Xã hội

Có nên nhân rộng đồn công an ở khu công nghiệp?

26/05/2014, 06:55

Sau sự cố một số đối tượng lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam để gây rối, nhằm mục đích phá hoại và hôi của ...

img


Ông Lê Việt Trường - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của QH: 

Nên lập vì Luật đã quy định


Luật Công an nhân dân hiện hành cũng đã quy định, trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an hoàn toàn có thẩm quyền quyết định thành lập đồn công an hoặc trạm công an. Thực tế, nhiều KCN đã thành lập đồn công an. Đồn công an ở KCN mang tính chất nghiêng về quản lý đô thị nhiều hơn là quản lý nông thôn. Chủ yếu làm các công việc bảo đảm ANTT, không quản lý về nhân hộ khẩu và hoàn toàn không làm thay nhiệm vụ của công an xã. Đối với Bình Dương, chưa cần xảy ra vụ việc thời gian qua mà hoàn toàn do nhu cầu thực tế của địa phương đã phải thành lập thêm đồn công an ở các KCN. Công an tỉnh nghiên cứu tình hình thực tế, tham mưu cho UBND tỉnh và thấy cần thiết thì tỉnh đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công an cho thành lập.
 

img


Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công an tỉnh, ĐBQH tỉnh Đồng Nai: 

Đã có, nhưng cần nhiều hơn


Tại Đồng Nai, có 5 đồn công an phân bổ ở 5 cụm công nghiệp trọng điểm, như vậy chưa đảm bảo mà cần nhiều hơn. Bởi toàn tỉnh có tới 31 KCN tập trung trải đều 6 huyện trọng điểm. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất thành lập thêm. Người ta lo ngại vấn đề tăng biên chế, thực ra không phải vậy. Cơ cấu của đồn trực thuộc công an huyện, thị xã và biên chế đó hoàn toàn trong cơ cấu biên chế của đơn vị công an cấp huyện, thị xã. 


Có ý kiến lo ngại sự xuất hiện của công an tại khu vực sản xuất kinh doanh, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thực tế không phải vậy. Sau những vụ việc như vừa rồi, hiện nhiều doanh nghiệp mong muốn sự có mặt của công an. Bởi suy cho cùng, công an giúp họ bảo đảm an ninh trật tự, yên tâm sản xuất. Theo tôi, không chỉ Đồng Nai mà ở nhiều KCN trong cả nước nên có đồn công an.
 

img


Ông Lê Thành Nhơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, ĐBQH tỉnh Bình Dương:

28 KCN mà chỉ có 2 đồn công an là không ổn


Hiện trên địa bàn Bình Dương có 28 KCN nhưng mới chỉ có 2 đồn công an. Tất nhiên không phải tất cả 28 KCN này đều cần phải có đồn công an. Vừa rồi tỉnh đã đề xuất và Bộ Công an cũng thấy rằng, đề xuất đó là phù hợp và sẽ bổ sung thêm, nhất là trong bối cảnh vừa qua xảy ra những sự việc công nhân đình công, gây rối... 


Đặc điểm của Bình Dương là KCN rộng, trải dài ở nhiều địa bàn, với trên 1 triệu lao động. Tình hình an ninh trật tự luôn phức tạp. Thực ra, đồn công an chỉ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự chứ không làm chức trách điều tra, truy tố. 


Trước đây, khi còn làm Bí thư huyện, tôi cũng có đề xuất việc này, tuy nhiên ban đầu Bộ cũng đồng tình, sau đó xét đi xét lại, rồi cũng lo ngại làm “phình” bộ máy nên chưa tính đến. Nhưng sau sự việc mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an có vào làm việc và Bình Dương đã đề nghị, còn Bộ cho phép lập bao nhiêu đồn, khi nào có thì còn phải chờ.
 

img


Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh, ĐBQH Quảng Nam: 

Còn nhiều nơi cần được lập đồn công an


Tại Quảng Nam, để đảm bảo ANTT tại các khu, cụm công nghiệp và một số công trình trọng điểm như thủy điện, chúng tôi đã đề xuất và Bộ Công an cũng đã cho phép thành lập 2 đồn công an tại khu kinh tế Chu Lai và Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ngoài ra, còn có 2 đồn khu vực (nơi có tình hình phức tạp) và 2 đồn công an ở thủy điện A Vương và Sông Tranh 2. 


Hiện nay còn một số địa bàn có thể thành lập đồn công an được, chúng tôi đã xin phép Bộ cho thành lập nhưng Bộ Công an chưa vào kiểm tra và chấp thuận.


Các đồn công an đã thành lập trên địa bàn hoạt động hiệu quả do nắm chắc được địa bàn, quản lý được đối tượng, kịp thời xử lý những sự việc xảy ra. Có lực lượng công an, khi sự việc xảy ra, sẽ kịp thời phát hiện, tác động, ngăn chặn những tình huống đình công, lãn công gây phức tạp ở các KCN. Ngược lại, nếu không có đồn công an ở KCN, công an xã cũng không thể giải quyết mà phải nhờ chính quyền, trong khi chính quyền không thể cơ động xuống đó kiểm soát. Theo tôi, không nhất thiết phải là KCN mà kể cả các công trình trọng điểm lớn của quốc gia, khu vực, nơi tình hình phức tạp, địa hình miền núi đều có thể thành lập đồn công an. 


Ở các KCN mà có đồn công an, các doanh nghiệp cũng phấn khởi, bởi đó là chỗ dựa để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp sản xuất. Khi có sự việc xảy ra, doanh nghiệp phối hợp với đồn giải thích cho công nhân, không để tình hình phức tạp, không để các phần tử xấu kích động, lôi kéo. Việc lập đồn chỉ tăng thêm đầu mối chứ không làm tăng biên chế. Bởi số lượng cán bộ chiến sĩ ở đồn là sử dụng biên chế từ công an huyện đã được Bộ Công an phê duyệt.

 

Minh Tiến (Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.