Chất lượng sống

Có nên chi trả BHYT cho người cai nghiện bằng methadone?

22/12/2017, 07:29

Mới đây, TP.HCM đề xuất chi phí điều trị nghiện cần đưa vào gói dịch vụ BHYT vì người nghiện ma túy.

15

TP.HCM đề xuất chi phí điều trị nghiện cần đưa vào gói dịch vụ bảo hiểm y tế

Chi hơn 18 tỷ đồng mua methadone điều trị

Mới đây Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký gửi các cơ quan T.Ư đề xuất chi phí điều trị nghiện cần đưa vào gói dịch vụ BHYT. Cũng trong đề xuất này, UBND TP HCM nêu rõ thành phố phải chi hơn 18 tỷ đồng mua methadone điều trị cho hơn 5.000 người nghiện trong năm nay.

Ngoài ra, từ năm 2013, các tổ chức quốc tế không còn tài trợ cho hoạt động vận hành điều trị methadone, gồm chi phí nhân sự và chi thường xuyên. Do vậy, thành phố phải bổ sung hơn nửa tỷ đồng để trả lương cho nhân sự làm việc ở các cơ sở cai nghiện.

Tính đến năm 2017, cả nước có 280 cơ sở methadone tại 63 tỉnh, thành phố, điều trị cho 51.318 người bệnh, đạt 63.32% so với mục tiêu đề ra. Như vậy, dịch vụ điều trị methadone đã được bao phủ trên khắp cả nước.

Theo UBND TP.HCM, chương trình điều trị methadone trên địa bàn giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, 70% có việc làm, không phát hiện ai nhiễm HIV mới trong quá trình điều trị. Những người nghiện trước điều trị thường cướp giật, bán ma túy, lừa đảo... sau cai nghiện ít phạm pháp hơn.

Đánh giá chương trình cai nghiện bằng methadone có nhiều hiệu quả về mặt y tế, an ninh trật tự và kinh tế cho người bệnh, dự kiến năm 2018, TP HCM tăng từ 21 lên 26 cơ sở cai nghiện, tiếp nhận 7.000 bệnh nhân và phải chi hơn 21 tỷ đồng mua methadone.

“Khi đã xem nghiện là bệnh thì việc điều trị cũng cần đưa vào gói dịch vụ BHYT chi trả. Nếu không thể chi trả cho toàn bộ quá trình điều trị, BHYT có thể chi cho việc xét nghiệm trước và trong quá trình điều trị”, văn bản của UBND TP.HCM nêu.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho rằng: “Hiện, khái niệm nhìn nhận về nghiện ma túy cũng khác trước. Theo đó, nghiện là một bệnh não mạn tính phải được điều trị lâu dài và phối hợp các biện pháp về y tế, xã hội trong điều trị. Do vậy, quan điểm của chúng tôi, nên thanh toán BHYT cho người điều trị cai nghiện bằng methadone bởi đây là những người nghèo, khó khăn, nên không có tiền chi trả. Cần tạo điều kiện hỗ trợ để họ tham gia suốt quá trình điều trị methadone”.

Không chi trả BHYT cho điều trị methadone

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban phụ trưách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết: “Hiện, BHXH chưa nhận được thông tin về việc UBND TP.HCM có đề xuất về việc thanh toán BHYT đối với điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone. Tuy nhiên, trong các quy định của Luật BHYT, điều trị ma túy không có trong danh sách được thanh toán BHYT. Do vậy, không thể triển khai việc thanh toán BHYT với đối tượng này”.

Ông Phúc cũng cho biết thêm, người nghiện rượu cũng không được thanh toán BHYT cho quá trình điều trị nghiện rượu. Tuy nhiên, nghiện rượu phát sinh bệnh liên quan đến gan, tâm thần thì việc điều trị bệnh gan, bệnh tâm thần đó hoàn toàn được chi trả từ quỹ BHYT. Như vậy, việc sử dụng thuốc để cai nghiện rượu, nghiện ma túy đều chưa được quy định chi trả theo Luật BHYT. Do vậy, với đề xuất của TP.HCM về BHYT chi trả cho chi phí xét nghiệm trước, trong quá trình điều trị cai nghiện cũng sẽ không được chi trả từ quỹ BHYT vì đây cũng là một trong những hoạt động khám, chữa bệnh liên quan đến cai nghiện ma túy. “Với nhóm điều trị methadone, đây là nhóm đối tượng đặc biệt, do vậy, nếu có tính đến việc triển khai thanh toán BHYT, BHXH cũng cần hợp phối với Bộ Y tế trước khi có hướng dẫn cụ thể”, ông Phúc cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Cảnh cũng chia sẻ thêm, hiện nay, T.Ư hỗ trợ cơ bản tất cả các địa phương qua việc cấp nguồn methadone. Chỉ có một số tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế như Hà Nội, TP HCM thì trích từ nguồn của địa phương để mua thuốc methadone. Và bệnh nhân được cấp miễn phí methadone trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân điều trị methadone phải chi trả các khoản khác trong quá trình điều trị như xét nghiệm, hay chi phí vận hành cơ sở như tiền cốc, nước uống thuốc, điện nước…; riêng khoản này có thể được một số tỉnh, thành phố chi trả nhưng một số nơi được phép thu dịch vụ của người bệnh tối đa 10 nghìn đồng/lần.

“Để thực hiện việc chi trả BHYT cho bệnh nhân này, chúng ta phải sửa Luật BHYT. Chúng tôi cho rằng, cũng như với điều trị HIV, thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân HIV trước đây cũng không có trong Luật BHYT, nhưng lại có trong Luật Phòng, chống HIV/AID. Sau đó, BHXH cũng chấp nhận và hiện đã đưa loại thuốc điều trị ARV vào thanh toán BHYT. Và hi vọng cần có sự đồng thuận từ xã hội, để những người nghiện ma túy có cơ hội được điều trị và được thanh toán từ BHYT”, ông Cảnh cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.