Xã hội

Cổ vũ "mây mưa" nơi công cộng: Thiếu văn minh, vi phạm pháp luật

13/04/2015, 14:59

Clip 51 giây về cặp đôi được đang “mây mưa” trên mái nhà của quán net đã khiến dư luận xôn xao.

may-mua
Hình ảnh cắt từ clip

Mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện đoạn clip dài 51 giây về một cặp đôi được cho là sinh viên đang “mây mưa” trên mái nhà của quán net ở Hà Nội đang xôn xao dân mạng. Đoạn clip khá ngắn và có chất lượng thấp, được quay cách xa nơi diễn ra sự việc.

Nhiều người quan tâm không chỉ về hành vi của cặp đôi kia giữa thanh thiên bạch nhật, mà về hành động cổ vũ của nhóm thanh niên quay clip. Nhóm thanh niên vừa quay clip vừa “thuyết minh” rất hào hứng và vui vẻ. Một thanh niên còn nói to: “Khi nào nó quay ra, tất cả anh em vỗ tay nhá”.

Đoạn clip này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi clip cặp đôi người nước ngoài “mây mưa” trên vỉa hè Hà Nội cũng như những hành động cởi đồ khi cãi nhau, chia tay người yêu càng khiến dư luận xôn xao bàn tán.

Giới trẻ ngày càng thiếu văn minh

Nhiều bình luận trên Facebook đã không khỏi "sốc" vì lối sống của thanh niên hiện nay, thay vì giữ cho mình sự riêng tư trong quan hệ nam nữ thì nay được các bạn lại vô tư thể hiện ở chốn công cộng.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung nhận định đây là điều rất đáng ngại. Thạc sĩ Nhung phân tích: "Thứ nhất, những bạn trẻ trong cuộc đang hơi thiếu văn minh khi thể hiện “hết mọi việc” ở nơi công cộng. Điều này có nghĩa các bạn đang bị thiếu và yếu trong quản lý cảm xúc của mình.

Thứ hai, những bạn quay clip đã khiến cho đoạn clip được truyền rộng rãi hơn. Các bạn trẻ khác khi xem sẽ nghĩ rằng vì sao những bạn kia làm được mà mình không làm được nên dễ bắt chước theo. Cứ thế, hiện tượng này tiếp nối nhau xuất hiện."

Về hành động "reo hò, cổ vũ" của những người quay clip, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Bạn đọc Đông Chí nhận xét: “Thật không hiểu nỗi. Hết quay clip đánh nhau rồi đến cảnh “mây mưa” công khai nơi công cộng, cái gì cũng cổ vũ”.

Anh Lưu Nghiệp Huy (cựu sinh viên trường ĐH Sài Gòn) bức xúc: “Một số người suy nghĩ quá thoáng nên cho rằng không sao, họ không biết hành động quay clip này chẳng khác nào cổ súy cho việc làm xấu”.

Nghiêm trọng hơn, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - cho rằng: "Việc quay những clip có chủ đích và thể hiện sự thích thú là một hành động xúc phạm. Đây là những hành vi thiếu cân nhắc, thiếu kiểm soát, chủ quan, mang màu sắc của sự tấn công, hiềm khích.

Việc một số bạn trẻ phản ứng trước những vấn đề của cuộc sống, thể hiện cái tôi nhanh nhạy là điều đáng có. Tuy nhiên, sẽ đáng quý hơn nếu sự phản ứng ấy có điểm đến, có sự chọn lọc, có cân nhắc, chừng mực..."

Vi phạm pháp luật

Liên quan đến vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội cũng nhận định đây là hành vi phản cảm, lệch lạc với đạo đức, lối sống của xã hội và bị xã hội lên án. Không những thế, hành vi này còn là hành vi vi phạm pháp luật, ít nhất cũng sẽ bị xử lý hành chính.

Trả lời báo Người đưa tin, luật sư Cường cho biết, theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi "Gây mất trật tự nơi công cộng khác sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đôi nam nữ này quan hệ tình dục tại ban công quán Internet trên phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội, vị trí quan hệ tình dục ngay phía trên của biển hiệu quán nét. Với vị trí này thì bất cứ ai qua đường cũng có thể quan sát thấy sự việc nên có thể xử lý theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP nêu trên.

Về việc quay clip rồi phát tán trên mạng xã hội của nhóm trẻ trên luật sư Cường cho biết thêm: Hành vi quay clip rồi tung lên mạng của nhóm thanh niên trên trước tiên là vi phạm các quy định của Bộ luật dân sự về quyền hình ảnh của cá nhân (Điều 31, Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2005).

Hành vi này chỉ mang tính chất hiếu kỳ, không nhằm mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm của đôi nam nữ nên có thể không bị xử lý về tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 BLHS nhưng cũng có thể xem xét về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 253 Bộ luật hình sự. Nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cũng có thể xử lý hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi xâm phạm trật tự công cộng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.