Hạ tầng

Có nên dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ?

09/03/2023, 13:44

Nhiều ý kiến cho rằng nên để vòng xoay sẽ giảm ùn tắc giao thông, bớt kẹt xe hơn khi dỡ vòng xoay, tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu.

Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TP.HCM vừa có đề xuất nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ, quận 1, để tổ chức giao thông cho xe chạy theo đèn tín hiệu.

img

Vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ khá lớn

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TP.HCM lượng xe qua khu vực trên tập trung đông nên vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm thường xuyên ùn ứ, đặc biệt là giờ cao điểm sáng và chiều. Do vậy, đơn vị đề xuất tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu, đồng thời kéo dài dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ về nút giao để hạn chế xe máy chạy ngược chiều và quay đầu.

Ghi nhận của PV vào sáng 9/3, vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ rất đông xe cộ đi lại. Hướng xe đi nhiều từ đường Điện Biên Phủ tới đường Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mai Thị Lựu phải đi qua vòng xoay này.

Vòng xoay khá lớn với đường kính khoảng 60m, trồng nhiều hoa, cây xanh. Giữa vòng xoay có tháp đồng hồ 4 mặt, cao khoảng 16m, được xem là biểu tượng ở nút giao. Hiện, khu vực không có đèn tín hiệu giao thông mà cho xe chạy theo vòng xoay để quay đầu, vào các tuyến đường xung quanh.

Hàng ngày đi làm qua khu vực vòng xoay trên và không đồng tình việc xóa bỏ vòng xoay, chị Nguyễn Thị Linh chia sẻ: Qua vòng xoay vào những giờ cao điểm, tuy làn xe đông nhưng các xe vẫn cứ từ từ di chuyển, hiếm khi nào nơi này bị kẹt xe. Còn nếu như nơi đây được lắp đèn tín hiệu, các ngả đường vào vòng xoay đều phải có đèn tín hiệu, khi đó chắc chắn thời gian chờ đèn sẽ lâu. Cứ mỗi vài giây lượng xe không di chuyển là có thêm một lượng lớn xe khác nối tiếp, cứ thế sẽ làm tăng khả năng ùn tắc tại khu vực giao lộ.

Trước đề xuất trên, một cán bộ của Sở GTVT TP.HCM cho biết, các đơn vị đang nghiên cứu, trong đó sẽ dựa theo mô hình mô phỏng lưu lượng xe chạy qua để lựa chọn phương án phù hợp.

Trước đây vòng xoay được xây dựng nhằm tổ chức giao thông theo dạng ngã 5, vì ngoài đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, nút giao còn có nhánh rẽ qua tuyến đường Hoàng Sa.

Hiện, vòng xoay Điện Biên Phủ có lưu lượng xe lớn, nên việc tổ chức giao thông cần được tính toán kỹ lưỡng, so sánh giữa các phương án trước khi triển khai.

Nhiều chuyên gia giao thông đô thị cũng cho rằng, vòng xoay tại khu vực Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm mới là giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Tại đây, với giao lộ rộng và có nhiều ngả đường, việc tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu rất khó giảm giao cắt giữa các hướng đi. Bởi theo chu kỳ đèn, xe ở hướng này có thể chưa thoát khỏi nút giao, hướng khác đã dồn đến dễ gây ùn tắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.