Tài chính

Cổ phiếu VPBank đắt hay rẻ?

14/08/2017, 07:19

Với giá cổ phiếu dự kiến 39.000 đồng, VPB trở thành CP ngân hàng đắt nhất hiện nay.

5

Với mức giá dự kiến 39.000 đồng, VPB sẽ là cổ phiếu ngân hàng đắt nhất trên sàn hiện nay - Ảnh: Xuân Đoàn

Giá chào sàn 39.000 đồng

Hiện, P/E (tỷ lệ giá/thu nhập tính trên 1 CP), P/B (tỷ lệ giá/giá trị sổ sách) bình quân của 6 CP ngân hàng đang niêm yết trên sàn lần lượt là 17,5 lần và 1,7 lần. Theo công thức này, nếu tính giá trị CP theo P/E, giá của VPBank (mã VPB) khoảng 44.084 đồng/CP, còn theo P/B thì khoảng 30.829 đồng/CP. VPBank đã tính toán giá CP VPB theo trọng số là 70% theo P/E và 30% theo P/B và cho ra con số 40.108 đồng/CP. Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ đề xuất mức giá 39.000 đồng/CP. VPBank cũng giải thích, sở dĩ chọn trọng số P/B chỉ ở mức khoảng 30% để tính toán thị giá là bởi, với những đơn vị hoạt động cốt lõi là dịch vụ như ngân hàng, giá trị sổ sách không phản ánh đầy đủ giá trị thực do tài sản hữu hình thường không lớn, trong khi các tài sản vô hình như thương hiệu hay uy tín đóng góp rất lớn vào hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, phải khẳng định, tài sản vô hình của VPBank, nhất là thương hiệu, uy tính chưa thể “sánh” với một số ngân hàng cùng quy mô, chưa nói đến các ngân hàng lớn. Trong khi đó, nếu chào sàn với giá 39.000 đồng/CP, VPB sẽ là CP ngân hàng “đắt” nhất trên sàn hiện nay do giá các CP ngân hàng lớn khác như VCB, CTG hay BID cũng chỉ ở mức 37,450 đồng/CP, 19.000 đồng/CP và 20.300 đồng/CP...

Công ty chứng khoán Bản Việt - đơn vị tư vấn niêm yết cho VPBank - trong bản báo cáo lần đầu về ngân hàng, khá lạc quan khi cho rằng, VPB có thể niêm yết với mức giá 40.000 đồng/CP. Đơn vị này cũng nhận định, trong năm 2017, chỉ số P/E của VPB trong khoảng 13,7-16,6 lần nếu không pha loãng (hiện P/E trung bình của 6 ngân hàng niêm yết là 17 lần). Điểm đáng lưu ý là mức giá chào sàn trên cũng “trội” hơn 8% so với giá trên sàn OTC sát ngày chốt quyền lưu ký để chuẩn bị lên sàn (28/7). Trước đó, CP này đã tăng mạnh trong thời gian ngắn và từ CP im ắng nhiều năm bỗng trở nên sôi động, thanh khoản “sốt” trên sàn. Đáng chú ý, trong bản báo cáo phát hành đầu tháng 8, Chứng khoán Bản Việt ghi nhận thị giá đang được giao dịch của VPB là 34.000 đồng/CP. Lãnh đạo cấp cao của VPBank và người nhà liên tục mua vào với khối lượng lớn đã khiến giá CP này được kéo lên đến 38.000 đồng/CP.

6
Kết quả hoạt động kinh doanh một số ngân hàng theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016

“Gà đẻ trứng vàng” FE Credit: lợi nhuận cao kèm nợ xấu lớn

Trong phiên chào sàn, biên độ dao động giá của VPB sẽ là 20% nghĩa là giá VPB có thể tăng lên 46.800 đồng/CP hoặc giảm mạnh về 31.200 đồng/CP tùy thuộc vào cung - cầu và diễn biến thị trường trong phiên này.

Xét về kết quả kinh doanh, VPBank mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với lợi nhuận sau thuế 2.606,1 tỷ đồng, cao gấp 2 lần mức 1.254,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Cho vay khách hàng tăng 12% so với đầu năm còn huy động tăng 13%. “Át chủ bài” của VPBank là công ty con FE Credit khi hai năm gần đây mang lại tỷ trọng lợi nhuận lớn cho ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính của VPBank, trong khi VPBank ngân hàng mẹ thực lãi 1.949 tỷ đồng trước thuế thì FE Credit lãi tới 1.315 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng, đóng góp vào lợi nhuận của FE Credit có xu hướng giảm xuống còn 41% nửa đầu năm nay trong khi cùng kỳ năm 2016 là 65%. Nguyên nhân là do chi phí dự phòng của FE Credit trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 104% so với cùng kỳ (là 2.947 tỷ đồng) và gần bằng mức trích lập trong của năm ngoái đã khiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của FE Credit giảm tốc xuống còn 31% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo số liệu được VPBank mới công bố, năm 2015, FE Credit chiếm thị phần lớn nhất (55%) trong thị trường tài chính tiêu dùng, vượt xa các đối thủ khác. Tuy nhiên, chính vì mảng tiêu dùng cá nhân có rủi ro rất cao nên tỷ lệ nợ xấu của đơn vị này lên đến gần 6%, điều này đã kéo nợ xấu chung của VPBank trong báo cáo hợp nhất lên gần 3% tại thời điểm ngày 31/12/2016 (trong khi tỷ lệ này tại các ngân hàng chỉ trên dưới 2%). Do chính sách lợi nhuận đặt nặng vào tăng trưởng tín dụng nên nợ xấu cũng sẽ tăng lên theo tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, VPBank còn đang sở hữu số trái phiếu VAMC sau khi bán nợ cho đơn vị với hơn 4.193 tỷ đồng và khoản nợ đó phải được trích lập dự phòng trong 5 năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, ROE (tỷ lệ lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) của toàn hệ thống ngân hàng năm 2016 là 7,51%. Trong đó, công ty tài chính là tổ chức có ROE cao nhất (16,47%), còn các ngân hàng thương mại cổ phần có ROE bình quân 5,66%. ROE của VPBank được xếp ở mức cao gấp 3 lần hệ thống. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ phải đối mặt với sức cạnh tranh đến từ các ngân hàng đối thủ cũng đang đẩy mạnh mảng bán lẻ như: Techcombank, MB, SHB... hay các ngân hàng ngoại đang gia tăng sự có mặt tại Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.