Ảnh minh họa
Hỏi:
Tôi mới lập gia đình và dự định có thai vào đầu năm tới. Tuy nhiên, tôi được biết tiền sản giật là một bệnh lý rất nguy hiểm với thai phụ, vậy có dự phòng được căn bệnh này hay không, thưa bác sĩ?
Nguyễn Hoa Mai (Hà Nội)
Trả lời:
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 10 triệu thai phụ mắc bệnh lý tiền sản giật và hơn 2,5 triệu ca sinh non do tiền sản giật.
Cần phải biết, tiền sản giật là rối loạn thai nghén do huyết áp cao, phù và protein niệu. Bệnh thường bắt đầu từ tuần 20 của thai kỳ và có thể kéo dài đến 6 tuần sau sinh. Nếu không chữa trị sẽ dẫn đến co giật (hay được gọi là sản giật).
Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy vậy tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh.
Hầu hết thai phụ bị tiền sản giật đều phải nhập viện điều trị, thai nhi có nguy cơ sinh non cao. Các trường hợp tiền sản giật có biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ nếu không được điều trị kịp thời.
Tiền sản giật xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai có khả năng dẫn đến sinh non. Một số trường hợp tiền sản giật nặng sẽ khiến rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trường hợp nặng, thai nhi thậm chí có thể tử vong trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, bệnh lý này có thể sàng lọc và dự phòng. Việc điều trị dự phòng các trường hợp nguy cơ cao sẽ giúp giảm gần 70% các trường hợp tiền sản giật nói chung và gần 90% các trường hợp trước 32 tuần.
Cần lưu ý, từ thời điểm tuần 11-14 của thai kỳ, thai phụ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật để phát hiện bệnh kịp thời. 3 bước sàng lọc tiền sản giật bao gồm: Đo huyết áp; Siêu âm đo doppler động mạch tử cung; Lấy máu xét nghiệm. Hiện, tất cả các thai phụ ở tuổi thai 11 tuần 6 ngày - 13 tuần 6 ngày, đến khám tại BV Phụ sản Hà Nội đều được thực hiện sàng lọc miễn phí tiền sản giật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận