360 độ thể thao

Có nên hoãn SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam?

10/06/2021, 06:30

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm nay đang gặp thách thức lớn do tác động của dịch bệnh...

img

Linh vật SEA Games 31 tại Việt Nam trong lễ khởi động sự kiện

Số phận kỳ Đại hội lần này vẫn chưa được quyết định trong khi câu hỏi đặt ra là có nên tiến hành trong điều kiện hiện tại?

Nhiều địa phương tổ chức các môn thi đấu đang có dịch

Theo kế hoạch, SEA Games 31 dự kiến tổ chức tại Việt Nam từ 21/11 tới 2/12/2021. Tính tới thời điểm này, nước chủ nhà chỉ còn khoảng 5 tháng để hoàn tất mọi khâu chuẩn bị.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều khâu, đầu việc đã và đang bị đình trệ do chưa được giải ngân kinh phí. Trong đó, đáng kể nhất là cải tạo một số hạng mục tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Nhổn và Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Thời gian qua, ngành Thể thao vẫn chủ động tiến hành các bước chuẩn bị nhưng phần thiếu kinh phí, phần vì dịch bệnh nên đến nay mọi thứ vẫn chưa được định khuôn một cách rõ ràng.

Đáng nói hơn, Hà Nội và một số địa phương đăng cai các môn thi đấu như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… hiện phải đối phó với tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp. Trong điều kiện như vậy, các địa phương khó phân bổ nguồn lực cho sự kiện thể thao.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, nếu tổ chức SEA Games, Việt Nam sẽ đón hàng chục nghìn vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, trọng tài… từ các quốc gia trong khu vực.

Việc sắp xếp địa điểm lưu trú, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm bố trí nhân viên y tế là thách thức không nhỏ với nước chủ nhà. Đáng nói, phương án cụ thể ngành thể thao cũng chưa thể đưa ra bởi còn phải chờ ý kiến từ Bộ Y tế.

Xét về mặt chuyên môn, do hầu hết các quốc gia vận động viên phải tập luyện trong hoàn cảnh giãn cách, thiếu cọ xát thực tế chắc chắn ảnh hưởng lớn tới chất lượng thi đấu. Hay việc tổ chức SEA Games mà không được đón khán giả cũng làm giảm ý nghĩa, sự lan tỏa của sự kiện.

Theo ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT, ngành Thể thao hiện một mặt vẫn chủ động chuẩn bị các công việc trong điều kiện cho phép. Mặt khác, trao đổi thông tin, nắm tình hình từ các địa phương đăng cai thi đấu để từ đó dự báo, đưa ra các phương án cụ thể.

“Nhiều địa phương tổ chức thi đấu đang phải chống dịch quyết liệt nên kế hoạch triển khai phục vụ SEA Games phải dừng lại. Ngay cả Hà Nội, nơi tổ chức nhiều môn thi đấu nhất diễn biến dịch cũng rất khó lường. Nhìn chung hiện tất cả phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Cái khó nữa là quỹ thời gian không còn nhiều”, ông Phấn chia sẻ.

Núi thách thức trước mắt, nên tính toán hoãn sang năm 2022?

Hiện nay, dư luận đã xuất hiện những ý kiến về việc Việt Nam nên lùi lịch tổ chức SEA Games 31 sang năm 2022. Tuy nhiên, trong cuộc họp giữa Việt Nam và đại diện các quốc gia hôm 9/6, khi Việt Nam nêu ý tưởng hoãn SEA Games 31, có tới 8 quốc gia phản đối. Chỉ duy nhất Myanmar ủng hộ còn Lào bỏ phiếu trắng. Cuộc họp không đem lại kết quả và quyền quyết định thuộc về Chính phủ Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban TDTT (tiền thân của Tổng cục TDTT), ngành Thể thao cần xem xét thấu đáo dựa trên tình hình thực tế, từ đó tham mưu cho Chính phủ có nên tổ chức hay không, tổ chức thì làm như thế nào.

Lùi SEA Games 31 cũng khó bởi chu kỳ Đại hội này là hai năm một lần. Trong khi SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia đã ấn định vào tháng 6 năm 2023, nếu Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2022, các quốc gia sẽ không đồng ý bởi họ sẽ gặp khó khăn trong chuẩn bị lực lượng, tập huấn thi đấu trong thời gian khoảng 6 tháng.
Chuyên gia Đặng Việt Cường


“SEA Games là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, về mặt chủ quan đương nhiên ngành Thể thao muốn tiến hành, vận động viên, huấn luyện viên lại càng mong được thi đấu. Nhưng ở đây không thể quyết định trên yếu tố chủ quan mà phải xem xét yếu tố khách quan, đó là dịch bệnh. Lúc này cả nước đang lo chống dịch, tổ chức một sự kiện thể thao liệu có ý nghĩa gì không?”, ông Minh nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, có nhiều thách thức buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc có nên tổ chức SEA Games hay không.

“Về kinh phí, dù Chính phủ đã duyệt đề án 1.700 tỷ nhưng đến nay chưa giải ngân được. Không có tiền, cơ sở vật chất cần nâng cấp đều phải dừng lại. Sân Mỹ Đình đang đào xới lên rồi phải để đó. Ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, có kinh phí thì việc cải tạo hạ tầng thi đấu cũng cần thời gian nhất định. Khía cạnh thông tin tuyên truyền hiện tại cũng tê liệt phần vì chống dịch, phần vì thiếu kinh phí”, ông Minh nói.

“Quan trọng nhất là mình đón các đoàn nước ngoài sang thì chống dịch như thế nào, ăn ở ra sao, ai phục vụ, tất cả phải có kế hoạch. Theo tôi được biết các nước chưa đăng ký số lượng VĐV sang Việt Nam bởi họ còn chờ kế hoạch của chủ nhà nhưng chúng ta chưa lên được cái này”, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cho biết thêm.

Chuyên gia Đặng Việt Cường lại có cái nhìn tích cực hơn về viễn cảnh tổ chức SEA Games. Ông Cường nhấn mạnh, ngành Thể thao hiện vẫn đang làm tốt các khâu chuẩn bị và không có vấn đề gì về năng lực tổ chức, điều hành.

“Nếu dịch bệnh trong 1-2 tháng tới được khống chế, tôi tin Việt Nam vẫn tổ chức được SEA Games”, ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, việc đón tiếp các đoàn quốc tế sẽ không đơn giản. “Nếu xét năng lực của chúng ta không đảm bảo được về mặt y tế thì không nên tổ chức bởi như vậy sẽ mất an toàn”, ông Cường nói.

Về phần mình, ông Trần Đức Phấn cho hay, đây cũng là điều ngành Thể thao đang đau đầu.

“Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều đang hứng chịu dịch bệnh. Việc nhập cảnh cho cả chục ngàn người vào Việt Nam sẽ rất phức tạp. Vào rồi thì ăn ở, cách ly ra sao cũng là điều chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng. Sau khi xem xét tổng thể các yếu tố, chúng tôi sẽ trình cấp trên xem xét, phương án hoãn tổ chức cũng sẽ được đưa ra”, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.