Xã hội

Cố tình đổ trộm phế thải giữa Thủ đô vì siêu lợi nhuận

12/10/2020, 09:00

Để tránh mất phí xử lý chất thải và phí vận chuyển, các công ty môi trường tư nhân cứ đổ bừa bãi chất thải ra bất cứ chỗ nào có thể...

img
Một xe hút bể phốt nhà dân tại quận Hà Đông, chiếc xe hút chừng hơn 30 phút sau đó quay ra, đậu ngoài đường Nguyễn Trãi chừng 30 phút rồi quay lại hút tiếp

Nhiều công ty môi trường nhận hút bể phốt và nhiều loại chất thải khác rồi mang đi đổ trộm bất cứ nơi nào có thể. Việc này giúp họ kiếm được lợi nhuận “khủng” vì không phải bỏ tiền ra để xử lý chất thải theo quy định. Trong khi đó, việc xử phạt hiện nay còn rất nhiều bất cập.

Dịch vụ nở rộ, đổ trộm gia tăng

Tại Hà Nội, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp trên các hộp kĩ thuật, cột điện, bờ tường, cửa nhà... từ ngoài phố đến con hẻm sâu đều có dán tờ rơi quảng cáo của các công ty môi trường, số điện thoại về dịch vụ hút bể phốt, xử lý chất thải.

Gọi thử vào số điện thoại dịch vụ hút bể phốt, hầm cầu theo tờ rơi dán trên phố Láng Hạ (quận Đống Đa), PV nhận được tư vấn: “Công ty em có đủ loại xe bồn to, nhỏ hút phân bùn bể phốt, các chi nhánh nằm ở khắp nơi trên Hà Nội, giá hút nhà riêng 200.000 đồng/m3, với cơ quan doanh nghiệp hút nhiều thì giá sẽ tính thấp hơn”.

Nhân viên này cũng “bật mí” sẽ cắt phí hoa hồng nếu người gọi môi giới được việc hút chất thải của các công ty, doanh nghiệp, đồng thời cung cấp đầy đủ hoá đơn VAT khi khách cần.

Các hành vi chôn lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp trái quy định sẽ bị phạt tới 2,5 triệu đồng với cá nhân, 500 triệu đồng với tổ chức. Trong trường hợp chất thải rắn gây nhiễm xạ môi trường mức phạt lên tới hàng tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với những mức xử phạt như vậy thì theo tôi đã tương đối nghiêm khắc và đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì việc xử lý vi phạm chưa thực sự đạt hiệu quả cao bởi gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Cần tăng cường gắn camera giám sát, phát động người dân tố giác để lấy căn cứ xử lý.
Luật sư Phạm Thành Tài (Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh)

“Dịch vụ có mặt 24/24h, bất kể ngày đêm, bảo hành tới 60 tháng...” là lời quảng cáo phổ biến của các cơ sở cung cấp dịch vụ, nhưng không một cơ sở nào đề cập đến thông tin chất thải sau khi hút sẽ được xử lý như thế nào. “Cái đó là phần việc của bên em, anh đừng lo”, nữ nhân viên khẳng định.

Tuy nhiên, theo T.V, một người kinh doanh nghề này chia sẻ: “Quảng cáo vậy thôi, các công ty môi trường tư nhân này sẽ cho người vào thăm dò, ước lượng khối lượng chất thải ở bể và đưa ra tư vấn đường ống ngắn dài, khối lượng nhiều ít. Bình quân 1 xe bồn khoảng 6 khối thì tổng chi phí cũng phải 2,5 - 3 triệu đồng”.

Người này cũng “bật mí”, khi xe bồn vào hút, kể cả khi có mặt chủ nhà thì cũng rất khó biết được khối lượng thực tế đã hút là bao nhiêu.

“Thông thường, khi đưa vòi vào sục bể phốt lên hút được một ít là bảo đầy xe, phải đi đổ, nhưng thực ra chiếc xe sẽ ra ngoài đường nằm chờ rồi lại cho xe vào hút đợt 2 để tính 2 chuyến”, V. Nói.

Khi PV hỏi về việc chất thải sẽ xử lý thế nào, V. bật cười: “Cứ đi ra các vị trí vắng, vườn chuối, ao, hồ, kênh, mương, khu đất, ven đường… rồi xả ra thôi. Nếu đem chất thải đến trạm xử lý theo quy định, thì phải trả chi phí xử lý, vừa phải vận chuyển đi xa, một xe bồn hút được khoảng 6 khối thì mất thêm cả vài triệu đồng nữa”.

Trước đó, đêm 5/10, PV Báo Giao thông đã bám theo xe bồn hút chất thải BKS 29C-439.4x trên xe ghi dòng chữ “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, lần lượt hút chất thải, bể phốt ở một số hộ dân trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông rồi di chuyển đến quận Hoàng Mai và xả chất thải tại một khu đất trên địa bàn phường Trần Phú của quận này.

Đặc biệt, đêm 4/10, PV đã chứng kiến xe bồn hút chất thải BKS 29C-670.6x cũng có dòng chữ: “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp” vào siêu thị Nguyễn Kim (phố Tràng Thi) để hút chất thải. Sau khi hút đầy, xe chạy dọc phố Tràng Thi - Phủ Doãn - Hai Bà Trưng - Bà Triệu - Nguyễn Du rồi bất ngờ dừng lại trên đường Quang Trung và thò vòi xả thải thẳng chất thải xuống hố ga tại địa chỉ 37 phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Qua xác minh từ dữ liệu đăng kiểm, chủ xe bồn BKS 29C-670.6x đứng tên trong giấy đăng kí xe là Công ty TNHH DVVS MT Đô thị Hà Nội, có địa chỉ tại quận Ba Đình,TP Hà Nội. Còn xe ô tô bồn BKS 29C-439.4x là của Công ty CP Vệ sinh môi trường Hà Nội.

Trong tháng 9/2020, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội cũng đã mật phục, bắt quả tang xe ô tô loại 4 chân BKS 29H-110.00 và xe xi téc BKS 29C-049.69 đổ trộm chất thải bùn xuống Đại lộ Thăng Long. Trên hai xe vi phạm đều có dòng chữ “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, dán logo các công ty môi trường, nhưng khi PV tìm về các địa chỉ công ty thì đều không thấy.

Khó xử lý

img
Tờ rơi quảng cáo dịch vụ của các công ty môi trường tư nhân dán khắp nơi

Xác nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thông tin, công ty là đơn vị duy nhất được thành phố đầu tư một trạm xử lý phân bùn, bể phốt công suất 300 tấn/ngày/đêm. Là đơn vị duy nhất trên địa bàn có trạm xử lý phân bùn, nhưng rất ít đơn vị, công ty môi trường tư nhân đến kí hợp đồng với Chi nhánh Cầu Diễn để xử lý chất thải.

“Chi phí xử lý phân bùn bể phốt công ty đang thu theo giá được UBND TP Hà Nội phê duyệt là 120 nghìn đồng/m3. Để không phải mất chi phí này, vừa đỡ mất chi phí vận chuyển đến trạm xử lý, các công ty môi trường tư nhân cứ đổ bừa bãi ra bất cứ chỗ nào có thể. Đây không chỉ là hành vi tận thu lợi nhuận, trốn thuế mà còn gây rất nhiều tác hại đến môi trường”, ông Hoàng Anh nói.

Không chỉ chất thải từ bể phốt, hầm cầu, mà cả chất thải rắn như vật liệu xây dựng, rác, rồi các chất thải nguy hại... đang bị đổ tràn lan trên nhiều tuyến đường, ao hồ, khu đất... của Hà Nội.

Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội, việc đổ trộm chất thải nguy hại, rác thải công nghiệp ra môi trường đã đem lại “siêu lợi nhuận” cho các doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải, trong khi việc xử lý vi phạm này còn khó khăn dẫn đến vấn nạn này chưa được khắc phục triệt để.

“Chế tài xử phạt chủ xe đổ trộm phế thải có thể lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chỉ có lái xe nhận trách nhiệm, chấp nhận xử phạt mức 5-10 triệu đồng theo Nghị định số 155”, vị lãnh đạo này nói và cho biết, quy định cũng cho phép tịch thu phương tiện vi phạm, tuy nhiên, nhiều trường hợp phương tiện không phải của chủ thể xả thải, nên cảnh sát phải định giá phương tiện để phạt mức tương ứng.

“Tuy nhiên, khi lập biên bản mức phạt vài trăm triệu đồng này, thì chủ xe lại không tới làm việc. Việc truy tìm chủ xe cũng không dễ dàng khi các công ty môi trường lập trụ sở trên giấy tờ nhưng hoạt động ở nơi khác, xe bồn hút mua đi bán lại cho nhau không sang tên đổi chủ”, vị này thông tin thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.