Kinh tế

Cơ sở nào ngân hàng tự ý tăng phí dịch vụ?

09/05/2018, 07:10

Nhiều ngân hàng đang có tư duy khách hàng đến ngân hàng như là đi xin xỏ ngân hàng nên đưa ra phí...

15

Agribank thông báo tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.650 đồng (Trong ảnh: Sinh viên chờ rút tiền tại cây ATM Agribank trên đường Hồ Tùng Mậu) - Ảnh: Ngọc Ánh

Câu chuyện phí ngân hàng đang "nóng" trở lại khi ngân hàng có mạng lưới rộng nhất Việt Nam là Agribank thông báo tăng phí một số dịch vụ. Theo đó, phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.650 đồng; Phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.

Loại nào bắt buộc, loại nào không?

Tại Hội nghị ngành Ngân hàng 2018 ngày 8/5, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam cho biết: Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ nêu rõ: Phí phát hành, thay đổi thẻ, phát hành mới, phí duy trì thường niên là những loại phí bắt buộc khách hàng phải nộp. Còn với phí sao kê, thanh toán thuế, phí giao dịch... (gọi chung là dịch vụ thanh toán), người dùng có thể lựa chọn và tùy giao dịch, tùy ngân hàng mà có các mức khác nhau. Các loại phí này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định khung. Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn có thể thu mức 0 đồng tùy theo giá trị gia tăng mà bản thân ngân hàng muốn mang tới cho khách hàng.

Trước phản ánh của người dân cho rằng, thu phí dịch vụ thẻ cao nhưng bảo mật an toàn thẻ lại kém, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ cho biết, NHNN đã có lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip có tính năng bảo mật cao hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, theo ông Tuấn, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip sẽ tăng chi phí lên nhiều cho các ngân hàng. Đó cũng là lý do vì sao các tổ chức thẻ quốc tế, những tổ chức thẻ lớn như Visa, Master từ năm 1993 đến nay vẫn chưa đạt được mục đích là toàn bộ các thành viên chuyển đổi thẻ chip. Với Việt Nam, ông Tuấn cho biết, chi phí đầu tư từ phôi thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ như POS, ATM cơ bản những năm gần đây đã hỗ trợ thẻ chip, nên việc đầu tư tăng thêm trong giai đoạn hiện nay cũng không phải quá lớn và các ngân hàng vẫn có thể chấp nhận được.

Phản biện ý của ông Tuấn, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng: Các ngân hàng đang thu phí theo hai hướng mà khách hàng phản ánh là tận thu, phí chồng phí bởi liệt kê ra sẽ có rất nhiều loại. “Ông Tuấn nói, các loại phí bắt buộc rất thỏa đáng nhưng thu bao nhiêu mới là vấn đề”, bà Mùi nêu. Trước thực tế, ngân hàng cho rằng, họ thu phí vẫn thấp, nếu để hòa vốn đầu tư mỗi cây ATM thì phải gấp nhiều lần thế. Có ngân hàng đề xuất phải thu phí 7.000 đồng/lượt và phải theo xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, bà Mùi cũng đặt câu hỏi với ông Tuấn “nghĩ như thế nào về mức phí thẻ hợp lý tạo điều kiện cả ngân hàng và khách hàng? Có phải cứ đầu tư vào ATM bao nhiêu thì phải phân bổ hết cho người dùng bấy nhiêu không?”.

Trả lời các câu hỏi của bà Mùi, ông Tuấn cho rằng, mức phí các ngân hàng đưa ra hiện nay còn… thấp. “Tuy nhiên, đối với hệ thống thẻ hiện nay, đặc biệt thẻ ghi nợ nội địa thì mục đích là sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, song song với đó là khách hàng phải mở tài khoản tại ngân hàng, sử dụng tài khoản và phương tiện không dùng tiền mặt mua bán hàng hóa dịch vụ chứ không phải để rút tiền mặt”, ông Tuấn nói. Do đó, theo ông Tuấn, nếu hạn chế dùng tiền mặt thì phí sẽ giảm.

Phí bao nhiêu, thu loại nào là hợp lý?

Nói về việc thu phí ngân hàng hiện nay, ông Tuấn cho biết, là do đặc thù và ban đầu chấp nhận cho người dân rút tiền mặt để thu hút khách hàng mở thẻ. “Ngân hàng đưa ra tham chiếu chứ không phải xác định thu phí bù được hệ thống vận hành”, Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam nói. Do đó, trong thời gian vừa qua, ngân hàng chỉ thực hiện thu phí 1.000 đồng đối với giao dịch nội mạng và 3.000 đồng đối với giao dịch ngoại mạng. Phí nội mạng theo Thông tư 35 năm 2012 của NHNN cũng đã quy định cho mức trần là 3.000 đồng mà các ngân hàng hiện nay mới chỉ thu có 1.000 đồng thôi, mới bằng 1/3 mức trần của NHNN. “Còn nếu tính tất cả các chi phí thì mỗi lần giao dịch rút tiền mặt phải từ 7.000 - 10.000 đồng. Hội Thẻ của chúng tôi, với tư cách là một hội ngành nghề, phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đương nhiên chúng tôi cũng quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng, đề xuất xây dựng lộ trình tăng phí. Chắc chắn trong thời gian tới phí ngân hàng sẽ tăng lên nhưng tăng ở mức độ như thế nào chứ không phải tăng ngay một lúc lên 3.000 đồng”, ông Tuấn thông tin.

Bình luận về mức phí hiện nay, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, phí mà các ngân hàng đang áp dụng theo biểu phí của NHNN và nếu không cao hơn mức trần thì đúng quy định. “Nhưng với những người sử dụng dịch vụ thì mức phí đó có hợp lý hay không?”, chuyên gia ngân hàng đặt câu hỏi. Ông Hiếu cũng chỉ ra nhiều loại phí không hợp lý như phí sao kê: “Tôi đã gửi tiền cho ngân hàng, ngân hàng đã dùng tiền đó để cho vay, kinh doanh lấy lãi. Ngân hàng lại áp mức phí mỗi lần tôi sao kê để biết hiện tại tôi đã có những giao dịch nào. Có những sao kê về thông tin thẻ, có những phí chuyển tiền nội mạng, ngân hàng vẫn giữ được tiền, sao lại thu phí của tôi?”, ông Hiếu phân tích và cho rằng, các ngân hàng nên xem xét lại để loại bỏ những phí bất hợp lý.

Cho biết bản thân là khách hàng của rất nhiều ngân hàng tại Mỹ, cũng là người thành lập một ngân hàng tại Mỹ và đã quyết định loại phí nào cho các giao dịch nào tại ngân hàng của mình, ông Hiếu đánh giá: “So sánh các biểu phí của các ngân hàng tại Việt Nam, tôi thấy quá nhiều loại phí. Trong khi đó, ngân hàng bên Mỹ chỉ thu một vài loại phí với mức tượng trưng thôi. Họ quan niệm rằng, khách hàng gửi tiền trong ngân hàng là khách hàng cho ngân hàng vay để kinh doanh. Do đó, ngân hàng sử dụng tiền đó của khách hàng cho vay là đã sinh lời rồi. Còn ở Việt Nam, nhiều ngân hàng đang có tư duy khách hàng đến ngân hàng như là đi xin xỏ ngân hàng nên đưa ra phí là bắt buộc. Đây là tư duy không phù hợp”, ông Hiếu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.