Giao thông

Cơ sở nào nói CHK quốc tế Long Thành “đội giá”?

31/07/2017, 10:15

Cục trưởng Cục HKVN cho rằng, nói “CHK quốc tế Long Thành đội giá vì muốn giống hoa sen” là hoàn toàn chủ quan.

4

Phương án có ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu được Tổ tư vấn thống nhất lựa chọn làm phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành - Ảnh: ACV

Các chuyên gia cho rằng, hiện mới có phương án thiết kế, chưa đàm phán với nhà thầu, chưa lập dự án đầu tư, thậm chí còn chưa biết cả chi phí tư vấn lập dự án, nên không có cơ sở nói đội giá hay không.

Nhà ga phải ưu tiên công năng là chính

Phương án LT-03 (lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu) của tư vấn Heerim Architects & Planners Co.Ltd (Hàn Quốc) đạt 13 phiếu chọn (tỉ lệ 59,09%), vượt qua 2 phương án còn lại là  Lá dừa nước và vật liệu tre để dẫn đầu trong danh sách và được tổ tư vấn thống nhất lựa chọn. (Tổ tư vấn được Bộ GTVT thành lập theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gồm 26 chuyên gia đến từ các bộ, ngành và hội nghề nghiệp liên quan).

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CKH Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, phương án kiến trúc nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành đã được tổ chức lấy ý kiến cộng đồng trực tiếp tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh) cũng như lấy ý kiến các hội nghề nghiệp (Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch đô thị, Tổng hội xây dựng, Hội Khoa học kỹ thuật hàng không). “Cả 3 phương án nói trên được lựa chọn nhiều nhất đồng thời cũng chính là các phương án được hội đồng đánh giá xếp hạng đánh giá cao”, ông Thanh nói.

Tại cuộc họp mới đây của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT bàn phương án kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, việc chỉnh sửa một số chi tiết của phương án chọn là cần thiết để có được một thiết kế hoàn hảo nhất cho nhà ga. Cũng theo ông Thanh, dù chúng ta có quyền sở hữu với cả 3 phương án này nhưng nếu chỉnh sửa, vẫn phải được sự đồng ý của tác giả. Cùng đó, ông Thanh kiến nghị Bộ GTVT đồng ý cho ACV đàm phán với tư vấn thiết kế về việc chỉnh sửa này.Cơ bản đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không VN và ACV, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo DN này cần tiếp tục lấy ý kiến bộ, ngành để bổ sung, tìm phương án hoàn chỉnh nhất cho nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành trước khi chọn tư vấn lập báo cáo khả thi (FS). “Việc chỉnh sửa phải căn cứ thể lệ cuộc thi, quyền tác giả để bảo đảm tính pháp lý”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, gần đây có một số ý kiến cho rằng, lựa chọn phương án hoa sen cách điệu cho nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành là không cần thiết, chỉ phục vụ một số ít người (phi công và hành khách) trong một thời gian ngắn (khi tàu bay cất/hạ cánh) trong khi đó lại khiến “đội giá” dự án.

Về vấn đề này, ông Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN - người từ những ngày đầu tham gia làm báo cáo tiền khả thi dự án này cho biết: “Điểm cộng của cả 3 phương án thiết kế nói trên, không riêng gì phương án hoa sen là đều đảm bảo công năng, dây chuyền công nghệ, năng lực của nhà ga theo đúng quy định và tính toán của quy hoạch của CHK quốc tế Long Thành”.

Khẳng định quy hoạch CHK quốc tế Long Thành được làm rất tốt, nghiên cứu, kế thừa rất nhiều kinh nghiệm của các sân bay lớn trên thế giới như: Charle de Gaule, Frankfurt, Kansai… ông Long nói thêm: “Quy hoạch này chặt chẽ đến mức định vị các công trình, công năng trên toàn cảng. Đường băng, đường lăn, sân đỗ và nhà ga… đã được tính toán có độ chính xác đến từng mét”. Cùng đó, ông Long dẫn ví dụ hệ thống đường ra vào của cảng, có những đường nhỏ như đường tuần tra nội bộ 7m là đúng 7m, đã được định vị rõ ràng. Kể cả công trình đài kiểm soát không lưu cũng vậy.

Hình dáng nhà ga hành khách của CHK quốc tế Long Thành theo hình chữ M ngược (3 cánh) mà chúng ta vẫn thấy liên quan đến toàn bộ vị trí đỗ máy bay, ông Long cũng cho rằng, vị trí đỗ này được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) với độ phân cách đúng 4m giữa các máy bay. “Số vị trí đỗ máy bay cập nhật vào nhà ga và vị trí đỗ máy bay bên ngoài đã được cân đối với công suất 25 triệu hành khách cho nhà ga đó. Bây giờ chỉ dịch chuyển bất kỳ hình dáng của nhà ga trong phạm vi một vài mét sẽ ảnh hưởng đến vị trí đỗ máy bay ngay và có thể làm mất cân bằng công năng”, ông Long nói và cho biết thêm: “Cấu hình nhà ga đã gắn rất chặt chẽ với các vị trí đỗ xung quanh. Từ cầu ra máy bay, cả chuyên gia Nhật Bản và Pháp đã tính là phải dài 32m từ mép nhà ga ra đến cửa máy bay, không được hơn kém”.

Nói “đội giá” là hoàn toàn chủ quan

Liên quan đến vấn đề “đội giá vì muốn giống hoa sen”, tân Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho rằng: “Nói như vậy là hoàn toàn chủ quan, không có cơ sở. Hiện, đã đàm phán với nhà thầu đâu mà biết đắt hay rẻ. Chỉ khi nào đàm phán xong, ra được chi phí tư vấn, lập dự án đầu tư mới biết chi phí thế nào, giờ chưa có giá trị tư vấn, chưa có tổng mức đầu tư, lấy cơ sở gì để bảo đắt. Phương án lựa chọn là hoa sen cách điệu chứ có phải “nặn đúng hoa sen ở mái nhà ga đâu”.

“Khi phương án được chốt, ACV mới bắt đầu đàm phán chi phí tư vấn. Chi phí này có mức chung, tỷ lệ so với tổng mức đầu tư. Khi đã chốt tổng mức đầu tư mới biết đắt, rẻ. Đó là chưa nói đến việc đắt hay rẻ là còn tùy nội thất mình lựa chọn. Hơn nữa, nếu cứ tư duy theo kiểu “thiết kế đẹp, cố giống hoa sen sẽ khiến đội giá” sẽ không bao giờ có Nhà hát vỏ sò - biểu tượng của Úc hay bất kỳ một công trình kiến trúc nổi tiếng nào. Hay như sân bay Incheon của Hàn Quốc, sở dĩ liên tục cả chục năm được bầu là sân bay tốt nhất thế giới, ngoài chất lượng dịch vụ còn do thiết kế cực đẹp của sân bay này”, ông Thắng chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề giá cả, ông Trịnh Như Long nói thêm: “Không có cơ sở để khẳng định tăng thêm chi phí. Ba phương án đều tuân thủ chặt chẽ quy hoạch, không ảnh hưởng đến công năng, năng lực khai thác. Chỉ là phương án thiết kế mái và nội thất khác nhau. Nhưng nói thiết kế đẹp mà khiến tăng chi phí là không đúng. Muốn biết chi phí tăng lên phải biết chênh lệch vật liệu chọn như thế nào”.

“Về vật liệu chọn hiện nay, với mái, cơ bản vẫn chọn vật liệu bền màu dùng sơn để tạo màu sắc. Mái hình nào cũng đều có khoảng không để lấy ánh sáng tự nhiên, có xử lý để giảm bớt hiệu ứng nhà kính, đỡ phải dùng điều hòa”, ông Long nói và cho biết, cứ cho là không cần đẹp, đổ bê tông cả mái thì khi đó, phải tốn thêm tiền điều hòa do hiệu ứng nhà kính, tiền điện do không tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Khi đó thì cái nào đắt, cái nào rẻ?

“Các phương án kiến trúc về mái của sân bay Long Thành nói trên đều rất phù hợp với việc thân thiện môi trường, tận dụng tối đa ánh sáng, hạn chế tối đa tác động nhà kính để giảm thiểu việc sử dụng điều hòa. Những vật liệu sử dụng cho mái sau này ở bước thiết kế và bản vẽ thi công sẽ lựa chọn vật liệu phù hợp với địa phương, trong nước”, ông Long tái khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.