Chuyện dọc đường

Cơ hội và thách thức nhà đầu tư nội

07/10/2019, 06:34

Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế là cơ hội tốt nhưng cũng là thách thức đối với nhà thầu nội.

img
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Tạ Tôn

Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế để chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, bên cạnh điều đáng tiếc là chúng ta sẽ không chọn được những nhà đầu tư ngoại để thu hút nguồn vốn từ nước ngoài nhưng cũng mở ra cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nội dù thách thức là rất lớn đang chờ đợi phía trước.

Thách thức đầu tiên là tiêu chí về năng lực tài chính. Đối với phần vốn chủ sở hữu, trước đây trong hồ sơ mời sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế, Bộ GTVT yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu dự án nhằm ngăn chặn, loại bỏ những nhà đầu tư không đồng, nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Tôi cho rằng, đây là điều bắt buộc và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để Bộ GTVT lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong nước thời gian tới là nguồn vốn vay tín dụng. Phải nói thẳng, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trong nước đã cố gắng hết sức nhưng thực tế nhiều dự án giao thông dù rất khả thi, rất hiệu quả nhưng vẫn không thể vay được vốn. Do vậy, Chính phủ, Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp, cơ chế tháo gỡ để có nguồn vốn tín dụng cho vay đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam. Chẳng hạn, có thể áp dụng mô hình của Hàn Quốc bằng việc thành lập Quỹ Đầu tư hạ tầng, hay đưa ra chính sách hợp vốn của nhiều ngân hàng thương mại để cùng cho vay, cùng chia sẻ rủi ro như nước Anh từng áp dụng.

Tiếp theo là vấn đề kinh nghiệm của nhà đầu tư. Trước đây, trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế, Bộ GTVT xây dựng tiêu chí về năng lực tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm, năng lực về kinh nghiệm chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10 điểm. Tuy nhiên, trong tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư phải đã từng làm những công trình tương tự với với dự án đang xét, cái này thực sự khó và là thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư trong nước.

Bởi, nếu chúng ta cứ căng tiêu chí này lên, rõ ràng những doanh nghiệp Việt Nam không thể tự làm được bằng nguồn vốn, trí tuệ của mình những công trình rất nổi tiếng như tòa nhà Landmark 81 tầng, 1 trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới, hay dự án hầm đường bộ Đèo Cả dài 4.200m. Vì vậy, tôi cho rằng, sắp tới khi sơ tuyển nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, Bộ GTVT cần xem xét, điều chỉnh nội dung về tiêu chí kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Cuối cùng, để triển khai thành công 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu sửa đổi thang điểm đối với tiêu chí về năng lực tổ chức của nhà đầu tư.

Thực tiễn thời gian qua, trong nước có nhiều nhà đầu tư hạ tầng giao thông đã rất thành công khi làm được những công trình vượt ra khỏi tầm vóc của mình, điều đó chứng tỏ họ có năng lực tổ chức rất tốt. Họ chọn được những chuyên gia, cố vấn đầu ngành ở cả trong nước và quốc tế, họ lựa chọn được các nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn chất lượng cao, cho nên tiêu chí về năng lực tổ chức đối của nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam cần phải thay đổi. Bộ GTVT cần thiết phải nâng tỷ trọng điểm cho tiêu chí này lên khoảng 20 - 25 điểm trong cơ cấu thang điểm thay vì 10 điểm như trước đây áp dụng với sơ tuyển đối với đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư.

Đình Quang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.