Xã hội

Có nên đánh đổi rừng trong khu bảo tồn để làm thuỷ điện?

17/04/2016, 20:08

Tỉnh đồng ý cho khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên để làm thuỷ điện, trong khi hạn hán đang hoành hành.

DSC_0087
Lực lượng kiểm lâm tuần tra kiểm soát tại khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: KBT

Mới đây, công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai  (Cty 30/4) vừa tiến hành khảo sát và xin chủ trương đưa vào quy hoạch xây dựng hai thuỷ điện Suối Say 1,2 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tại huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai. Hai dự án thuỷ điện đang được manh nha tạo lập này khiến dư luận rất quan tâm. 

Bài học từ thuỷ điện An Khê - Kanak

Vừa qua, diễn đàn Quốc hội đã nóng lên khi một đại biểu tại Gia Lai đứng lên phát biểu về công trình thuỷ điện An Khê - Kanak (TX. An Khê, Gia Lai) là "công trình sai lầm thế kỷ". Những gì đại biểu Huỳnh Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai chỉ ra rằng sở dĩ gọi như thế là vì kể từ khi thuỷ điện tích nước phát điện thì nguồn nước được chuyển dòng trực tiếp xuống tỉnh Bình Định. Còn ở khu vực hạ du sông Ba đoạn qua TX. An Khê đến Phú Yên nguồn nước của dòng sông ngày càng cạn kiệt. 

Và hệ quả của việc chuyển dòng nước này đã khiến cuộc sống của hàng vạn người dân ở lưu vực dòng sông này hoàn toàn đảo lộn. Chỉ riêng tháng 11/2015, nguồn nước tại sông Ba quan TX. An Khê hầu như  áp lực của dòng chảy rất nhỏ, nước trở nên tù đọng. Bên cạnh nguồn nước tù đọng là việc xả thải của một số doanh nghiệp tại thị xã này đã khiến dòng sông ô nhiễm. Hàng ngàn người dân buộc phải sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn ở mức cao, mặc dù nguồn nước đã qua xử lý từ nhà máy nước An Khê. Vào thời điểm này, chính quyền địa phương đã phát đi thông điệp khuyến cáo người dân không được sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước để ăn uống... Đó là chưa kể nông dân lưu vực quắt queo chống chọi với cơn khát trong đợt hạn hán kỷ lục đang diễn ra khốc liệt tại Tây Nguyên. 

Chủ rừng nói "được nhiều hơn mất"?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Viết Ty, giám đốc Khu bảo tồn Kon Chư Răng - chủ rừng cho rằng: Việc doanh nghiệp muốn xây dựng thuỷ điện khiến ông rất băn khoăn. "Được nhiều hơn mất"?! Ông Ty cho rằng: Nếu làm thuỷ điện trong khu bảo tồn này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ít nhiều cũng tác động đến môi trường tự nhiên.

Về những khó khăn ông Ty cho rằng, kiểm lâm không có đường tuần tra, mọi công việc bảo vệ rừng cứ len lỏi dưới tán rừng, ăn rừng, ở rừng... Có điểm phải đi bộ mất 2 ngày mới tới nơi. Khi nhận tin phá rừng và để đến được nơi thì lâm tặc đã tẩu tán mất rồi. Vất vả là thế, song tiền lương vẫn chưa tương xứng..."Trước đây Khu bảo tồn đã có quy hoạch làm đường, trạm chốt kiểm tra... nhưng hiện tại vẫn ở dự án "treo".

Trong khi dự án làm đường tuần tra chưa triển khai thì doanh nghiệp xây thuỷ điện sẽ làm một con đường ít nhất là rộng hơn 2m để ô tô chở vật liệu vào tận nơi xây dựng. Con đường này trùng với đường quy hoạch tuần tra bảo vệ, sẽ rất thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng. Sau này cũng thuận lợi cho làm du lịch. Đó là chưa kể mỗi năm đóng ngân sách cho Nhà nước và địa phương hàng chục tỉ đồng từ bán điện năng...

Đừng để mất mới hối tiếc! 

Báo Giao thông vừa qua đã đăng tải bài viết “Cẩn trọng trong xây dựng thuỷ điện trong khu bảo tồn” (số 58, ngày 12/4). Sau khi bài báo phát hành, nhiều ý kiến phản hồi của độc giả cho rằng: “Tôi phản đối việc xây dựng công trình thuỷ điện trong Khu bảo tồn. Bởi vì Nhà nước và nhân dân đã dành rất nhiều công sức và tiền bạc để giữ gìn khu rừng này rồi. Phải mất hàng nghìn năm mới có một thảm thực vật như thế. Và hiện nay đã có quá nhiều áp lực từ bên ngoài vào phá rừng, giờ thêm áp lực từ thuỷ điện phá rừng bên trong ra, thì tôi nghĩ không khéo chẳng bao lâu nữa sinh cảnh của Khu bảo tồn rồi cũng "đội nón" mà đi"...".

Nhiều đọc giả cũng đặt vấn đề: “Nếu mà xây dựng hai công trình thuỷ điện Suối Say thì quá trình xây dựng kéo dài 2 đến 3 năm. Trong quá trình thi công như đào kênh-mương đắp đập, người ta sẽ sử dụng một khối lượng thuốc nổ đánh mìn, xe chở vật liệu xây dựng ầm ầm đi ngang qua khu rừng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến động vật hoang dã, ở đây có những quần thể sinh vật rất nhạy cảm với sự can thiệp của bàn tay con người”; "mở đường vào khu rừng để rồi để xảy ra mất rừng dần dần, lúc ấy phải biết làm sao?"... 

Năm 1987, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập.  Đây là khu rừng có tỉ lệ độ che phủ cao nhất nước ta hiện nay, chiếm tới gần 98,5%. Nếu dự án thuỷ điện Suối Say 1,2 được xây dựng thì mất đi 25,8 ha rừng đặc dụng.

"Đồng ý, nếu có thêm công trình thủy điện để có thêm lượng điện hòa vào lưới điện quốc gia là điều tốt, nhưng không phải cần thiết đến mức bất chấp tất cả. Rõ ràng, khi nói đến việc cân nhắc giữa các lợi ích: Hiệu quả kinh tế của công trình thủy điện có thể tính được dễ dàng, nhưng về thiệt hại đến xã hội, về môi trường,… là vấn đề khó. Đặc biệt, liên quan đến một hệ sinh thái tự nhiên với đặc thù về khí hậu, tài nguyên tự nhiên,... một khi mất đi thì sẽ kéo theo nhiều sự mất mát khác về tài nguyên, đa dạng sinh học,… và hệ lụy của sự mất mát đối với môi trường, hệ xã hội là không thể tính được và không thể lường hết được. Nếu chúng ta không xem xét cẩn thận, vì nếu cứ làm đến khi xảy ra hậu quả sẽ rất khó hoặc thậm chí không thể khắc phục được".

Phải nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên nói lên câu chuyện dự án phá rừng làm thủy điện, thực tế cho thấy câu chuyện này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Hàng trăm công trình thủy điện lớn, nhỏ ở khắp Tây Nguyên đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Nhất là các sự cố vỡ đập thủy điện gần đây càng làm cho người dân Tây Nguyên thêm lo lắng, bất an với hệ thống thủy điện dày đặc ở khu vực này. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.