Tư vấn mùa dịch

Có nên bỏ việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19?

29/08/2021, 05:45

Nhiều bác sỹ cho rằng việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine là không cần thiết, gây chậm tiến độ tiêm và làm mất cơ hội tiêm của nhiều người..

Chia sẻ về vấn đề này với PV Báo Giao thông, BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM nhận định: “Cần đặt câu hỏi tại sao ở nước ngoài họ không yêu cầu phải đo huyết áp trước tiêm mà chúng ta lại làm điều đó? Thực tế, đó là việc không cần thiết”.

Theo BS. Khanh, việc đo huyết áp trước tiêm phòng vaccine vừa làm chậm tiến độ tiêm vừa làm mất cơ hội của không ít người đặc biệt là người cao tuổi vốn là đối tượng cần khuyến khích và tiêm vaccine Covid-19. Bởi thực tế, nhiều người mất suất tiêm, vì lý do huyết áp tăng vọt khi tới điểm tiêm trong khi trước và sau lại duy trì ổn định.

img

Đo huyết áp trước khi tiêm vaccine được cho rằng không cần thiết (ảnh minh họa)

Lý giải “hiện tượng” những người có huyết áp bình thường, hay huyết áp vẫn bình thường do dùng thuốc đều nhưng khi vào sàng lọc thì huyết áp lại tăng vọt, BS. Khanh cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do những người này đã quá lo lắng, căng thẳng khi được đi tiêm vaccine Covid-19.

Đó như một dạng stress và lúc đó cơ thể tiết ra rất nhiều stress hormon như catecholamin, cortisol,... Các hormon này làm tim đập nhanh, tim co bóp mạnh, làm huyết tăng cao, cả đường máu cũng tăng cao.

Do vậy, theo BS. Khanh, chỉ nên khuyến khích người dân trên 40 tuổi thì đánh giá huyết áp của mình tại nhà trước khi đến tiêm, sẽ cho chỉ số huyết áp thực hơn và người tiêm cần tự chịu trách nhiệm về điều đó.

Còn với những người cao huyết áp đang được điều trị ổn định cần duy trì thuốc uống bình thường kể cả trước, trong và sau khi tiêm vaccine và nên theo dõi 30 phút sau tiêm phòng.

Theo TS. Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng BV Đại học Y Dược TP.HCM, trên thực tế tại điểm tiêm, nhiều người vào tiêm vaccine lại có tâm lý lo lắng, hồi hộp nên đo huyết áp tăng lên rất nhanh dù không có tiền sử tăng huyết áp.

TS. Luân đề xuất nên phân luồng khi tiêm vaccine, có thể xem xét những người có huyết áp bình thường, đã đi khám bệnh theo định kỳ và không có phát hiện bệnh lý khác thì có thể tiêm luôn không cần thiết đo huyết áp. Còn nhóm người cao tuổi, có bệnh nền vẫn cần đo sinh hiệu trước và sau tiêm để dự phòng bất lợi. Dù tỷ lệ sốc phản vệ sau tiêm cực kỳ thấp nhưng cũng không nên bỏ sót các trường hợp có bất lợi.

Còn theo BS. Bùi Văn Thường, Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai, hiện tại không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vaccine Covid-19; không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).

Khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vaccine) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch hoặc đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vaccine.

Với các trường hợp dù đã tối ưu điều trị tăng huyết áp nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.