Chuyện dọc đường

Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

08/06/2020, 06:50

Xét trên góc độ pháp lý, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước có đầy đủ thiết chế giải quyết khi xảy ra tranh chấp.

img
Phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ (Ảnh minh họa)

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo tổng hợp gửi các ĐBQH về kết quả phiếu xin ý kiến ĐBQH về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ.

Kết quả, trong 409 phiếu xin ý kiến ĐBQH, có 317 phiếu (77,51%) ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 91 phiếu (22,25%) tán thành việc không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 1 phiếu không chọn phương án nào.

Trước đó, khi thảo luận trực tuyến về nội dung này, chủ yếu có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng không thể không cấm, bởi “không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ. Công cụ lao động để đạt được mục đích ở đây là dao kiếm và phương thức lao động là dùng vũ lực, đe dọa”; phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ.

Cũng có ý kiến đồng ý phương án cho kinh doanh dịch vụ này nhưng đề nghị đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ”, tuy nhiên cần quy định rõ những biện pháp, hành vi không được làm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy. Trên báo chí hàng ngày, không khó để bắt gặp các thông tin về việc gia đình con nợ bị ném chất bẩn, bị hành hung, đe dọa với đủ các hình thức, thậm chí đã có trường hợp tử vong...

Khảo sát của cơ quan chức năng với 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM cũng cho thấy, đóng góp của ngành nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục và trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm.

Xét trên góc độ pháp lý, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước có đầy đủ thiết chế giải quyết khi xảy ra tranh chấp như: Hòa giải, trọng tài, tòa án... Vậy tại sao hoạt động đòi nợ không qua các tổ chức này mà qua trung gian là đòi nợ thuê? Thực tế đã cho thấy hoạt động này thời gian qua không mang lại hiệu quả tốt mà bị biến tướng, lợi dụng để gây bất ổn về an ninh trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ, nếu quy định nội dung này trong Luật Đầu tư sẽ tạo ra một hành vi “đòi nợ” trái pháp luật.

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi tranh chấp đều nên được giải quyết ở tòa án. Tất nhiên, với việc tồn tại một số bất cập như phải đi lại nhiều lần, trải qua nhiều phiên xét xử tốn thời gian... mới đòi được nợ, thậm chí bên nợ không chịu thi hành phán quyết của tòa... thì nhiều người “ngại” đến tòa và tìm tới dịch vụ đòi nợ là đương nhiên.

Tuy vậy, không phải vì thế mà “đẻ” thêm dịch vụ đòi nợ thuê để làm thay việc của tòa án và cơ quan thi hành án. Việc này chỉ gây thêm những hệ lụy mà chúng ta sẽ phải tốn thêm thời gian và công sức, tiền bạc để đi giải quyết hậu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.