Thời sự

Cơ sở nào đảm bảo Formosa sẽ không tiếp tục gây ô nhiễm?

15/11/2016, 15:36
image

Nhiều câu hỏi liên quan đến việc khắc phục sự cố môi trường do Formosa gây ra được ĐBQH chất vấn Bộ trưởng TN-MT.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà.

Chiều nay (15/11), sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ tập trung làm rõ các vấn đề:  Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; Việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

ĐB Ma Thị Thuý (Tuyên Quang):

-Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang rất nghiêm trọng, nhất là vỏ thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?

ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh):

-Ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng ở cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong hậu kiểm trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội? Giải pháp thời gian tới để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết để khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay?

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):

-Cử tri Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao trong việc giải quyết hậu quả Formosa gây ra, đồng thời cảm ơn nhân dân cả nước chia sẻ trong trong đợt bão lũ vừa qua. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn rằng, cơ sở nào để đảm bảo chắc chắn Formosa không gây ô nhiễm trong thời gian tới? Việc đền bù đã phần nào làm ấm lòng dân, nhưng đền bù mới đến 7 đối tượng và trong 6 tháng, có điểm chưa hợp lý, Vậy Bộ trưởng giải quyết thế nào?

ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa- Vũng Tàu):

-Tình trạng khi xảy ra ô nhiễm nhưng không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm nên việc xử lý, khắc phục khó khăn. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân là gì, hướng xử lý ra sao?

ĐB Ngô Trung Thành:

-Bãi thải thuộc khu khai thác khoáng sản bị sạt lở gây sự cố nghiêm trọng về môi trường, nguyên nhân chính là gì? Bãi rác thải ở nông thôn không che chắn, xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và đâu là giải pháp xử lý?

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long):

-Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sớm hơn dự kiến, ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân. Xin hỏi Bộ trưởng kịch bản đối phó tính đến vấn đề này chưa? Ảnh hưởng môi trường do phát triển công nghiệp và làng nghề không bền vững, nhất là sau vụ Formosa, trách nhiệm của Bộ về sự việc vừa qua?

Bộ trưởng Trần Hông Hà:

Thực tế vùng ngoại thành và nông thôn chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hoá, dịch chuyển dịch vụ. Trước tiên nhận thức ở nông thôn chưa như thành thị. Làng nghề, cụm công nghiệp ô nhiễm thường xen với khu dân cư, quy hoạch không tốt. Vấn đề quản lý môi trường nông thôn thì Bộ Tài nguyên- Môi trường chịu trách nhiệm chung, tuy nhiên hạ tầng nói chung được giao cho các bộ khác nhau, quy định pháp luật chưa rõ.

Các làng nghề truyền thống cũng chưa có quy định kiểm soát chặt chẽ. Quy hoạch ở nông thôn chưa được quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Thực trạng này đã được nhìn thấy. Thời gian tới cần tính đến việc hướng dẫn người dân trong trường hợp khu chăn nuôi nhỏ lẻ áp dựng công nghệ như biogas. Còn chăn nuối tập trung, làng nghề thì quy hoạch khu vực riêng và có cơ chế quản lý từ nước thải, chất thải rắn và nguy hại.

Về câu hỏi không ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra ô nhiễm, đây là câu hỏi hay. Theo phân định quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương, thì ở địa phương quản lý toàn diện về môi trường. Nên khi có vụ việc xảy ra gắn trách nhiệm cụ thể chứ không phải không ai chịu trách nhiệm. Tuy nhiên việc phối hợp giải quyết giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự rõ ràng. Hiện tại phê duyệt đánh giá tác động môi trường là cơ quan Trung ương, nhưng cấp phép thì địa phương. Trên thực tế, cơ quan Trung ương không thể đảm đương được việc xử lý môi trường ở địa phương...

 Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân:

 - Đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời tập trung vào câu hỏi của ĐBQH, trả lời từng ĐBQH.

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

Về câu hỏi của ĐB Phương (Quảng Bình). Đây là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm. Chúng ta dồn hết sức giải quyết vấn đề do Formosa gây ra. Riêng đối với sự cố Formosa thì Bộ TN-MT chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Sau khi chỉ ra nguyên nhân cũng như nguồn gây ô nhiễm, Bộ TN-MT đã thành lập đoàn liên ngành gồm nhiều nhà khoa học uy tín cùng xem xét, yêu cầu phía doanh nghiệp có biện pháp, lộ trình xử lý cụ thể. Trong quá trình Formosa khắc phục sự cố này, chúng ta có tổ công tác giám sát 24/24h về khí thải, lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại.

Về biện pháp xử lý, tập trung công nghệ xử lý đối với nước thải, từ nước thải sinh hoạt, sinh hoá phát sinh từ nhà máy luyện cốc hay cảng của Formosa đều được xem xét và có quy trình xử lý cụ thể. Nếu xảy ra sự cố sẽ có biện pháp phòng ngừa ngay. Chúng ta có đầy đủ thiết bị giám sát, quan trắc. Để đáp ứng các yêu cầu đó, chúng tôi tính toán có tồn tại về công nghệ sản xuất mà có thể đến 2018 Formosa mới hoàn thành. Formosa đã tích cực, họ cũng đã cam kết nhằm duy trì lâu dài, không để xảy ra sự cố, đảm bảo phát triển bền vững ở địa phương.

Về câu hỏi của ĐB Ngô Trung Thành, tôi cho rằng đại biểu nêu thực tế rất đúng. Có nhiều bãi thải là nguy cơ lớn đối với an toàn của người dân. Trách nhiệm thuộc về Bộ TN-MT trong phê duyệt các giấy phép vì liên quan đến công nghệ, tác động môi trường, xử lý chất thải. Riêng chất thải xây dựng liên quan đến Bộ Công thương và các địa phương.

Trên thực tế, có trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện quy định về triển khai các phương án, vận hành bãi thải. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy trên 50% doanh nghiệp không tuân thủ quy định. Vì thế tới đây cần xem xét lại nhiều bãi thải, vì độ cao, thiên tai, thời tiết. Đây là vấn đề Bộ TN-MT, Bộ Công thương, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại các bãi rác thải này.

Cũng có thực tế là việc khai thác than để lại bãi thải rất lớn, cần nguồn lực rất lớn để giải quyết. Bên cạnh xem xét công nghệ thì cần nguồn vốn để giải quyết. Tuy nhiên, khi phê duyệt cấp phép khai thác mỏ, ta chưa tính toán đến việc này, mới chỉ tính toán trên ý tưởng nên không đủ chi phí để hoàn thổ môi trường.

Về câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), hiện nay Bộ TN-MT được giao theo dõi tình hình sụt lún, nước biển dâng. Sụt lún do quá trình kiến tạo địa chất, do quá trình nhân sinh, do con người sử dụng nước ngầm quá mức. Kịch bản 2016 đã được cập nhật vấn đề sụt lún, nhưng phải theo dõi dài xem do nhân sinh, sức nén của quá trình đô thị hay do quá trình kiến tạo để có kết quả.

ĐB Đàm Mỹ Hương (Ninh Thuận):

-Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ TN-MT đánh giá tác động môi trường kiểu gì mà sau một thời gian hoạt động không lâu các nhà máy lại gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc. Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện như thế nào, có hay không việc buông lỏng quản lý?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

Việc thanh tra do Bộ TN-MT thực hiện và cao hơn là thanh tra Chính phủ, rồi của các bộ ngành, của cảnh sát môi trường… Riêng việc thanh tra Formosa, chúng tôi huy động lực lượng, thiết bị cả đến trăm người. Trong thời gian sắp tới, nếu không phân định rõ lực lượng, không tăng cường chất lượng, không có sự tham gia của các chuyên gia thì không thể thanh tra chính xác được.

Là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ quản lý về TN-MT, chúng tôi sẽ phối hợp để có thể thanh tra tổng thể.

ĐB Hoàng Thành Tùng (Sóc Trăng):

-Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa trước những "quả bom môi trường" ở sông Hậu, không để xảy ra sự cố. Việc vi phạm khai thác cát sỏi diễn ra nhiều năm, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

Khai thác cát sỏi, bức tử các dòng sông là vấn đề rất bức xúc. Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể với sông Hậu, với ĐBSCL. Bộ TN-MT cho rằng phải có quy hoạch tổng thể cho vùng, để có phân bổ sử dụng nước cho từng vùng. Bộ TN-MT sẽ quy hoạch, rà soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất dọc bờ sông Hậu, xem xét vấn đề công nghệ để làm sao giảm tối đa tác động ra môi trường.

Việc khai thác cát sỏi rất nhức nhối. Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến về vấn đề này, sau đó tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát, quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.