Bạn cần biết

Cơ hội nào cho thí sinh trượt đại học nguyện vọng 1?

03/08/2017, 15:25

Có còn cơ hội cho thí sinh trượt đại học nguyện vọng 1? Và khoảng 250.000 thí sinh bị trượt sẽ phải làm gì?

98444421-59d1-4617-a48f-a081876c99c5

Cơ hội nào cho thí sinh trượt đại học nguyện vọng 1? (ảnh minh họa)

Sau khi các trường đại học trên cả nước chính thức công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, ngày 2/8, nhiều thí sinh đã đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi tại trường.

Tuy nhiên, công bố của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm nay, khoảng 866.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT, trong đó có khoảng 640.000 thí sinh thi để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ GD&ĐT là 392.000. Như vậy, khoảng 250.000 thí sinh bị trượt.

Vấn đề đặt ra là có còn cơ hội cho thí sinh trượt đại học nguyện vọng 1? Và khoảng 250.000 thí sinh bị trượt sẽ phải làm gì?

Xét tuyển nguyện vọng 2

Trong khi một số trường đại học tốp trên có nguồn tuyển dồi dào đủ ngay ở nguyện vọng 1 thì các trường đại học tốp giữa và dưới đã thiếu chỉ tiêu và có thông báo tuyển sinh bổ sung trong khi đang nhận giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh.

Theo quy định, sau khi các trường đại học kết thúc xét tuyển đợt 1, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện sau ngày 13/8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng.

Trường ĐH Lâm nghiệp có lẽ là một trong những trường đầu tiên thông báo xét tuyển bổ sung sau khi có kế quả xét tuyển đợt 1. Trong thông báo điểm trúng tuyển của trường hôm 1/8 đã có thông báo về quyết định trường sẽ xét tuyển bổ sung với tất cả các ngành học của cả 2 cơ sở (Hà Nội và Đồng Nai).

Trường ĐH Thủy lợi cũng là một trong những trường đầu tiên thông báo xét tuyển bổ sung với tổng chỉ tiêu là 990, trong đó cơ sở miền Bắc là 790, cơ sở miền Nam là 200.

Học nghề

Ngoài lựa chọn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, các thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 có thể đăng ký học các trường dạy nghề.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích học nghề. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT mà đăng ký vào học tại các trường nghề được đặc biệt quan tâm từ các chính sách của nhà nuớc cũng như chủ trương từ phía các trường nghề.

Với phương thức tuyển sinh xét tuyển mà không phải thi cử, đào tạo liên thông tại các trường đào tạo nghề thì việc lựa chọn một ngành học phù hợp tại đây là phương án khả thi cho các thí sinh. Việc theo học tại các trường đào tạo nghề không những giúp các thí sinh không trúng tuyển vào đại học có cơ hội học tiếp mà còn cho các bạn học sinh thi trượt tốt nghiệp THPT tiết kiệm thời gian nhàn rỗi, được đào tạo nghề và kỹ năng, nhanh chóng có công ăn việc làm ổn định. Với các đối tượng có nhu cầu liên thông, nâng cấp bậc học và nâng cao trình độ, họ vẫn có thể đăng ký học.

Mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học là xu hướng đang được ưa chuộng. Như vậy, các trường đào tạo nghề vừa có thể đáp ứng ngay lực lượng lao động chuyên nghiệp, tạo hướng mở cho những người có nguyện vọng học cao hơn.

Học để thi lại

Nếu các các thí sinh muốn có trong tay bằng đại học chính quy hay kết quả thi không đúng với sức học của mình hoặc tự cảm thấy bản thân đã không tập trung hoàn toàn trong kỳ thi vừa qua thì việc chậm một năm so với bạn bè cũng chẳng phải là điều quá tệ.

Chỉ cần có chí học hành thì những sĩ tử chưa may mắn năm nay có thể lại “ôn văn luyện võ” chờ kỳ thi năm sau, miễn là đừng để tâm trí chán nản hoặc sa đà vào chuyện ăn chơi mà quên mất mình định làm gì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.