Hạ tầng

Có lo thiếu vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2?

02/12/2022, 06:38

Với cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 18 của CP, công tác khảo sát, lập hồ sơ khảo sát nguồn vật liệu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 cơ bản thuận lợi.

Tín hiệu tích cực

Cuối tháng 11/2022, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đón tin vui mới khi UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định về việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

img

Đến nay, công tác khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được tư vấn cơ bản hoàn thành, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Theo đại diện Ban QLDA 2, số lượng trong phạm vi khoanh vùng là 14 mỏ thuộc 3 loại: Các mỏ khoáng sản đất san lấp nằm trong khu vực đã được quy hoạch thăm dò, khai thác nhưng chưa cấp phép (8 mỏ); các mỏ đã được quy hoạch, thăm dò, khai thác nhưng chưa cấp phép, đề nghị điều chỉnh mở rộng diện tích (2 mỏ) và các mỏ chưa có trong quy hoạch, chưa cấp phép khai thác (4 mỏ). Đây là điều chưa từng có ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến nay, công tác khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được tư vấn cơ bản hoàn thành, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu.
Đối với 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng hơn 187 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng gần 60 triệu m3.
123 mỏ cát cũng đã được xác định với tổng trữ lượng khoảng gần 70 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 11 triệu m3.

Vị này cho hay, sau khi rà soát, điều chỉnh bổ sung các mỏ vật liệu ở bước thiết kế kỹ thuật, tổng trữ lượng đất san lấp được địa phương chấp thuận cho dự án khoảng gần 15 triệu m3, trong khi theo tính toán nhu cầu của dự án chỉ cần hơn 9,6 triệu m3. Nhà thầu có thể yên tâm về nguồn vật liệu ở giai đoạn này.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nguồn vật liệu phục vụ hai dự án thành phần do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư là Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định, Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo khảo sát, tại dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhu cầu trữ lượng đất cần hơn 3,9 triệu m3, công tác khảo sát được 13 vị trí với tổng trữ lượng hơn 15,4 triệu m3; vật liệu cát cần 450 nghìn m3, khảo sát được 5 vị trí với tổng trữ lượng hơn 935 nghìn m3; vật liệu đá cần 692 nghìn m3, khảo sát được 8 vị trí với tổng trữ lượng 11,7 triệu m3.

Đối với dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhu cầu đắt đắp khoảng hơn 7,5 triệu m3, công tác khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến 16,5 triệu m3; Vật liệu cát các loại cần khoảng 456 nghìn m3, thực tế khảo sát được 12 vị trí với trữ lượng dự kiến hơn 1,5 triệu m3; vật liệu đá cần khoảng hơn 1 triệu m3, đã khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến hơn 13,5 triệu m3.

Tại hai dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh, một cán bộ tư vấn thuộc TEDI khẳng định, vật liệu đất ở khu vực thi công dự án cũng dư sức đáp ứng nhu cầu. Sau khi cân đối đào, đắp, đoạn Vũng Áng - Bùng vẫn thừa khoảng 8 triệu m3 đất, đoạn Bùng - Vạn Ninh thừa hơn 2 triệu m3.

Nỗi lo vật liệu hai dự án thành phần cuối

img

Đối với 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng hơn 187 triệu m3 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn QL45 - Nghi Sơn). Ảnh: Tạ Hải

Sốt ruột nhất hiện tại là hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường cần khoảng 18,5 triệu m3. Song, đến nay, mới chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch.

Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, để khơi thông vấn đề vật liệu cho dự án, đơn vị này đã báo cáo Bộ GTVT đề nghị Bộ TN&MT phối hợp làm việc trực tiếp với các địa phương (tỉnh An Giang, Đồng Tháp), xem xét cân đối nguồn cát hiện có để có kế hoạch phân bổ phù hợp cho dự án. Trong đó, mỗi địa phương cần cung cấp cho hai dự án thành phần khoảng 9 triệu m3 trong các năm 2023, 2024.

Đối với các mỏ cát tại tỉnh cuối nguồn sông Tiền và sông Hậu (Sóc Trăng, Vĩnh Long), do hạt mịn, lẫn nhiều bùn sét nền cần phải khảo sát, đánh giá kỹ chất lượng. Trường hợp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp không cân đối đủ nguồn cho dự án, đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng xem xét cấp mỏ mới để hỗ trợ cho dự án.

Với trường hợp này, Ban QLDA đã báo cáo Bộ GTVT đề xuất tỉnh Vĩnh Long cho phép tư vấn thiết kế khảo sát trữ lượng và nghiên cứu nạo vét cồn Đồng Phú (rộng 70ha trên sông Tiền Giang không có dân cư) để tận thu vật liệu đất đắp bao taluy và cát đắp nền.

Trường hợp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp không cung ứng đủ cát, kiến nghị tỉnh Vĩnh Long cam kết cung cấp cho dự án 3 - 5 triệu m3.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, nguồn cát sông của tỉnh tương đối lớn, khoảng 85 triệu m3, Ban QLDA đã báo cáo kiến nghị tỉnh cho phép khai thác các mỏ trong quy hoạch và cam kết cung cấp cho dự án khoảng 5 - 10 triệu m3”, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin.

Vẫn còn “nút thắt”

Theo ông Nguyễn Trung Sơn, vướng mắc duy nhất thời điểm hiện nay là công tác GPMB, đền bù tài sản trên đất của mỏ dự kiến cấp cho nhà thầu.

Theo quy định hiện hành, đó là thỏa thuận của nhà thầu với người dân. Việc thỏa thuận này tiềm ẩn nguy cơ kéo dài thời gian khai thác mỏ vật liệu trong trường hợp hộ dân/tổ chức không đồng ý giá thỏa thuận.

Ban QLDA Thăng Long đã báo cáo Bộ GTVT làm việc với Bộ TN&MT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết đưa phần GPMB này vào tiểu dự án GPMB của địa phương.

“Ngoài việc sử dụng được kinh phí của dự án, trường hợp người dân không đồng thuận có quyền xử lý, cưỡng chế theo luật. Đơn giá đền bù cũng sẽ rõ ràng với từng loại mặt bằng theo quy định”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Đề cập đến khó khăn trong thủ tục mỏ vật liệu, theo đại diện TEDI, đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) nằm trong hồ sơ khảo sát VLXD giao cho nhà thầu thi công khai thác phục vụ dự án, Bộ TN&MT đã có văn bản số 1411 ngày 18/3/2022.

Tuy nhiên, đại diện TEDI cho biết, hướng dẫn chưa rõ thủ tục thu hồi đất hay nhà thầu sử dụng đất tại các mỏ mới thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, dẫn đến hầu hết các địa phương đang lúng túng. Hiện Bộ GTVT và các địa phương đang đề nghị Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Điểm khác biệt so với giai đoạn 1

Đại diện TEDI cho biết, khác với giai đoạn 1, tư vấn phải đi khảo sát theo hướng bị động, không móc nối với địa phương nên không nắm được thông tin cụ thể về hiện trạng quy hoạch. Đến khi triển khai dự án, nhà thầu đi làm thủ tục với cấp có thẩm quyền mới biết được mỏ chưa được quy hoạch.

Ở giai đoạn 2, căn cứ vào nhiệm vụ được phân giao tại Nghị quyết 18 của Chính phủ, trên cơ sở nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng và bãi đổ thải cho từng dự án thành phần, đơn vị tư vấn sẽ chấp bút cho chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở TN&MT cung cấp thông tin về quy hoạch về hiện trạng vật liệu ở địa phương. Sau đó, đơn vị tư vấn sẽ làm việc với Sở TN&MT bắn tim tuyến lên bản đồ hiện trạng quy hoạch mỏ vật liệu, lựa chọn các mỏ và đi khảo sát.

Quá trình khảo sát của tư vấn kết thúc, liên Sở TN&MT, Xây dựng sẽ tổ chức kiểm tra hiện trường và báo cáo UBND tỉnh ra văn bản thống nhất. Nhờ đó, việc khảo sát các mỏ đáp ứng yêu cầu được chuẩn xác hơn, khối lượng khảo sát đảm bảo lớn gấp từ 1,5 - 5,7 lần so với trữ lượng yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.