Vận tải

“Cơ hội vàng” của ngành Giao thông từ Cách mạng 4.0

17/02/2018, 07:05

Ô tô, tàu thuyền, máy bay tự vận hành, nhà ga tự động hoàn toàn nhờ hệ thống nhận diện khuôn mặt...

8

Chiếc Boeing 787 Dreamlinermà Vietnam Airlines đang khai thác hiện đại đến mức một cơ trưởng của Hãng hàng không Việt Nam cảm nhận như máy bay đang tự lái hoàn toàn - Ảnh: VNA

Tất cả những điều trên không còn quá xa vời trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành GTVT.

“Máy tính bay” Boeing 787

Khẳng định chiếc máy bay Boeing 787 thực chất là một chiếc “máy tính bay”, người đứng đầu Tập đoàn công nghệ hàng đầu FPT – ông Trương Gia Bình đã nói về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bằng một ví dụ rất cụ thể như thế.

“Khi chiếc Boeing 787 đang bay, tất cả linh kiện trên Boeing đều phản ánh trạng thái của mình xuống mặt đất để xem lúc nào hỏng. Ngay khi máy bay đang bay, ở dưới mặt đất chúng ta có thể in 3D linh kiện thay thế. Điều này cũng có nghĩa các kho linh kiện sẽ dần bị xóa sổ, không còn cảnh chuyển linh kiện từ kho này sang kho khác. Như vậy, thế giới của chúng ta sẽ là một thế giới đồng nhất giữa thực và ảo. Việc số hóa toàn bộ thế giới vật lý chúng ta đang sống sẽ dẫn đến sự siêu kết nối”, ông Bình tiếp lời.

"Cốt lõi của Cách mạng 4.0 là ở sự tiến hóa của máy móc, tức là công nghệ đã cho phép chuyển từ những cỗ máy con người điều khiển sang cỗ máy tự hoạt động bằng trí tuệ nhân tạo. Giờ máy gần như người nhưng khác biệt là khi đủ mức trưởng thành nó vừa có trí tuệ thông minh như con người mà vẫn là một cỗ máy xử lý công việc hầu như không sai sót, năng suất hiệu quả rất cao.Cần xác định đặc trưng Cách mạng 4.0 cho Việt Nam là thông minh. Hãy học cách Uber làm vận tải thông minh bằng cách kết hợp công nghệ và kinh tế. Ví dụ, du lịch phải gắn kết công nghệ số để bán và vận hành các chuỗi dịch vụ để giới thiệu, quảng bá ra thế giới, y tế thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh."

Đại biểu QH Hà Nội
Nguyễn Phi Thường

Cũng theo ông Trương Gia Bình, mỗi người trong chúng ta đều đang bị tác động bởi cuộc cách mạng có yếu tố cốt lõi là “trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn”. “Tương lai không xa, tôi ngồi đây và ngoài kia, một ai đó đang bẻ trộm kính ô tô của tôi. Vì toàn bộ hệ thống trên xe đều được kết nối Internet và tôi có thể biết ngay. Cũng ngay lúc đó, chiếc ô tô của tôi đã được kết nối tự động với bên bảo hiểm, sửa chữa. Các đề xuất được đưa ra, tôi chỉ cần bấm Ok. Khi tôi xong việc, ra đến nơi, chiếc xe đã được sửa xong”, ông Bình nói về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đơn giản như thế.

Cũng theo ông Bình, trước kia, chúng ta là một khách hàng dễ dãi. Muốn đi đâu gọi taxi, 10 phút sau có xe đã thấy mừng. Nhưng bây giờ 3 phút không có là khó chịu. Vài năm tới, công dân thế giới sẽ không ăn cái gì nếu họ không biết nó gieo trồng vào ngày nào, ai chăm sóc, ai nấu nướng. Đến 2025, 10% người ta sẽ mặc những cái áo kết nối Internet biết chăm sóc sức khỏe cho thân chủ.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) chia sẻ, 10 năm trước, ngay cả các hãng viễn thông hàng đầu trên thế giới cũng không thể tin Facebook lại đứng đầu trong lĩnh vực liên lạc di động. Chỉ 3 năm trước đây, người Việt Nam khó ai tin được ngày nay người ta dùng Uber, Grab thay vì gọi taxi truyền thống.

Công nghiệp 4.0 có mặt ở mọi “ngóc ngách”

Ngành GTVT đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Hà cho biết, GTVT hiện nay có đầy đủ các biểu hiện của cả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 2, 3 và 4 như bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng các công nghệ thông tin, kết nối Internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check in tàu, máy bay, thu phí tự động…), xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền Internet như Uber, Grab, cung cấp các dịch vụ công qua Internet (cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới)…

“Nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một tuyến đường, một cây cầu, mọi công trình giao thông đều có thể giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch từ khâu thiết kế, tiến độ thi công cho đến khi vận hành, bảo trì sẽ không còn là một thực tế quá xa vời với ngành GTVT”, ông Hà nói.

Nói thêm về việc ví von chiếc 787 như một chiếc “máy tính bay” của ông Trương Gia Bình, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không đều bày tỏ đồng tình cao. Chia sẻ với Báo Giao thông, một cơ trưởng kỳ cựu của Vietnam Airlines cho biết, chiếc Boeing 787 Dreamliner mà Vietnam Airlines đang khai thác hiện đại đến nỗi “nhiều lúc có cảm giác máy bay đang lái mình chứ không phải là mình đang lái máy bay nữa”.

Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đào Văn Chương thông tin, hiện các tàu bay đều được trang bị chế độ lái tự động cũng như hệ thống cảnh báo va chạm tự động. Các Trung tâm Kiểm soát đường dài, tiếp cận của TCT Quản lý bay VN cũng có hệ thống tự động quản lý không lưu, hệ thống tích hợp xử lý kế hoạch và dữ liệu bay… Với các hãng hàng không, đó là hệ thống đặt vé giữ chỗ toàn cầu, hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống thông tin hành khách…

Hiện tại, những người làm hàng không cũng đang mơ đến một nhà ga hành khách hiện đại như nhà ga T4 của sân bay Changi (Singapore), nơi đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện đại nhất thế giới, nơi hành khách có thể làm thủ tục hàng không tự động, gửi hàng lý và qua cửa an ninh cũng hoàn toàn tự động, không cần đến sự tác động của con người.

Hai ví dụ điển hình về sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực vận tải đường bộ theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ GTVT chính là Uber, Grab và những chiếc xe không người lái.

“Lĩnh vực đường bộ nói riêng, giao thông nói chung đang đứng trước những “cơ hội vàng” để đi tắt đón đầu công nghệ, ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu”, ông Tuấn nói.

Cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển KHCN và chương trình hành động để triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Có thể nhận thấy những tác động đang biến đổi sâu sắc đến nhận thức, cấu trúc, vận hành của ngành. Chúng ta phải phân tích, đánh giá, nhìn nhận để có thể quản lý, phát triển theo kịp với thế giới”, Thứ trưởng nói.

Thời gian tới, Thứ trưởng Đông cho biết, Bộ GTVT sẽ rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng, bổ sung, sửa đổi các phục vụ cho quản lý phù hợp với yêu cầu thực tế. Những tác động của việc số hóa toàn bộ dữ liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn cùng với kết nối vạn vật đòi hỏi ngành GTVT phải rà soát chiến lược, quy hoạch để điều chỉnh kịp thời, tạo cơ hội đi tắt đón đầu trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải, công nghiệp các lĩnh vực.

“Chúng ta cũng cần phải có những nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng kỹ thuật số, kết nối phương tiện/các cơ quan, chia sẻ thông tin, trí tuệ nhân tạo, robot cao cấp … đối với các nơi, các khu vực có thể áp dụng nhằm nâng cao năng lực vận hành khai thác, đồng thời các cơ quan chủ động chia sẻ thông tin liên quan để phục vụ cho việc quản lý, vận hành các lĩnh vực”, Thứ trưởng nói và cho rằng, ngành GTVT cũng sẵn sàng chuẩn bị nguồn nhân lực, định hướng đào tạo các kỹ năng, cập nhật các kiến thức và làm việc theo hệ thống để sẵn sàng cho “cơ hội vàng” đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.