70 năm truyền thống ngành GTVT

Cội nguồn “đất tổ” Bộ GTVT ở chiến khu Việt Bắc

16/02/2015, 08:01

Những ngày đầu thành lập, trụ sở của Bộ Giao thông Công chính (GTCC) ở chiến khu Việt Bắc liên tục phải di chuyển.

181
Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm ngành GTVT bên tấm bia ghi dấu nơi ở và làm việc của Bộ Giao thông và Nha Công chính năm 1951 ở thôn Móc Dòm, xã Tiên Sinh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

Những ngày đầu thành lập, trụ sở của Bộ Giao thông Công chính (GTCC) ở chiến khu Việt Bắc liên tục phải di chuyển. Giờ đây, những dấu tích còn lại của cơ quan đầu não của Bộ GTCC gần như chỉ còn được lưu giữ trên những tấm bia đơn sơ hoặc trong trí nhớ của một số người từng gắn bó với căn cứ địa đầu tiên này.

Cứ địa cho thời kỳ tổng phản công

Ở tuổi 93 nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Bình Tâm vẫn vẹn nguyên những ký ức một thời gắn bó với căn cứ địa Cách mạng Việt Bắc. Vào những năm 1953, ông là Trưởng đoàn xe ô tô của Bộ GTCC. Năm 2005, ông Bình Tâm cũng là người đầu tiên dẫn đoàn lãnh đạo của Bộ GTVT quay lại căn cứ, nơi khai sinh và đặt trụ sở đầu tiên của ngành tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Đây là nơi cơ quan Bộ GTCC đặt trụ sở từ năm 1947 - 1950, đây cũng là thời điểm bốn năm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, cùng cán bộ, lãnh đạo của ngành làm việc, chỉ đạo toàn ngành tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Nguyên Thứ trưởng Bình Tâm nhớ lại, trong gần bốn năm ở vùng căn cứ này, cơ quan đầu não của Bộ GTCC lên kế hoạch khôi phục, làm mới hàng trăm con đường, cây cầu, bến phà... để mở đường cho quân ta thực hiện các chiến dịch và cuối cùng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng ở đây đã ban hành nhiều quyết định tổ chức các công trường lớn như: Công trường mở đường 13 từ Nghĩa Lộ đánh thông đến tận sông Đà, công trường 111 mở đường từ biên giới Việt - Trung ở Lạng Sơn về trung tâm chiến khu Việt Bắc tại Thái Nguyên.

Kể về lý do chọn địa điểm Móc Dòm là nơi quan trọng nhất của cụm di tích, ông Tâm bảo: “Đây là nơi từng đặt trụ sở và cũng là nơi lãnh đạo Bộ đưa ra nhiều quyết định quan trọng, mang lại nhiều chiến công nhất. Tại đây, cơ quan Bộ đã đặt trụ sở trong hai năm 1947 - 1949. Sau đó chuyển về Hàm Yên, một địa điểm vùng cao cuối cùng của Tuyên Quang. Tuy nhiên, ở Hàm Yên quá xa với Chính phủ đặt tại Tân Trào nên đến năm 1952 lại chuyển về Kháng Nhật cho đến khi giải phóng Điện Biên (1954) thì chuyển về Hà Nội”.

Những dấu tích về ngày ấy giờ đây phần lớn chỉ còn nằm trong trí nhớ của những người đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” và được định vị ở những mốc thời gian quan trọng và ý nghĩa. Như sự việc ông bà Lê Dung (nguyên Thứ trưởng) đã làm khai sinh cho con trai ở xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương từ năm 1953. Ông bà Nguyễn Văn Tiến cũng là cán bộ công tác ở cơ quan Bộ GTCC đã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con trai đầu ở thôn Móc Dòm, xã Tiên Sinh, huyện Sơn Dương vào năm 1951.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ đã đến công tác ở Bộ GTCC từ năm 1949 thì cơ quan đầu não của Bộ GTCC rời Hà Nội lên Móc Dòm từ đầu năm 1947. Nhằm chuẩn bị khôi phục cầu đường cho quân đội ta mở các chiến dịch lớn, Bộ GTCC sau đó lại chuyển về xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương vào cuối năm 1952. Tại đây, cơ quan Bộ GTCC đã phát triển nhanh chóng, nhiều cán bộ được bổ sung, trong đó có nhiều người được đào tạo từ nước ngoài về. Trạm liên lạc cán bộ đặt gần cầu Trầm luôn đón tiếp khách đông đúc.

Giờ đây, những dấu tích xưa đã phai mờ, những tên xã như Tiên Sinh trước đây giờ đã hợp nhất thành xã mới là Tuân Lộ. Ông Tâm cho biết thêm, lần về lại chiến trường xưa năm 2005, ông có gặp lại một số cụ đã ngoài 70 tuổi để tìm hiểu về cơ quan Bộ GTCC đóng ở đây.

Cụ Hoàng Trường, nguyên Bí thư Đảng ủy xã đã dẫn đoàn đến nhà các cụ Hoàng Văn Huệ và Lương Tiến Lâm (78 tuổi). Các cụ chỉ cho chúng tôi nơi đồi cao có ngôi nhà lá. Cụ Huệ thường đem các con thú săn được bán cho anh em trong cơ quan. Tại đây, ngày đó là bếp ăn tập thể. Trước cửa nhà cụ Lâm là giếng nước tập thể cơ quan.

Anh Tiến cũng chỉ lên trên lưng chừng đồi, nơi xưa kia rừng cây um tùm, có sân bóng chuyền. Anh nhớ lại, cơ quan tổ chức giải bóng chuyền để kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 60 của Bác (ngày 19/5/1950).

182

Đoàn viên Thanh niên Bộ GTVT chăm sóc cây xanh tại khu di tích Móc Dòm

Ký ức những ngày nuôi chí bền

Là trưởng đoàn xe từ năm 1953, ông Bình Tâm lãnh trách nhiệm nặng nề là đi tìm nhân lực vận hành 130 xe ô tô do Liên Xô viện trợ, phục vụ chiến dịch. Lúc mới thành lập, nhân lực gần như chưa có gì. Ông Tâm phải lặn lội khắp các tỉnh phía Bắc, từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An… để tìm những người có kinh nghiệm về kỹ thuật hoặc từng lái xe. Lúc ấy gom đủ lái xe, phụ xe cho 130 phương tiện không phải dễ.

Chiến trường đang thời kỳ chuẩn bị tổng tiến công, do tìm không đủ quân nên cuối cùng đành phải thành lập trường đào tạo và tuyển lái xe là người ở những tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Phú Thọ. Sau này có những đợt tản cư từ Hà Nội lên, việc gom người mới thuận lợi hơn.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đã chính thức ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập Bộ GTCC. Nhân sĩ yêu nước Đào Trọng Kim được giao giữ chức Bộ trưởng. Bộ GTCC là một trong 13 bộ thuộc Chính phủ lâm thời sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 6/1/1946, nhân dân cả nước tham gia bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Bộ GTCC trực thuộc Chính phủ, do ông Trần Đăng Khoa làm Bộ trưởng.

Có một con đường mà ông Tâm không thể quên khi nhớ về những ngày ở Sơn Dương, đấy chính là suối Trầm. Để bảo đảm bí mật, không để lại dấu vết, tất cả cán bộ tại căn cứ đều được yêu cầu sử dụng suối Trầm làm đường đi.

Vì thế, đây là con đường chính dẫn vào cơ quan Bộ GTCC trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ chân đèo Khế (phía Sơn Dương) là cửa ngõ đón khách vào đến cơ quan Bộ còn phải mất 2 giờ lội suối Trầm mới tới nơi.

“Lội suối có chỗ đá cuội, có chỗ đá đầu sư, bỏ dép cao su đi chân không thì đau, đi dép thì tụt quai, trẹo chân. Từ Bộ trưởng Trần Đăng Khoa dáng vẻ gầy yếu đến các chị, các bà bàn chân nhỏ bé, trắng muốt cũng phải lội suối, thường phải kèm theo cái gậy cho đỡ trơn”, ông Tâm kể.

Cơ quan Nha Giao thông trong khu rừng thưa, thoáng đãng và gần suối. Có vài nhà nhỏ dành riêng cho gia đình anh Lê Dung (Thứ trưởng), anh Bùi Văn Các (Giám đốc Nha), anh Lê Khắc (Phó giám đốc) và một số cán bộ khác. Cơ quan có bếp ăn tập thể, cơm thường độn sắn, muối vừng, cá khô, rau sắn, rau rừng.

Nhà làm việc đồng thời là nơi ở của cán bộ, nhà khách là hai dãy sạp nứa dài, mỗi người một chiếu cá nhân, màn khách tự túc mang theo. Ở đây có xà đơn để tập thể dục, có suối trong mát, có đài nghe tin tập thể.

Dấu tích giữa núi rừng Việt Bắc

Vào những ngày cuối năm 2014, chúng tôi có cuộc hành trình về nguồn, nơi Văn phòng Bộ GTCC ngày ấy đã đặt trụ sở. Khu di tích Móc Dòm (xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nằm trên sườn núi lẫn vào những nương sắn của bà con. Vì thế, ít ai nghĩ nơi đây từng một thời là vùng cứ địa quan trọng của Cách mạng. Đường dẫn lên khu di tích là tấm biển “Khu di tích trụ sở ngành GTVT”.

Đi sâu vào khoảng một cây số là khuôn viên rộng rãi bên một con suối. Theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang, đây chính là địa điểm mà Bộ GTCC đặt trụ sở làm việc trong giai đoạn 1947 -1954 khi sơ tán từ Phúc Yên lên.  

Cách đấy vài cây số tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh là một điểm di tích nữa. Để đến đây phải đi qua khu di tích truyền thống của Nha Công an Trung ương (Bộ Công an) được xây dựng khá đồ sộ. Rất khó khăn chúng tôi mới tìm được tấm bia bê tông lẫn trong đám cỏ rừng. Trên tấm bia có ghi dòng chữ “Địa điểm ở và làm việc của Bộ GTCC từ năm 1947 - 1951”.

Theo đường chim bay cách đó không xa tại thôn Cầu Trắng, xã Hợp Thành cũng có một tấm bia đang nằm trong khu vườn của một hộ dân đánh dấu địa điểm làm việc của Bộ Giao thông và nha Công chính trong năm 1951.

Theo ông Phạm Văn Quang, tất cả các địa điểm di tích này đều được dựng bia, ghi dấu trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành. Đây cũng là những địa điểm đã được lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất sẽ chọn làm địa điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT vào tháng 8/2015.

Rời mảnh đất Sơn Dương để đến nơi Bác Hồ công bố Sắc lệnh số 72 thành lập Cục Vận tải ô tô trực thuộc Bộ GTCC tại Đại Từ (Thái Nguyên), chúng tôi đi qua cả một vùng cứ địa cách mạng trước đây như: Sơn Dương, Định Hóa, Đại Từ. Suốt quãng đường ấy, những thế hệ hậu sinh của ngành GTVT như cảm nhận phần nào không khí cách mạng và cuộc sống của những thế hệ cha anh trong những ngày đầu tiên đặt viên gạch nền móng cho ngành GTVT phát triển như ngày hôm nay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.