Kinh tế

Có nên áp thuế nhập khẩu đối với cần trục bánh lốp?

25/10/2018, 08:01

Trước mắt sẽ yêu cầu hải quan địa phương dừng ra các quyết định ấn định truy thu thuế đối với mặt hàng này.

15

Cần trục bánh lốp XCMQ QY25E sức nâng 25 tấn do Công ty TNHH Đầu tư QT nhập về

Các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh cần trục bánh lốp Việt Nam chưa thể sản xuất được và tránh tình trạng đội giá công trình giao thông do tăng chi phí thuê máy móc, cơ quan Hải quan nên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Ô tô cần cẩu” là chưa phù hợp

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn 991 cho biết, vấn đề phân loại mã HS đối với mặt hàng “Cần trục bánh lốp” được quy định tại 3 văn bản: Quyết định 19/2006/QĐ-BGTVT về việc công bố danh mục hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ; Mục 3.4.1 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7772:2007 và Phụ lục 1 của Thông tư 13/2015/TT-BGTVT ngày 21/4/2015 công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/11/2013.

Ông Lưu Đình Tuấn cho rằng, theo quy định của các văn bản này, các loại cần trục bánh lốp bao gồm loại có buồng lái và buồng điều khiển riêng biệt và loại có buồng lái và buồng điều khiển chung sẽ có mã HS 8426.41.00. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã kết luận đây là cần trục bánh lốp và có mã HS 8426.41.00 theo quy định của Thông tư 13/2015/TT-BGTVT.

Vậy, theo ông Lưu Đình Tuấn, việc Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố rà soát và thực hiện phân loại các mặt hàng “Cần trục bánh lốp” thành “Ô tô cần cẩu” đối với doanh nghiệp đã nhập khẩu mặt hàng này từ năm 2013 là không phù hợp. “Tổng cục Hải quan nên xem xét lại nội dung của công văn này vì tuy chỉ là một văn bản nội bộ nhưng lại chứa nội dung là các quy phạm pháp luật, ảnh hưởng tới không chỉ một mà nhiều doanh nghiệp”, ông Lưu Đình Tuấn nói.

Tránh xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có buổi làm việc trực tiếp với 10 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng “cần trục bánh lốp” về việc phân loại mã HS và xử lý thuế đối với mặt hàng này. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã kiến nghị Tổng cục Hải quan kiến nghị thống nhất nội dung quy định việc phân loại mã HS của Bộ Tài chính với Thông tư của Bộ GTVT và Bộ Tài chính về phân loại mặt hàng này. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị không thực hiện kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp, không thực hiện truy thu thuế và xử phạt đối với mặt hàng cần trục bánh lốp đã nhập khẩu (đã phân loại vào mã HS 8426.41.00) trước thời điểm ban hành Công văn số 5266/TCHQ-TXNK (quyết định phân loại vào mã 8705.10.00).

Ghi nhận vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu cũng cho biết, trước mắt sẽ yêu cầu hải quan địa phương dừng ra các quyết định ấn định truy thu thuế đối với mặt hàng này. Tiếp đó, sẽ tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trên tinh thần đảm bảo tốt nhất quyền và lợi lích của doanh nghiệp, tránh sự xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Lưu Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lưu Trần cho rằng: Tăng thuế nhập khẩu 3% sẽ kéo giá thành xe tăng từ 3-5%. Các xe này chỉ chuyên phục vụ các ngành xây dựng, lắp máy và là thành phần quan trọng trong giá thành công trình nên việc tăng giá xe sẽ làm tăng giá thành công trình (chi phí thuê máy móc hiện chiếm tới 30% chi phí xây dựng công trình). Việc đánh thuế như vậy sẽ dẫn đến tăng giá thành công trình xây dựng, làm giảm tăng trưởng của ngành này, đồng thời làm tăng CPI và sự phát triển của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Lê Phúc Anh, Giám đốc Công ty CP Máy xây dựng Việt Nhật, một trong những đơn vị nhập khẩu máy móc xây dựng kiến nghị, các Bộ GTVT, Tài chính, các cơ quan Tổng cục Hải quan và Cục Đăng kiểm ban hành quy định nhất quán Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu cụ thể đối với cần trục bánh lốp. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan để đưa ra hướng xử lý phù hợp đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.