Xã hội

Có những chứng cứ lịch sử nào về thời Hùng Vương?

13/04/2019, 09:00

Thời kỳ Hùng Vương cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn. Trong những năm qua, khảo cổ học Việt Nam đã dần giải mã những bí ẩn đó.

img
Thờ Vua Hùng là một truyền thống lâu đời của dân tộc. Ảnh: L.T

Từ buổi đầu lập nước, lịch sử các dân tộc trên thế giới đều được bao phủ bởi huyền thoại, truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc. Ở Việt Nam cũng vậy, thời kỳ Hùng Vương cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn, câu chuyện trong dân gian. Trong những năm qua, khảo cổ học Việt Nam đã dần giải mã những bí ẩn đó.

Thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc

Truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng phản ánh ít nhiều về lịch sử dân tộc. Thông qua truyền thuyết có thể hiểu được đôi nét về thời quốc sơ với một nền sản xuất đã bước qua thời nguyên thủy và bước đầu đạt được các chuyển biến to lớn, mối quan hệ xã hội, nền chính trị đơn sơ, những xung đột bộ tộc hay liên minh giữa các bộ tộc để cùng nhau chống chọi thiên tai, địch họa xây dựng đất nước của người Việt cổ.

Thành tựu to lớn của khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có khảo cổ học là đã chứng minh một cách thuyết phục rằng: Thời kỳ Hùng Vương là có thật! Tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể để khẳng định là có 16, 17 hay 18 đời vua Hùng Vương dựng nước. Đó là thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc. Thành tựu đầu tiên là việc phát hiện di tích khảo cổ học Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1924. Tên di chỉ này sau đó được dùng để mệnh danh cho nền văn hóa Đông Sơn tiêu biểu cho nền văn hóa thời dựng nước đầu tiên của Việt Nam. Những năm đầu, việc nghiên cứu khảo cổ học do người phương Tây thực hiện.

Những hạn chế trong khai quật và tư tưởng thực dân, đã dẫn đến những nhận định sai lầm về nguồn gốc, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn. Họ cho rằng, văn hoá Đông Sơn nảy sinh từ một dạng văn hoá Chiến Quốc (Trung Quốc) được gọi là phong cách sông Hoài, có người cho rằng văn hoá Đông Sơn chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá Châu Âu (Áo, Hung, Hi Lạp, Bắc Âu…).

Thậm chí, họ còn giả thuyết về văn hoá Đông Sơn xuất phát từ tộc người Tokhara sống ở quanh vùng Hắc Hải di cư từ Trung Á đến Việt Nam. Từ đó, nhìn chung họ đánh giá Việt Nam và Đông Nam Á nằm giữa 2 khu vực văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Quốc, chịu ảnh hưởng chủ yếu của văn minh sông Hằng và văn minh sông Hoàng.

Vào khoảng những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, ngành khảo cổ học Việt Nam non trẻ bắt đầu hình thành với sự thành lập Đội Khảo cổ thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng (Bộ Văn hóa), Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử (Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) và Viện Khảo cổ học (1968). Ngay sau khi thành lập, Viện Khảo cổ học do GS.VS Phạm Huy Thông đã đề xướng và chủ trì đề tài nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương dựng nước trong 3 năm (1968 - 1971).

Hiểu thế nào về 4.000 năm lịch sử?

Kết quả nghiên cứu được tập hợp trong 4 tập Hùng Vương dựng nước của NXB Khoa học xã hội (tập hợp các nghiên cứu của các chuyên gia) đã chứng minh thời kỳ Hùng Vương là có thật trong lịch sử dân tộc, được chứng minh qua hệ thống các di tích khảo cổ học. Các di tích khảo cổ học này tạo thành một hệ thống văn hóa vật chất có diễn biến văn hóa liên tục từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ đa dạng đến thống nhất, gồm 4 giai đoạn văn hóa: Giai đoạn Phùng Nguyên, giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun, giai đoạn Đông Sơn.

Đây là lần đầu tiên khảo cổ học xác định được phổ hệ và các bước phát triển liên tục có niên đại kéo dài trong khoảng 2.000 năm trước Công nguyên chứng minh văn hóa Đông Sơn (cơ sở văn hóa vật chất của thời Hùng Vương) có nguồn gốc phát triển bản địa.

Đó là bằng chứng vật chất xác thực nhất chứng minh thời Hùng Vương là có thật trong lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng xác định cương vực, chủ nhân, thời gian ra đời và phát triển của nhà nước Văn Lang được hình thành theo một quá trình lâu dài từ cách đây hơn 4.000 năm và đạt đến đỉnh cao vào thời văn hóa Đông Sơn.

Trong thời kỳ này, cư dân Việt cổ, trên cơ sở phát triển cao của kỹ nghệ chế tạo đồ đồng, đồ sắt đã đạt được những chuyển biến sâu sắc trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và cuối cùng dẫn đến sự ra đời của hình thức nhà nước đầu tiên: Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng và nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương.

Trước hết là xác định địa giới nước Văn Lang nằm chủ yếu ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ Việt Nam và một phần ở phía Nam Quảng Đông, Quảng Tây (hai tỉnh thuộc Trung Quốc ngày nay). Không gian phân bố và thời gian tồn tại của văn hóa Đông Sơn trong giai đoạn hình thành và phát triển nhất về cơ bản tương ứng với không gian và thời gian tồn tại của nước Văn Lang.

Trong phạm vi địa giới và thời gian thành lập nước Văn Lang, cư dân Văn Lang đã sáng tạo nên nền văn minh Việt cổ, nền văn minh được các ngành khoa học với khảo cổ học là nòng cốt chứng minh là nền văn minh phát triển rực rỡ nhất, cao nhất ở Đông Nam Á thời cổ đại.

Về thời gian tồn tại của nước Văn Lang, sử cũ và truyền thuyết đều phản ánh một khoảng thời gian khá dài với niên đại mở đầu vào năm Nhâm Tuất (năm 2879 TCN). Mốc cuối của nước Văn Lang chắc chắn được xác định vào khoảng cuối thế kỷ 3 TCN khi nước Âu Lạc thành lập. Có lẽ, chính từ niên đại này đã dần dần hình thành khái niệm dân gian phổ biến sau này của lịch sử Việt Nam là “bốn nghìn năm lịch sử”, “bốn nghìn năm dựng nước”, “bốn nghìn năm văn hiến”. Tổng hợp chung, cho đến nay, giới khảo cổ học Việt Nam đoán định văn hóa Đông Sơn có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 7 TCN đến thế kỷ thứ 2 SCN. Niên đại này là gần tương ứng với ghi chép của Đại Việt sử lược về thời điểm bắt đầu của các vua Hùng.

Như vậy, có thể xem con số 4.000 năm lịch sử là khoảng thời gian truyền thuyết, còn lịch sử Hùng Vương dựng nước thì thực sự bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 7 TCN đến thế kỷ 3 TCN.

Với việc phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, khảo cổ học đã cung cấp các chứng cứ xác thực về một nền văn minh Việt cổ. Nền văn minh đó được hình thành và phát triển tại chỗ, có trình độ kỹ thuật phát triển, có đời sống vật chất và tinh thần phong phú, có sự giao lưu và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn khu vực.

Nguồn tư liệu khảo cổ học kết hợp của các nguồn tư liệu khác đã dần dần đưa ra ánh sáng diện mạo đích thực của lịch sử Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, xác nhận một cách khoa học và chân thực thời kỳ Hùng Vương là có thật và là thời kỳ mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam: Kỷ nguyên dựng nước và giữ nước đầu tiên với đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, cơ sở văn hóa vật chất của nền văn minh Việt cổ.

Việt Nam đưa tượng vua Hùng ra 5 nước để tổ chức ngày Quốc tổ

Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng các hội đoàn, đại sứ quán tổ chức “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2” tại Lào (ngày 5-6/4), Thái Lan (7/4), Nhật Bản và Ba Lan (14/4), Canada (30/4).

Ban tổ chức ngày Quốc tổ đưa tượng vua Hùng cùng đất, nước, chân hương của đền thờ vua Hùng ở Việt Nam, cũng như các bộ lễ phục cúng tế sang 5 nước nói trên để làm lễ.

Dù thời gian tổ chức khác nhau nhưng chương trình ngày Quốc tổ có một kịch bản chung, gồm phần lễ dâng hương vua Hùng, phần hội là các hoạt đông văn hoá nghệ thuật hướng về quê hương và giao lưu văn nghệ với bạn bè bản xứ. Lần đầu tiên, di sản văn hoá phi vật thể quan họ Bắc Ninh được giới thiệu và trình diễn tại ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu.

Ngoài ra, ngày Quốc tổ còn có chương trình hội đàm khoa học được thiết kế riêng cho từng nước. Ví dụ như ở Canada là hội thảo “Việt Nam xưa và nay”, ở Lào là toạ đàm “Kiều bào với ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”.

Ở Thái Lan, sau phần lễ dâng hương lên vua Hùng, kiều bào đi thăm khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon Thani và trồng cây lưu niệm. Tại Nhật Bản, phần hội ngoài chương trình văn nghệ còn có trình diễn áo dài, triển lãm và ẩm thực.

Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức lần đầu tiên năm 2018 tại bốn nước gồm Nga, Cộng hoà Séc, Hungary và Đức. Đây là dự án văn hoá, xã hội phi lợi nhuận nhằm bảo tồn và quảng bá rộng rãi văn hoá phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; kết nối, giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và các nước trên thế giới...

L.C

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.