Bạn cần biết

Coi chừng chết vì... say nắng

28/05/2015, 03:21

Khi ở ngoài trời nắng nóng quá lâu, mọi người đều có nguy cơ bị say nắng. Nhẹ thì mệt mỏi, hoa mắt

52

Làm việc lâu ngoài thời tiết nắng nóng khắc nghiệt rất dễ bị say nắng

Khi ở ngoài trời nắng nóng quá lâu, mọi người đều có nguy cơ bị say nắng. Nhẹ thì mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu...; nặng có thể gây đột quỵ, để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.

Đột quỵ, di chứng thần kinh vì... say nắng

Bác sỹ Phạm Đức Huy, Phó giám đốc bệnh viện GTVT T.Ư kể, đợt nắng nóng đầu hè, nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 38oC, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ và đã tử vong sau khi nhập viện ít phút. Thông tin từ người nhà, bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, ít tham gia thể thao. Tuy nhiên, vui bạn bè nên anh đã nhận lời tham gia đá bóng khi ngoài trời nắng, nhiệt độ rất cao. Trận đấu chưa kết thúc thì anh đã gục ngay trên sân bóng.

“Những ngày nắng nóng, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân say nắng. Các bệnh nhân này nhẹ thì mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, nặng thì đột quỵ, thậm chí tử vong. Các trường hợp tử vong do say nắng thường kết hợp với nền bệnh huyết áp cao”, bác sỹ Huy cho biết.

"Nếu nhà bạn không có quạt hoặc điều hòa, hãy cố gắng dành tối thiểu 2 giờ/ngày trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày để tới môi trường có điều hòa như: siêu thị, bưu điện, khu vui chơi trong nhà... Tại nhà, cần đóng cửa, che rèm trong thời gian nóng và mở cửa sổ vào ban đêm để tạo thông thoáng”.

Bác sỹ Lương Quốc Chính
(Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai)

Ba tuần trước, anh Nguyễn Thanh Lâm (41 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện cấp cứu vì say nắng sau khi cố hoàn thiện nốt việc sửa tấm nhiệt (máy làm nước nóng) cho khách hàng giữa trưa nắng. “Vừa bước chân xuống khỏi bậc thang cuối, mình không còn biết gì nữa. Đồng nghiệp đi cùng kể, thấy mình co giật, sùi bọt mép thì vội vàng đưa đi cấp cứu. Bác sỹ nói mình bị say nắng, may mà cấp cứu kịp”, anh Lâm nói.

Những ngày nắng nóng, các bệnh viện đều tiếp nhận không ít những ca cấp cứu do say nắng, sốc nhiệt. Theo bác sỹ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, sốc nhiệt còn gọi là say nắng là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi, nhưng cũng không loại trừ với những người trẻ khỏe.

“Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Khi đó, nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40oC với các biến chứng liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện sau tiếp xúc với nhiệt độ cao. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê”, bác sỹ Chính cho biết.

Biến chứng nghiêm trọng nếu không cấp cứu kịp thời

Theo bác sỹ Chính, bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt cần được chuyển ngay vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt, đau bụng, đau ngực, khó thở... thì phải nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

“Nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân say nắng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như: tụt huyết áp, tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ đường huyết, tăng uric máu, rối loạn đông máu, mất trí nhớ…”, bác sỹ Chính cho hay.

Để tránh say nắng, sốc nhiệt, các bác sỹ khuyên mọi người không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng, tránh các hoạt động thể lực quá sức; đặc biệt là người già và trẻ em. Khi bắt buộc phải ra ngoài nắng, cần mặc quần áo rộng, nhẹ, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30. Nếu phải tham gia giao thông ngoài trời nắng trong thời gian một vài tiếng đồng hồ, tốt nhất nên sử dụng ô tô riêng, ô tô khách, xe buýt, tàu hỏa...

Với người phải làm việc thường xuyên ngoài trời nắng, cần mặc quần áo, đội mũ dày, kèm theo khẩu trang, kính… và uống nhiều nước; đồng thời có chế độ nghỉ ngơi sau 45-60 phút làm việc, mỗi lần nghỉ chừng 10-15 phút. Các bác sỹ cũng khuyên mọi người khi đi nắng, làm việc dưới nắng nên uống nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây...thường xuyên ngay cả khi chưa thấy khát.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.