Kinh tế

Cổ phiếu không mua nổi ly trà đá, nhà đầu tư khóc ròng

29/09/2017, 07:30

Mỗi năm, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) thông báo hủy niêm yết...

12

Nhiều nhà đầu tư lỗ nặng vì mua cổ phiếu của doanh nghiệp bị hủy niêm yết - Ảnh minh họa

Chia tay thị trường vì kinh doanh bết bát

Ngày 8/9, 21 triệu cổ phiếu SDH của Công ty CP Xây dựng hạ tầng Sông Đà đã phải hủy niêm yết trên sàn HNX sau đó chuyển về UpCom vì kinh doanh bết bát trong 3 năm liên tiếp: Năm 2014 (lỗ hơn 3,5 tỷ đồng), năm 2015 (lỗ 18 tỷ đồng) và năm 2016 (lỗ hơn 22 tỷ đồng). Công ty cho biết, mấy năm qua không có việc làm, doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng và trích lập các khoản dự phòng do đầu tư vào công ty con và công ty liên kết...

Trong trường hợp bị hủy niêm yết, cổ phiếu sẽ được quản lý và chuyển nhượng tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (sàn đại chúng chưa niêm yết), việc giao dịch sẽ không thông qua Sở Giao dịch HSX/HNX nếu doanh nghiệp ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Lưu ký chuyển nhượng. Hoặc doanh nghiệp có thể rút lưu ký về tự quản lý, sau đó cổ phiếu có thể được niêm yết trở lại nếu doanh nghiệp thoát lỗ. Trong trường hợp phá sản, doanh nghiệp sẽ thông báo phương án xử lý đối với cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ theo quy định. 

Trước đó, cổ phiếu VNH của Công ty CP Thủy hải sản Việt Nhật cũng bị HSX hủy niêm yết bắt buộc tương tự kể từ ngày 23/3. Hơn 8 triệu cổ phiếu VNH không còn được giao dịch trên sàn do công ty thua lỗ trong 3 năm liên tiếp: Năm 2014, công ty lỗ sau thuế 43,5 tỷ đồng, năm 2015 khoản lỗ giảm còn 6,99 tỷ đồng nhưng năm 2016 lỗ lại tăng lên 23,86 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp này cũng giảm mạnh từ gần 70 tỷ đồng còn 16 tỷ đồng. Theo ý kiến của đơn vị kiểm toán, trong năm qua, công ty thanh lý hầu như toàn bộ tài sản gồm hàng tồn kho và tài sản cố định nhằm thanh toán các khoản nợ gốc và lãi vay ngân hàng. Nhưng điều này làm gia tăng nghi ngờ về sự hoạt động liên tục của công ty. Thêm nữa, dù công ty đã bán một mảnh đất thu về 13,4 tỷ đồng, cùng với khoản tiền từ bán ngôi nhà do vợ chủ tịch HĐQT công ty đứng tên để gộp vào tài khoản công ty trả nợ nhưng vẫn không giải quyết được khó khăn.

Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, từ đầu năm tới nay cũng có hai trường hợp bị huỷ niêm yết là Công ty CP NTACO - Nhà máy Đông lạnh thủy sản (ATA) và Công ty CP Hưng Đạo Container (HDO) dẫn tới gần 12 triệu cổ phiếu ATA bị huỷ niêm yết bắt buộc từ ngày 6/2 để chuyển sang giao dịch hạn chế trên Upcom và gần 15 triệu cổ phiếu HDO cũng chính thức chia tay sàn niêm yết kể từ ngày 26/5. Mới đây, hai cổ phiếu khác là PVR (Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí) và G20 (Công ty CP Đầu tư dệt may G.Home) cũng nhận “án tử” hủy niêm yết lần lượt từ ngày 26/5 và 21/7. Ngoài ra, một số trường hợp do cố tình vi phạm công bố thông tin cũng dẫn tới cổ phiếu bị huỷ niêm yết như BGM (Công ty CP Khai thác và chế biến khoáng sản Bắc Giang) từ ngày 10/8…

Từ đầu năm, riêng HSX đã huỷ niêm yết 11 cổ phiếu (cao gần gấp đôi con số 6 mã cả năm 2016).

Nhà đầu tư mắc kẹt

Ngay sau khi có thông tin bị huỷ niêm yết, giá các cổ phiếu này đều giảm mạnh. Anh N.T.Linh (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh giữ hơn 4.000 cổ phiếu SDH (Công ty CP Xây dựng hạ tầng Sông Đà) hơn một năm nay từ mức 2.200 đồng/cổ phiếu. “Khi thông tin này đưa ra, giá SDH đã giảm mạnh như đi xuống bậc thang và đến nay chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn một ly trà đá vỉa hè”, anh Linh nói. Trước đó, nhà đầu tư này may mắn bán được hơn 2.000 cổ phiếu ở mức giá 2.750 đồng/cổ phiếu trước khi SDH bị chuyển xuống giao dịch tại Upcom. Số cổ phiếu còn lại, anh xác định khi có cơ hội sẽ bán tiếp bởi giá đang khá rẻ và giao dịch SDH gần như đóng băng, mỗi phiên chỉ giao dịch vài trăm tới vài nghìn cổ phiếu vì vắng người mua. Trong phiên giao dịch cuối cùng vừa qua (ngày 22/9), chỉ có 1.200 cổ phiếu SDH được giao dịch.

Giá rẻ như cho là cổ phiếu HDO khi giảm tới 38,8% về mức giá “bèo” 1.100 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối tuần qua. HDO hiện cũng đang bị hạn chế giao dịch nên nhà đầu tư muốn bán cũng rất khó khăn. Giá cổ phiếu PVR cũng bắt đầu lao dốc ngay từ ngày bị huỷ giao dịch 26/5, hiện chỉ còn 2.100 đồng từ mức là 3.900 đồng/cổ phiếu (giảm tới 46,1% chỉ trong hơn 4 tháng)…

Thời gian tới, một loạt các cổ phiếu khác có nguy cơ lọt danh sách huỷ niêm yết như HNM của Công ty CP Sữa Hà Nội. HNM vừa bị tạm dừng giao dịch từ ngày 25/7 do chưa nộp báo cáo tài chính năm 2016. Trước đó, cổ phiếu này đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 21/4. Được đại hội cổ đông bất thường uỷ quyền nhưng HNM vẫn chưa chọn được công ty kiểm toán. HNM đã xin được gia hạn nộp báo cáo tài chính đến ngày 20/7 nhưng cuối cùng vẫn trễ hẹn. HNM hiện bị kiểm soát và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần từ ngày 7/6. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, HNM có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

TTF của Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng có nguy cơ bị huỷ niêm yết khi cuối năm 2016, lỗ lũy kế của gỗ Trường Thành là 1.767 tỷ đồng, vượt 322 tỷ đồng so với vốn điều lệ 1.446 tỷ đồng. Cổ phiếu PNC của Công ty CP Văn hóa Phương Nam cũng bị liệt vào diện kiểm soát đặc biệt khi công ty lỗ lũy kế kéo dài, tính đến cuối quý II/2017 là 28,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu khác cũng nằm trong “tầm ngắm” khi công ty vi phạm báo cáo, kiểm toán từ chối ý kiến hay nằm trong diện kiểm soát như: PNC (Công ty CP Văn hóa Phương Nam), HVG (Công ty CP Hùng Vương), SGO (Công ty CP Dầu thực vật Sài Gòn), FID (Công ty CP Đầu tư phát triển doanh nghiệp Việt Nam), HAS (Công ty CP Hacisco), JVC (Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật)… Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán cho biết, đối với các cổ phiếu này, nhà đầu tư thường đã “thoát hàng” ngay khi công ty công bố lỗ liên tiếp. “Chỉ có trường hợp nhà đầu tư ham rẻ hoặc do thanh khoản của cổ phiếu quá kém, bán không ai mua thì sẽ bị mắc kẹt”, vị này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.