Vận tải

Có nên miễn xét nghiệm tài xế đã tiêm 2 mũi?

15/09/2021, 06:40

Phải xét nghiệm Covid-19 nhiều lần /tháng, nhiều tài xế xe tải đã nghỉ việc vì áp lực, doanh nghiệp cũng gặp khó khi "cõng" thêm chi phí.

Trước áp lực công việc khi phải di chuyển trong điều kiện dịch bệnh, sự kiểm soát chặt chẽ của các địa phương, đặc biệt là việc phải xét nghiệm Covid-19 tới 10 lần/tháng, nhiều tài xế vận tải hàng hóa đã phải xin nghỉ việc.

Các doanh nghiệp vận tải cũng phải gánh thêm khoản chi phí lớn hàng tháng cho việc này.

Vậy, có nên miễn xét nghiệm với những tài xế đã được tiêm 2 mũi vaccine, giúp giảm bớt khó khăn cho cả tài xế lẫn doanh nghiệp?

img

Theo quy định hiện nay, các lái xe vận tải hàng hóa phải có xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ (Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của tài xế khi qua chốt kiểm soát trên tuyến QL32 đoạn cầu Trung Hà giáp ranh TP Hà Nội - Phú Thọ). Ảnh: Tạ Hải

Tài xế nghỉ việc, doanh nghiệp tăng chi phí

Anh N.V.T (trú quận 8, TP.HCM), một tài xế lái xe container cho biết, tuần vừa qua anh đã phải xin nghỉ ở nhà vì không chịu được áp lực công việc sau một thời gian dài, dù đã rất cố gắng.

“Tất cả anh em tài xế đều phải tập trung làm việc tại công ty mà không được về nhà. Dù vận tải hàng hoá may mắn hơn so với vận tải khách thời điểm này, nhưng công việc rất vất vả. Anh em lái xe trên đường gần như phải tự túc tại chỗ, muốn mua cơm ăn ở đâu cũng không có, phần lớn phải ăn mì tôm trừ bữa. Thu nhập thì có nhưng lỡ mắc bệnh thì không gì đánh đổi được’, anh T. chia sẻ.

Tuy nhiên, tất cả những chuyện đó vẫn không làm anh e ngại bằng câu chuyện cứ 3 ngày phải xét nghiệm Covid-19 một lần. “Trước tôi, nhiều tài xế đã phải bỏ việc vì không thể chịu được nữa”, anh Trường nói.

Cùng chung tâm trạng, anh T.V.Q, một tài xế lái xe container khác cũng cho biết, do các địa phương áp dụng các chính sách kiểm soát dịch bệnh khác nhau nên giới tài xế phải chịu rất nhiều áp lực.

Dù đã phải xét nghiệm 3 ngày một lần, nhưng có khi đến một địa bàn nào đó lại không được chấp nhận.

“Hôm rồi tôi chở hàng đi Tiền Giang, tới một nhà máy ở khu công nghiệp Long Giang, mặc dù đã trình giấy xét nghiệm ở TP.HCM còn hiệu lực nhưng nhà máy vẫn yêu cầu xét nghiệm nhanh thêm lần nữa. Nói thật cứ xét nghiệm liên tục như vậy, tôi chắc sẽ không trụ được lâu”, anh Q. chia sẻ.

Do tài xế liên tục xin nghỉ việc với số lượng quá lớn, mấy ngày nay, ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Công ty vận tải Minh Thành (TP.HCM) đang như ngồi trên lửa.

Ông Thành cho biết, công ty có hơn 20 đầu xe container, bình thường có hơn 20 tài xế xoay vòng nhau chạy, nhưng hai tuần nay tài xế xin nghỉ hơn nửa.

“Hàng tồn đọng trong cảng mà không có người đi chở, chúng tôi đau đầu nhưng không biết làm sao. Mời tài xế lên làm việc thì họ nói là đi nhiều quá trong giai đoạn dịch này cũng nguy hiểm, vả lại họ nói phải xét nghiệm nhiều quá khiến họ không chịu được”, ông Thành nói.

Tương tự, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh cũng cho biết, với quy định 3 ngày xét nghiệm một lần khiến doanh nghiệp lao đao.

Công ty có 15 tài xế, mỗi lần xét nghiệm hết 350.000 đồng, tính ra mỗi tháng chi tiền xét nghiệm cho một tài xế khoảng 3,5 triệu đồng. Tính ra, hàng tháng công ty phải chi riêng cho tiền xét nghiệm hàng chục triệu đồng.

“Tất cả những chi phí này doanh nghiệp vận tải đang phải chịu chứ không đưa vào hợp đồng vận chuyển được, vì hợp đồng thường ký dài hạn”, ông Vinh nói.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty TNHH Trung Hiếu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, công ty có hơn 50 xe container, hàng tháng phải tự bỏ ra hàng chục triệu đồng để xét nghiệm cho tài xế.

Tuy nhiên, lượng xe cũng chỉ hoạt động một nửa, còn một nửa nằm bãi vì hàng vận chuyển giảm.

“Giờ hoạt động không lời lãi gì nhưng cũng phải cố chạy để bù lại chi phí xét nghiệm, duy trì cuộc sống cho tài xế, hoạt động của công ty, chứ không chạy là vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng uy tín lâu dài”, ông Hiếu nói.

Kiến nghị miễn hoặc tăng thời gian xét nghiệm

img

Theo quy định hiện nay, các lái xe vận tải hàng hóa phải có xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ (Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho lái xe "luồng xanh" tại Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải

Mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng xem xét quy định xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Bởi theo quy định hiện nay, các lái xe phải có xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ, như vậy để đảm bảo hoạt động liên tục, tài xế phải xét 10 lần/tháng.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM cho biết, nếu quy định này kéo dài sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người lái xe, vì tốn kém chi phí, mất thời gian đi xét nghiệm liên tục.

Ngoài ra, việc đi lại xét nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn do phải có giấy đi đường.

“Hoạt động vận tải gặp khó khăn thì mạch máu giao thương kinh tế cũng sẽ đình trệ”, ông Quân nói.

Theo ông Quản, hiện đã có gần 5.000 lái xe và nhân viên trực thuộc hiệp hội đã được tiêm vaccine, phần lớn đều đã được tiêm đủ 2 mũi.

Nhằm giảm các chi phí và khó khăn cho doanh nghiệp vận tải mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch, hiệp hội kiến nghị miễn xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc tăng thời gian xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm 2 mũi lên 1 lần/tháng.

“Và tất nhiên, các tài xế vẫn phải thực hiện triệt để 5K trong quá trình hoạt động”, ông Quản kiến nghị.

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế xem xét, có hướng dẫn cụ thể.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã giao Cục Môi trường Y tế và Cục Y tế dự phòng nghiên cứu, đề xuất cụ thể.

Tiêm 2 mũi vẫn chưa đảm bảo an toàn?

img

Cùng với áp lực công việc, việc phải xét nghiệm 10 lần/tháng khiến nhiều tài xế xin nghỉ việc

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Trên quan điểm cá nhân, trong giai đoạn này thì chưa nên miễn xét nghiệm với tài xế tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Vì chúng ta cần hiểu, hiện tỷ lệ người tiêm vaccine chưa đủ nhiều để tạo miễn dịch cộng đồng, nên dù tiêm hai mũi thì vẫn có thể bị lây Covid-19 và từ đó trở thành nguồn lây cho người khác. Việc tiêm vaccine chủ yếu là bảo vệ cho chính người được tiêm khỏi trở nặng và không tử vong khi mắc bệnh”.

Ông Sơn cũng cho rằng, với quy định giá trị xét nghiệm trong 72 giờ thật sự không có ý nghĩa gì nhiều, bởi trong 72 giờ đó không thể kiểm soát được người đó dừng ở đâu, tiếp xúc với ai, làm gì, có lây nhiễm hay không. Chính vì vậy, tại các điểm tập kết hàng hóa thì việc test tại chỗ cho tài xế là cần thiết.

“Nếu ở trạm dừng nghỉ mà anh em tài xế thực hiện chuẩn 5K, không tiếp xúc với ai thì cũng không cần test Covid-19. Nhưng nếu lái xe đường dài đã dừng đỗ, có tiếp xúc gần thì nên có kiểm tra bằng test nhanh, đảm bảo an toàn cho cả lái xe và vùng mà họ tới”, ông Sơn nêu quan điểm.

Trước thông tin về việc nhiều địa phương yêu cầu tài xế dù đã tiêm vaccine vẫn phải có kết quả test PCR hoặc test nhanh giá trị trong vòng 72 giờ mới cho xe hàng đi qua, theo ông Sơn, đó là việc làm cứng nhắc, vì tài xế đã được tiêm 2 mũi là điều kiện cần thiết để được lưu thông và chỉ cần làm test nhanh tại những nơi dừng đỗ có tiếp xúc đông người.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Phạm Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư cho rằng, việc đã tiêm 2 mũi vaccine mới chỉ bảo vệ cho người được tiêm, chưa phải là an toàn cho cộng đồng.

Tài xế có đặc thù đi lại nhiều, dễ trở thành nguồn lây lan dịch nếu không phòng tránh hiệu quả.

Chính vì vậy, cần xây dựng quy trình chuẩn đi lại trong thời dịch, những việc được làm hoặc không được làm, dù tài xế đã được tiêm vaccine.

Theo PGS. TS. Phạm Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư, riêng việc yêu cầu xét nghiệm 3 ngày 1 lần kể cả với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đã gây phiền hà, tốn kém cho tài xế, doanh nghiệp vận tải. Vì thế, ông Nhung đề xuất, dựa trên cơ sở khoa học, để đảm bảo rằng người tiêm vaccine được bảo vệ thì cần khẳng định việc có kháng thể trong máu bằng test kháng thể. Kết quả test kháng thể sẽ khẳng định được người đã có kháng thể hay chưa. Hơn nữa, xét nghiệm kháng thể thông thường ít biến động trong 1 tháng, do vậy chỉ cần làm xét nghiệm 1 lần/tháng.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.