Hỏi - Đáp

Cố thủ trong nhà, trốn tránh cách ly Covid-19 có thể bị phạt tù đến 12 năm

27/05/2021, 11:12

Hành vi trốn cách ly, trốn điều trị Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự với mức phạt cao nhất từ 10 đến 12 năm tù.

img

Một phụ nữ ở TP Bắc Giang bị lực lượng chức năng khống chế đưa đi cách ly Covid-19

Thời gian qua, dư luận hết sức bất bình và lên án hiện tượng trốn cách ly, không hợp tác khi lực lượng chức năng đưa đi cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, ngày 23/5, dù lực lượng chức năng TP Hải Dương đã gọi điện báo kết quả xét nghiệm của bà Đ.T.T và chồng là ông L.A.T (địa chỉ 81 đại lộ Hồ Chí Minh, TP Hải Dương) dương tính với Covid-19, đồng thời thông báo thời gian cụ thể để lực lượng chức năng đến đón đi cách ly, điều trị.

Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị trước và phối hợp tốt với lực lượng chức năng, thì vợ chồng bà Đ.T.T cố thủ trong nhà suốt 2 tiếng đồng hồ. Sau khi mất rất nhiều thời gian thuyết phục, lực lượng chức năng mới đưa được cặp vợ chồng này đi cách ly, điều trị Covid-19.

Gần đây nhất, hôm qua (26/5), một phụ nữ ở phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang được xác định là F1 của bệnh nhân Covid-19 nhưng cố thủ trong nhà, buộc lực lượng chức năng phải dùng thang cẩu vào nhà khống chế đưa đi cách ly theo quy định.

Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thì câu chuyện chống đối, cố thủ gây khó khăn cho lực lượng chức năng đang căng mình chống dịch khiến dư luận bức xúc.

Nhìn nhận về sự việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là những hình vi cần phải xử lý nghiêm bởi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

"Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch Covid-19 thì ở đâu đó vẫn có những gia đình, cá nhân thiếu trách nhiệm như vậy thì quả thật đáng lên án. Không những vậy đây là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm minh để làm gương cho những kẻ khác", luật sư Bình nói.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, vì Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, nên mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thực hiện theo Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Theo đó, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

img

Luật sư Diệp Năng Bình

Còn những trường hợp được xác định là mắc Covid-19 nhưng cố tình không đi điều trị, cách ly thì có thể bị xử lý hình sự.

"Tại Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC nêu rõ, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm. Mức phạt cho hành vi này là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm", luật sư Bình phân tích.

Tuy nhiên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác tại Điều 240 như: Phạt tù từ 5 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người; Phạt tù từ 10 - 12 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.

"Như vậy, người không tuân thủ quy định cách ly Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt tù đến 12 năm. Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 240 quy định, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm", luật sư Bình nói là đưa ra lời khuyên đối với người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19 để tránh những phiền phức về pháp lý, vừa chung tay cùng cộng đồng phòng ngừa dịch bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.