Chất lượng sống

“Cô Phú Bồ Tát” từng bị tâm thần, hành nghề bói toán

18/09/2015, 07:45

Trước khi hành nghề, bà Phú chỉ là “người bán cá tại chợ” và bị tâm thần, phải điều trị tại Bệnh viện.

26
Ông Đặng Mộng Điệp

Ông Đặng Mộng Điệp, Phó chủ tịch UBND TP Sông Công, Thái Nguyên cho biết ngay sau khi đoàn kiểm tra liên ngành TP Sông Công trực tiếp thực nghiệm tại chính cơ sở tẩm quất của bà Phạm Thị Phú, đoàn đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở này.

Tẩm quất đâu cần cởi áo, tụt quần trễ như vậy?

Trước thông tin phản ánh cơ sở bà Phú đang hoạt động khám chữa bệnh trái phép, UBND TP chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra ngay trong sáng 16/9. Trao đổi với báo chí, ông  Đặng Mộng Điệp, Phó chủ tịch UBND TP Sông Công cho biết: Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không gây mất ANTT, không mất an toàn vệ sinh, bà Phú cũng không tổ chức hoạt động tẩm quất. Tuy nhiên, theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, bà Phú đã thực hiện lại những động tác “xoa bóp, giẫm lưng” hàng ngày vẫn thực hiện.

Cũng theo ông Điệp, khi đoàn kiểm tra tới cơ sở của bà Phú, có khoảng 100 người, khi được hỏi đều tự xưng là “khách hàng đến tẩm quất, xoa bóp”.

Không thu phí lấy đâu tiền trang trải?

Khi thông tin về cơ sở bà Phú miễn phí cho tất cả “khách hàng”, nhiều người đặt câu hỏi: Mỗi ngày có tới hàng trăm người tới yêu cầu “tẩm quất” không mất tiền thì bà Phú lấy đâu nguồn trang trải, duy trì hoạt động? Ông Đặng Mộng Điệp cho biết: Tại cơ sở bà Phú có đặt hòm công đức, khi đoàn kiểm tra hỏi thì tất cả khách hàng đều nói kinh phí là tự nguyện. “Chúng tôi không thể kiểm soát số kinh phí tự nguyện này nhưng có lẽ chỉ riêng số tiền này (chưa tính tới hoạt động kinh doanh khác như nhà nghỉ, bán hàng tạp hóa...) cũng có thể đủ cho bà Phú trang trải cuộc sống”.

“Tuy nhiên, những thông tin và hình ảnh phản ánh đều cho thấy hoạt động hành nghề của bà Phú rất phản cảm. quan điểm của UBND TP tới đây sẽ ra văn bản tạm dừng hoạt động cơ sở của bà Phú trong một tháng. Tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn điều tra xác minh, nếu phát hiện bà Phú hoạt động không đúng với ngành nghề kinh doanh cấp phép, vi phạm luật khám chữa bệnh thì sẽ ra văn bản xử lý theo quy định pháp luật”, ông Điệp khẳng định.

Trước câu hỏi, liệu đây có phải một cơ sở khám chữa bệnh trá hình, ông Điệp nhận định: “Từ những thông tin đã phản ánh, chúng ta đều có thể đặt dấu hỏi nghi ngờ, nhưng để ra văn bản có tính pháp quy thì phải có cơ sở xác minh rõ ràng. Cơ quan chức năng cũng chưa dám khẳng định cơ sở bà Phú có vi phạm hay không, cần phải điều tra xác minh thêm. Trước mắt, trong tuần tới, chỉ có thể ra văn bản tạm đình chỉ, chứ chưa đủ cơ sở thu hồi giấy phép”, ông Điệp nói.

Bình luận về những hình ảnh hàng dãy người “thoát y” để “xoa bóp” tại cơ sở của bà Phú, ông Điệp chia sẻ: “Những hình ảnh đã đăng tải không thể chối cãi được, cho dù là tẩm quất thì cũng phải nằm trên giường, trong phòng chứ không phải cởi áo, tụt quần trễ như vậy...”.

Khi được hỏi, mỗi ngày có hàng trăm người đến cơ sở tẩm quất Ban Mai nhưng tại đây chỉ có một kỹ thuật viên là bà Phú, như vậy có phải điều bình thường, ông Phú cho biết: “Theo pháp luật hiện hành, không quy định phải có bao nhiêu kỹ thuật viên trong cơ sở tẩm quất. Tuy nhiên, theo phản ánh, cũng không phải bà Phú một lúc điều trị cho tất cả khách mà theo thứ tự lần lượt. Thậm chí có người phải đợi tới hai ngày mới được tẩm quất”.

27
Người bệnh nằm dài để “cô Phú Bồ Tát” thực hiện động tác đi trên lưng

Từng là đề tài nghiên cứu?!

Trao đổi về quá trình hành nghề của “cô Phú Bồ Tát”, ông Điệp cho biết, bà Phú thực chất đã hoạt động nghề được khoảng 10 năm. Ban đầu, bà Phú chỉ hành nghề tại nhà riêng ở phường Mỏ Chè, sau đó chuyển sang cơ sở phường Thắng Lợi, rồi mới về xã Vinh Sơn.

Tuy nhiên, cơ sở này chỉ được người dân biết phổ biến vào thời điểm 2010. Đó là khi đoàn chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người về thuyết phục UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu về khả năng chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú.

Đề nghị này nhanh chóng được UBND tỉnh chấp thuận. Song chỉ tới 21/7/2010, xét thấy nghiên cứu không có kết quả, không có cơ sở khoa học, không phù hợp với phong tục tập quán, gây phản cảm... UBND tỉnh Thái Nguyên lại ra quyết định dừng không thời hạn đề tài. Theo đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu bà Phú dừng ngay các hoạt động khám chữa bệnh cho người dân do không có giấy phép hoạt động, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở.

Tuy nhiên, năm 2012, bà Phú đã đứng tên chủ hộ kinh doanh Ban Mai đăng ký giấy phép hoạt động một số ngành nghề như: tẩm quất, dịch vụ kinh doanh ăn uống.

“Bản thân bà Phú lúc đó đã có hai chứng chỉ về hành nghề xoa bóp do ĐH Y Thái Nguyên và Viện Y học cổ truyền Việt Nam  cấp. Ngoài ra, cơ sở cũng đảm bảo ANTT nên đã được Phòng Tài chính kế hoạch Thị xã Sông công ngày ấy cấp giấy phép đăng ký kinh doanh theo đúng quy định”, ông Điệp bày tỏ.

Năm 2014, bà Phú tiếp tục làm đơn xin cấp đổi giấy phép kinh doanh điều chỉnh thêm một số ngành nghề dịch vụ khác, ngoài dịch vụ tẩm quất, còn thêm kinh doanh nhà nghỉ, bán hàng tạp hóa... “Qua các lần giám sát kiểm tra trước đây đều chưa phát hiện bà Phú có biểu hiện vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động”, ông Điệp nói.

Theo tìm hiểu của PV, trong quãng thời gian hành nghề, bà Phạm Thị Phú đã có một thời gian hoạt động bói toán, đồng bóng và từng bị CATP Sông Công triệu tập, thu giữ các dụng cụ hành nghề. Chưa hết, trước khi hành nghề, bà Phú chỉ là “người bán cá tại chợ” và bị tâm thần, phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.