Thị trường

Cổ phần hóa chậm chạp, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo

18/10/2020, 10:19

Chỉ 7/98 doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa năm 2020 được cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã đề xuất 4 nhóm giải pháp trọng tâm để thực thi.

img
Còn tới 91 doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa từ nay đến cuối năm.

Số liệu được Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa công bố cho thấy, tiến độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện còn rất chậm khi 9 tháng đầu năm 2020 chỉ mới 7 DN được cổ phần hóa.

Trong khi đó, còn tới 91 doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa trong năm 2020, trong khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là hết năm.

Cụ thể, Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch.

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2020 đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 207.116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991 (năm 2017) và Quyết định số 26 (năm 2019) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tương đương hiện chỉ đạt được 28% kế hoạch đề ra.

Còn lại, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.

Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2020 là chậm, do đó việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 3 tháng còn lại của năm 2020 là khó khả thi.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đề xuất 4 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Đầu tiên, theo Bộ Tài chính, người thực thi cần nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn .

Ngoài ra, cần tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN.

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.