Quản lý

Cổ phần "họ Cienco" chưa IPO đã đắt hàng

17/03/2014, 06:10

Khi bắt tay thực hiện CPH, không ít người nghi ngại về tính hấp dẫn của các Tổng công ty xây lắp ngành Giao thông (Cienco).

Khi bắt tay thực hiện CPH, không ít người nghi ngại về tính hấp dẫn của các Tổng công ty xây lắp ngành Giao thông (Cienco). Thế nhưng, trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tới đây, hầu hết các đơn vị này đã tìm được những cổ đông chiến lược có chất lượng. Thậm chí chọn ai, bỏ ai cũng là vấn đề rất nan giải và phải sàng lọc, tuyển chọn kỹ lưỡng.
 

Cienco 1 thi công Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cienco 1 thi công Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai


Nhiều nhà đầu tư chất lượng

Trong số 7 doanh nghiệp xây lắp chuẩn bị IPO tới đây, duy nhất Cienco 6 chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược. Điểm qua các nhà đầu tư đã quyết định gắn bó với các Cienco có thể thấy, hầu hết đều là những doanh nghiệp “có số má”, năng lực tài chính mạnh và có chiến lược kinh doanh bài bản, sẵn sàng gắn bó lâu dài.

Một đơn vị tưởng chừng như kém hấp dẫn là Tổng công ty XD Đường thủy (Vinawaco) nhưng lại nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư như: Hàng loạt ngân hàng lớn, Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường, Phú Xuân và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng. Rà soát lại các qui định không cho phép các ngân hàng Nhà nước được đầu tư ngoài ngành thì Vinawaco vẫn còn nhiều sự lựa chọn. Sau khi đánh giá về năng lực và những chiến lược kinh doanh, Vinawaco đã quyết định gắn bó với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng.
 

"Chúng tôi cam kết gắn bó lâu dài và chăm lo đời sống cán bộ công nhân đang làm việc tại Vinawaco chứ không đầu tư theo kiểu “hớt váng” và dừng lại ở thời hạn tối thiểu là 5 năm theo qui định”.

Ông Ngô Văn Tuấn
Chủ tịch Công ty TNHH
Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng

Theo ông Nguyễn Huy Hiền - Chủ tịch HĐTV Vinawaco, việc có nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm đã giúp Tổng công ty có nhiều sự lựa chọn, cân nhắc để tìm được đối tác phù hợp nhất. Nói về Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng, ông Hiền cho rằng, đây là một đơn vị có năng lực tài chính khá mạnh với vốn điều lệ lên tới 600 tỷ đồng, có hệ thống và phương pháp quản trị doanh nghiệp bài bản.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng cho biết, dù biết Vinawaco thua lỗ và kiện cáo kéo dài nhưng đơn vị cũng nhìn thấy Tổng công ty này có nhiều tiềm năng, nhất là thương hiệu, năng lực cán bộ, máy móc trong lĩnh vực đường thủy. Nếu được đầu tư tốt hoàn toàn có thể vực dậy và phát triển ổn định.

Để minh chứng, ông Tuấn lấy việc bỏ vốn đầu tư vào Công ty CP cầu 5 Thăng Long. Trước đó, đơn vị này cũng thua lỗ triền miên, doanh thu chỉ vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng bỏ vốn mua lại, ngay năm đầu tiên doanh thu của Công ty CP cầu 5 Thăng Long đã tăng gấp đôi lên 80 tỷ đồng. Năm 2013 con số này tăng lên 160 tỷ đồng và dự kiến 2014 lên đến 320 tỷ đồng.

Khác với Vinawaco, Cienco1 vốn được coi là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Điểm đặc biệt là Cienco 1 còn tìm được cho mình một nhà đầu tư chiến lược ngoại có uy tín.

Theo ông Phạm Dũng - Chủ tịch HĐTV Cienco 1, đến nay chúng tôi đã chọn được 3 nhà đầu tư chiến lược, gồm: Công ty Yên Khánh, Fecon và một công ty tư vấn thiết kế của Nhật Bản là Hansyu. Đây là một đối tác khá mạnh, đã từng tham gia thiết kế, xây dựng nhiều công trình giao thông tại Việt Nam. Việc lựa chọn đối tác nước ngoài này là xuất phát từ cả hai phía. Đối tác Nhật Bản mạnh về các loại thiết bị và công nghệ thi công và phương thức quản trị. Chẳng hạn như họ có cẩu 500 tấn, máy khoan cọc nhồi có đường kính tới 6m. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của họ cũng rất tốt. Đây là những yếu tố quan trọng để Cienco 1 có thể kết hợp và tiếp thu, nâng cao trình độ.

Ngoài hai đơn vị trên, hầu hết các Cienco khác đều đã chọn được cho mình các nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, Cienco 4 là Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). SHB đồng thời cũng là cổ đông lớn của Tổng công ty XD Thăng Long và Cienco 8. Ngoài ra, Cienco 8 còn có thêm hai đối tác chiến lược nữa là Công ty Vinaconex - PVC (PVV) và Công ty bảo hiểm SHB. Cienco 5 có 2 nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần 59 (Đà Nẵng) và Công ty CP tập đoàn Việt Phương.
 

Các Cienco có nhiều thiết bị máy móc hiện đại và năng lực thi công chuyên nghiệp Ảnh: Đức Thắng
Các Cienco có nhiều thiết bị máy móc hiện đại và năng lực thi công chuyên nghiệp


Thấy rõ khả năng sinh lợi

Nói về những lợi thế khiến cho cổ phiếu của Vinawaco hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Huy Hiền lý giải: “Mặc dù vừa trải qua một thời kỳ khó khăn, có những lúc tưởng chừng như phá sản vì thua lỗ kéo dài gần chục năm nhưng đến nay, Tổng công ty đã thực hiện cơ bản thành công việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Đây là một yếu tố quan trọng tạo tiền đề để Tổng công ty phát triển trong thời gian tới.

Ông Phan Quốc Hiếu - Tổng Giám đốc Tổng công ty XD Thăng Long cho biết, dù tới đây sẽ IPO tới 40% cổ phần nhưng ông không lo lắng về khả năng bị ế. Ông Hiếu tự tin sẽ bán sạch vì các nhà đầu tư, trong đó có nhiều cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty đã đặt cọc trước.

Còn theo ông Phạm Dũng, việc các nhà đầu tư lựa chọn các Cienco để đầu tư cho thấy tiềm năng của lĩnh vực hạ tầng giao thông còn lớn. Đơn cử như đối tác Nhật Bản đến với Cienco1 do hai bên đều đã biết rõ về nhau và tự nguyện đến với nhau. Do là đơn vị đã tham gia nhiều dự án tại Việt Nam nên họ đã rất hiểu về năng lực và tiềm năng phát triển của Cienco1, đó là những lợi thế về công nghệ, thiết bị thi công và thương hiệu. Cienco1 từ trước đến nay vẫn được xem là đơn vị đi đầu trong việc thi công xây dựng những công trình có tính chất phức tạp về kỹ thuật, mỹ thuật cũng như bảo đảm về tiến độ và chất lượng. Vì vậy, việc góp vốn sẽ chắc chắn bảo tồn được cổ tức, phát triển nguồn vốn và tạo ra được nhiều việc làm hơn cho nhà đầu tư.   

Nếu nói về độ hấp dẫn của cổ tức chắc chắn không thể bỏ qua Cienco 4. Những năm gần đây, Cienco 4 vươn lên trở thành đơn vị có doanh thu và sản lượng dẫn đầu khối xây lắp. Tại buổi ra quân đầu năm 2014, lãnh đạo Cienco 4 cam kết sẽ phấn đấu trả cổ tức lên tới 15%/năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ  GTVT Đinh La Thăng đề nghị Cienco 4 nỗ lực cao hơn và trả cổ tức ở mức 20%. Đây cũng là yếu tố được nhiều nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác quan tâm khi Cienco 4 IPO.


Đức Thắng - Tiến Mạnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.