chuyện người tự ứng cử bị làm khó”

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, việc cho rằng người tự ứng cử bị làm khó, những người tự ứng cử ít có cơ hội là không có cơ sở. “Khi hồ sơ đủ điều kiện chuyển đến MTTQ thì đều được xem xét như nhau, đều đưa ra hiệp thương theo quy trình như nhau, người nào xuất sắc hơn thì được giữ lại trong danh sách chính thức. Ví dụ, danh sách ở một tỉnh nào đó có 15 người ứng cử, trong đó có 13 người được giới thiệu và 2 người tự ứng cử xếp thứ tự ABC, thì danh sách đưa sang MTTQ vẫn xếp theo thứ tự ABC chứ không phân biệt đâu là người được giới thiệu, đâu là người tự ứng cử. Sau đó, MTTQ sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử để bàn bạc, thảo luận và bỏ phiếu, lấy số phiếu từ cao đến thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu”, ông Pha dẫn chứng.

Khẳng định không có chuyện những người tự ứng cử ĐBQH bị “làm khó” khi lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú, ông Pha cho rằng: “Nhiều trường hợp không được tín nhiệm ở nơi cư trú là do cả năm không quan hệ, gặp gỡ với chi bộ, với người dân, với tổ dân phố nên họ không biết ông là ai mà bỏ phiếu?”.

Về việc nhiều người tự ứng cử không được thông báo kết quả khi không được đưa vào danh sách bầu ĐBQH, ông Pha giải thích, theo quy định thì chỉ công bố kết quả những ai ở lại, còn với những ai không được MTTQ đưa vào danh sách chính thức thì không cần công khai.

Bày tỏ ý kiến riêng về trường hợp của nhà báo Vũ Thị Hải, ông Pha cho biết: “Luật quy định đến ngày này thì việc xác minh phải xong, nếu chưa xong thì không thể đưa vào danh sách được. Còn lỗi chưa xong do cơ quan nào thì cơ quan đó chịu trách nhiệm. Việc xác minh này phải có cơ quan, tổ chức. Nếu người tự ứng cử có kiến nghị theo luật khiếu nại tố cáo, thì sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan liên quan vì để xảy ra việc xác minh chậm trễ”.

Siết quy trình chọn lọc hồ sơ của người tự ứng cử

Một lần nữa khẳng định quyền bầu cử, ứng cử là quyền của mỗi công dân, không ai có thể hạn chế, nhưng Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, đã có những quy định về tiêu chuẩn để làm căn cứ, các cơ quan có thẩm quyền cũng phải đối chiếu để sàng lọc, ai không đủ tiêu chuẩn thì loại.

Trước câu hỏi của PV về việc liệu có sự khác biệt giữa những người tự ứng cử và những người được tổ chức giới thiệu, ông Phúc nhận định có khác biệt ở chỗ người tự ứng cử thì hồ sơ rất đơn giản, còn hồ sơ của người được cơ quan, tổ chức giới thiệu thì chặt chẽ. Hồ sơ người tự ứng cử chỉ cần chính quyền cơ sở xác nhận, rất đơn giản. Trong khi đó hồ sơ của những người được giới thiệu làm rất kỹ qua các cấp, qua các hệ thống kiểm tra, kiểm soát ngặt nghèo.

“Chúng ta cũng có lỏng lẻo trong quá trình kiểm soát hồ sơ của người tự ứng cử, dẫn đến những trường hợp đáng tiếc như phải miễn nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga”, ông Phúc dẫn chứng và cho rằng, đã nói là công bằng thì mọi người phải như nhau, không có chuyện người tự ứng cử kiểm soát dễ dãi hơn người được giới thiệu.

"Nhiệm kỳ này chắc chắn sẽ có điều chỉnh. Các cơ quan xem xét hồ sơ sẽ đối chiếu một cách chặt chẽ hơn, sàng lọc kỹ hơn”, ông Phúc cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.