Hồ sơ tài liệu

Cố trừng phạt Nga, Mỹ và EU đều thiệt

04/04/2014, 06:59

Việc Mỹ và EU "trừng phạt" Nga có lẽ chỉ hô hào suông bởi mối ràng buộc quyền lợi giữa các bên sâu đến mức khó có thể dứt bỏ trong ngày một ngày hai.

Biển thông báo tỷ giá tiền tệ tại một văn phòng mua bán ngoại tệ tại Sevastopol, Crimea
Biển thông báo tỷ giá tiền tệ tại một văn phòng mua bán ngoại tệ tại Sevastopol, Crimea


Kẻ  sứt đầu


Cùng với quyết định của NATO về việc tạm ngừng toàn bộ hợp tác dân sự và quân sự với Nga do vấn đề Crimea, Chính phủ Mỹ hôm qua cũng thông báo tạm dừng các tham vấn với Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa (NMD). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga hôm qua nhấn mạnh, quyết định của NATO không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và cho việc ngăn chặn các mối đe dọa toàn cầu hiện nay, các thách thức về an ninh của châu Âu và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực chống khủng bố, cướp biển, phòng chống thảm họa thiên tai…”.
 

FIFA vừa thông qua quyết định không tước quyền tham gia VCK World Cup 2014 sắp diễn ra tại Brasil của Nga. Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke đã khẳng định như vậy trong bức thư gửi Thượng viện Mỹ. Trước đó, các nghị sĩ Thượng viện Mỹ đã yêu cầu FIFA không cho đội tuyển Nga tham gia VCK World Cup 2014, cũng như tước quyền đăng cai VCK World Cup 2018 của nước này.

Bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức cho rằng, phương Tây không thể đạt được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt. Bởi, các lệnh trừng phạt đó sẽ tác động tới hơn 6.000 công ty Đức đang đầu tư và kinh doanh tại Nga, cũng như trên 300.000 nhân công nước này phụ thuộc vào mối quan hệ kinh tế với Moscow. 

Mỹ cũng phải trả một giá đắt bởi trước mắt, Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của họ đang phải nhập từ Nga 40% nhu cầu titan vật liệu rất quan trọng cho sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner.


Viện nghiên cứu Oxford Economics nhận định, nếu Nga ngừng cung ứng khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu, GDP của các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro giảm 1,5%, tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%. Cho dù EU đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm nguồn cung khác nhau. Tuy nhiên, vẫn theo Oxford Economics, điều đó sẽ dẫn tới “cuộc chiến khí đốt” trong tương lai. 

Người mẻ trán


Năng lượng vốn là con át chủ bài của Moscow trong cuộc đối đầu này; Nhưng cũng chính dầu khí lại chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu, là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Nga. Do đó, nếu 80% khí đốt xuất khẩu sang EU bị đình trệ thì GDP của Nga giảm 10%. Tính đến cuối tháng 3, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã khiến các nhà đầu tư thoái khoảng 55 tỷ USD khỏi Nga. Thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm từ đầu tháng 3 cùng với đồng Rúp (ruble) trượt giá khiến các nhà phân tích dự đoán Nga đã mất hàng chục tỷ USD mỗi ngày. Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Nga có thể sẽ không tăng trưởng trong năm nay; Thế nhưng, các biện pháp mà EU, Mỹ áp dụng sẽ giống như “tự vác đá ghè chân, khiến họ thiệt hại cả chục tỷ USD.

Thế giới phản ứng đối đầu 


Các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây đang đẩy nền kinh tế thế giới lún sâu vào suy thoái. Nhận  thức rõ vấn đề này nhóm các quốc gia G20 BRICS, hay còn gọi là Nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm: Brasil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi - những nước này phản đối các biện pháp trừng phạt Nga. Thêm vào đó, các nước châu Á, châu Phi dù lên tiếng hay không cũng ngấm ngầm ủng hộ Nga.


Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở La Haye tuần trước, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng, nước này có thể sẽ tẩy chay Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra vào cuối năm nay. Ngay sau đó, các ngoại trưởng BRICS đã cảnh báo Australia về lời đề nghị trên và tuyên bố trong một thông cáo được đưa ra ngay sau đó rằng “Sự leo thang những phát ngôn thù địch, các biện pháp trừng phạt và đáp trả lệnh trừng phạt không phải là một biện pháp vì hòa bình và bền vững theo luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương LHQ”.


Giáo sư Oliver Stuenkel, thuộc Viện nghiên cứu chính sách công toàn cầu tại Brasil bình luận rằng, thông cáo đó đã thể hiện quan điểm chung của BRICS và đó cũng là một “dấu hiệu rõ ràng rằng phương Tây sẽ không thành công trong việc lôi kéo cộng đồng quốc tế đứng về phía mình để cô lập Nga”. Điều này đã được củng cố thêm sau đó khi Trung Quốc, Brasil, Ấn Độ và Nam Phi (cùng với 54 quốc gia khác), bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Đại hội đồng LHQ chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea.

Quang Minh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.