Xã hội

Có nên "khai tử" đề án phát triển nhân lực chất lượng cao?

14/08/2018, 11:13

Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của TP Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều hạn chế.

18

Người dân tới làm thủ tục tại bộ phận một cửa ở Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Nhiều học viên rút khỏi đề án do không được bố trí công việc phù hợp, lương thấp. Không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc "khai tử" đề án này.

Lương không đủ sống

Chị D. tham gia Đề án 922 từ năm 2009 và được đưa đi đào tạo tại Úc. Sau khi tốt nghiệp với thành tích cao, chị D. được nhiều công ty nước ngoài mời chào làm việc với mức lương khá cao. Tuy nhiên, xác định là học viên của đề án và muốn cống hiến cho quê hương nên chị chọn trở về Đà Nẵng làm việc. Được bố trí vào một cơ quan ở Đà Nẵng với vai trò chuyên viên, chị D. cho biết, mức lương đáp ứng nhu cầu của bản thân chứ không lo được cho gia đình. Thực hiện xong cam kết làm việc cho thành phố, chị D. xin rút khỏi đề án và làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương khá hơn.

Theo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, tính đến tháng 6/2018, thành phố đã cử 616 người đi học theo Đề án 922. Trong đó có 235 lượt học viên bậc đại học và 121 lượt học viên bậc sau đại học được cử đi đào tạo tại nước ngoài, gồm các quốc gia: Anh, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan. Có 93 học viên xin rút khỏi đề án, bao gồm 40 người xin rút khi đã nhận công tác; 47 học viên vi phạm hợp đồng (các lý do vi phạm chủ yếu do không đạt kết quả theo yêu cầu đề án; tốt nghiệp nhưng không về nhận công tác; nhận công tác nhưng không thực hiện đủ thời gian làm việc...). 

Tương tự, chị T. sau khi tốt nghiệp cũng trở về Đà Nẵng công tác tại một sở. Gần 5 năm làm việc, mức thu nhập trung bình quá thấp để chị T. có thể chăm lo cho gia đình nên chị cũng rút khỏi đề án.

Tuy nhiên, cũng có nhiều học viên Đề án 922 sau khi hoàn thành việc học trở về cống hiến cho thành phố và giữ những vai trò, vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền của Đà Nẵng. Đơn cử, anh Lê Hoàng Phúc (SN 1987), là học viên Đề án 922 theo diện đào tạo bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP HCM năm 2009, anh Phúc được bố trí công tác tại Phòng Quản lý văn thư, lưu trữ thuộc Sở Nội vụ Đà Nẵng với vai trò chuyên viên. Với những nỗ lực không ngừng, tháng 5/2018, anh Phúc được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, ngoài mức lương theo quy định của Nhà nước, kể từ ngày 1/1/2010 đến 30/6/2015, các đối tượng thu hút và học viên Đề án 922 đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhiều học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và nhận công tác tại thành phố được bố trí cho thuê nhà chung cư nếu chưa có chỗ ở.

Có nên "khai tử"?

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, qua 14 năm thực hiện, đề án đã đóng góp vào việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung kịp thời nhân lực cho khu vực công của thành phố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đáp ứng một phần nhu cầu nhân lực chất lượng cao để phát triển một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn. Chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia cho thành phố. Trong quá trình công tác nhiều người đã trưởng thành, bố trí các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đã có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức, 88 học viên được kết nạp Đảng, 60 học viên được bổ nhiệm cán bộ quản lý (44 quản lý cấp phòng hoặc tương đương, 16 người giữ chức vụ Phó giám đốc cấp Sở hoặc tương đương trở lên). "Các đơn vị sử dụng lao động đánh giá rất cao triển vọng phát triển thành cán bộ quản lý của các học viên”, ông Chiến cho biết.

Phải đánh giá lại hiệu quả đề án

Theo thống kê, đến nay tổng kinh phí Đà Nẵng bỏ ra thực hiện đề án là hơn 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, Sở Nội vụ phải đánh giá lại hiệu quả của đề án, bởi 680 tỷ đồng đó mới là chi cho học tập. Sau khi học viên về làm việc tại TP còn có rất nhiều thứ phải chi. “Nếu sòng phẳng thì kinh phí phải tới 1.000 tỷ đồng”, ông Nghĩa nói và gợi ý, việc thu hút nhân tài về làm việc cũng phải rất kỹ càng. Đặc biệt, phải mạnh dạn thu hút những "đầu tàu" các sở, ngành chứ không chỉ là những người mới tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng, số tiền thành phố phải bỏ ra cho Đề án 922 quá lớn khi chỉ tuyển vào công chức, viên chức được 207 người. Ông Hùng cũng nêu ý kiến thành phố nên suy nghĩ và kết thúc vai trò của đề án và chuyển sang triển khai thu hút nhân tài.

Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nội vụ Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, học viên học giỏi nhưng thi công chức không đậu là có sự chưa phù hợp giữa đào tạo của môi trường các nước tiên tiến với hệ thống công của thành phố. Theo ông Nghĩa, thay vì đưa vào khu vực công, khi học viên về Đà Nẵng thích làm đâu thì về đó. Khi thi công chức ưu tiên cho thi vì có sự tích lũy và làm việc tích cực hơn. "Có nên cho học viên làm bất cứ đâu ở Đà Nẵng hay không?", ông Nghĩa đặt vấn đề.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, mấy năm nay Đà Nẵng không đưa học viên đi đào tạo ở nước ngoài. Hiện nay, nhiều học viên đang trong đào tạo do trước đây đã đưa đi nhưng học chưa xong. “Trên cơ sở những bất cập thời gian qua, trong năm 2018, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng có văn bản điều chỉnh. Nếu cần thành phố thu hút nhân lực, tuy nhiên thu hút không được thành phố vẫn phải đào tạo”, ông Đồng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.