Đường sắt

Có nên áp điều kiện khách đi tàu hỏa như tàu bay sau nới giãn cách?

11/10/2021, 14:00

Một số địa phương đề nghị áp điều kiện đi tàu hỏa như đi máy bay nhưng có ý kiến cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi còn quá thấp nên khó khả thi.

Đi tàu vừa thuận tiện, vừa dễ kiểm soát dịch bệnh

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dù Cục Đường sắt VN đã xây dựng kế hoạch tạm thời và dự kiến chạy lại tàu khách từ ngày 7/10 xin ý kiến 24 địa phương, tuy nhiên, đến 8/10, chỉ có Đà Nẵng và Quảng Trị phản hồi thống nhất. Còn lại, Hà Nội và nhiều địa phương chưa đồng ý mở lại.

img

Gia đình có con nhỏ về quê bằng tàu sẽ an toàn hơn rất nhiều khi đi bằng xe máy

Trong khi đó, những ngày qua hàng ngàn người dân từ các tỉnh phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương đang tự di chuyển về quê phía Bắc bằng xe máy, thậm chí cả xe đạp và đối mặt với nhiều rủi ro.

Nhiều ý kiến cho rằng, tàu hỏa, xe khách đang nằm một chỗ mà dân phải chạy xe máy, thậm chí đi bộ về là nghịch lý.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cần sớm mở lại vận tải khách bằng đường sắt. “Việc chạy lại tàu khách chính là thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo kiểm soát dịch đi đôi với duy trì sản xuất, phát triển kinh tế và mở cửa có kiểm soát, phục vụ cho người dân với mức độ cao nhất”, Thứ trưởng nói.

Nhiều địa phương như: TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An... cũng bày tỏ thống nhất với chủ trương sớm chạy lại tàu khách.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, trước tình hình người dân từ TP.HCM đi về quê bằng xe máy khổ cực hiện nay, thành phố rất tán thành việc mở lại tàu khách.

Việc cho chạy lại tàu sẽ đáp ứng được nhu cầu đưa người dân về quê và cả nhu cầu đưa công nhân từ các tỉnh quay lại TP.HCM, các tỉnh phía Nam làm việc.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, chạy lại tàu khách là nhu cầu cấp thiết của người dân.

Đi tàu vừa thuận tiện, vừa dễ kiểm soát dịch bệnh. Thời gian tới, nhiều người dân các địa phương từ phía Nam tiếp tục có nhu cầu về quê. Việc tổ chức cho người dân về bằng tàu hỏa sẽ an toàn hơn rất nhiều so với tự phát bằng xe máy.

“Đón dân đi tàu về chắc chắn kiểm soát dịch tốt hơn. Sau khi hành khách đặt vé, mua vé là có danh sách, thông tin đầy đủ để đường sắt gửi cho các địa phương như: Bao nhiêu người, cụ thể từng người từ đâu về, đến đâu, giờ nào tàu sẽ đến nơi để địa phương bố trí lực lượng đón và thực hiện biện pháp phòng dịch.

Như vậy sẽ an toàn hơn nhiều so với lực lượng CSGT phải ngóng tại chốt, chờ xem bao giờ người dân đi xe máy về qua”, ông Hùng nói.

Áp điều kiện như tàu bay sẽ không có khách

img

Tàu chuyên biệt lập riêng đưa người dân Quảng Bình từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực để chạy lại tàu theo hướng dẫn của Bộ GTVT về vận tải khách 5 lĩnh vực. Lái tàu, nhân viên trên tàu đều được tiêm 2 mũi vaccine. Nhân viên dưới ga cũng đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Thực tiễn chạy tàu khách thời gian qua trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa phát hiện trường hợp hành khách, nhân viên bị lây nhiễm chéo trên tàu.

Hơn nữa, đường sắt hiện đã bán vé tàu điện tử, hoàn toàn có thể lưu thông tin hành khách trên hệ thống, qua đó dễ kiểm soát trong công tác phòng dịch.

“Đường sắt rất phù hợp với phân khúc người lao động nghèo, thu nhập thấp, người già, bệnh tật, người có con nhỏ, phụ nữ đang mang thai và nhu cầu cấp thiết về quê nên rất cần sớm mở lại”, ông Mạnh cho biết.

Cũng theo ông Mạnh, hiện nhiều tỉnh vẫn băn khoăn, lo ngại lây lan dịch bệnh nên chưa đồng ý. Một số tỉnh đề nghị nếu chạy lại tàu khách cần có kế hoạch chi tiết hơn, nhất là về các quy định phòng dịch.

Trong đó, nên áp dụng điều kiện hành khách như đối với hàng không theo văn bản của Bộ GTVT ngày 8/10 về mở bay nội địa.

“Việc đưa ra các quy định phải thực hiện được, chứ quá chặt chẽ, khắt khe thì tàu không thể chạy lại được. Ngay cả việc truyền thông, bán vé cũng phải mất khoảng 2 - 3 ngày, nhưng khi đã truyền thông, bán rồi mà khách quá ít, nếu không chạy tàu nữa sẽ rất phản cảm, mà chạy thì lại lỗ”, ông Mạnh nói.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, hành khách chỉ cần tiêm mũi 1 vaccine đủ 14 ngày và test tại chỗ âm tính là có thể lên tàu. Nếu áp dụng điều kiện hành khách đi tàu hỏa như với tàu bay sẽ không có khách.

Thực tế, số lượng người đáp ứng được các quy định này rất ít, cả nước chỉ được hơn 10%. Như TP.HCM cao nhất cũng chỉ 50 - 60%.

Ngay cả người được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở TP.HCM thì tỷ lệ về quê cũng rất thấp vì họ đủ điều kiện đi làm rồi, không có lý do gì phải về.

“Còn trên tàu, để phòng dịch, đề nghị Bộ Y tế cho phép những ai đã tiêm 2 mũi bố trí riêng một toa; Những người đã tiêm 1 mũi và xét nghiệm âm tính cũng bố trí riêng toa.

Những người mà địa phương xác định “giải cứu”, không biết tiêm hay chưa tiêm thì bố trí riêng toa hoặc tổ chức đoàn tàu riêng theo hợp đồng với đường sắt”, ông Hùng nêu quan điểm.

Bà Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn xử trí đối với người về từ vùng dịch.

Trong đó, phân ra 3 nhóm: Nhóm chưa được tiêm đủ liều vaccine, nhóm đã được tiêm đủ liều và đã khỏi bệnh, nhóm chưa tiêm. Với mỗi nhóm đều có hướng dẫn cụ thể. Do đó, vấn đề tiếp nhận người dân về bằng tàu, các tỉnh triển khai thực hiện theo các phương án này.

“Việc xác định tiêu chí cũng cần theo đối tượng hành khách. Có thể với công nhân lao động vào các tỉnh phía Nam làm việc, chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính và tiêm 1 mũi vaccine.

Còn chiều ra có thể chặt chẽ hơn, như đã tiêm 1 mũi vaccine 14 ngày, xét nghiệm âm tính trước khi lên tàu; Trên tàu thì bố trí các toa khác nhau cho 3 nhóm đối tượng mà Bộ Y tế đã hướng dẫn”, bà Mai Anh thông tin.

img

Hoàn thành dự thảo kế hoạch chạy lại tàu khách vào 15/10

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc thống nhất kế hoạch phải thận trọng nhưng cũng phải xem xét các yếu tố phân khúc hành khách, nhu cầu đi lại của người dân để sát với thực tế, nếu không khi thực hiện sẽ không hiệu quả.

Do đó, phải cân đối được giữa kiểm soát dịch và phục vụ nhu cầu của người dân. Đề nghị các địa phương gửi ý kiến chính thức về Cục Đường sắt VN trước ngày 13/10 để tiếp thu, chỉnh sửa và báo cáo Bộ GTVT, trong đó nêu rõ các lộ trình triển khai. Mục tiêu hoàn thành dự thảo kế hoạch khoảng 15/10/2021 để báo cáo Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.