Chuyện dọc đường

“Cởi trói” cho kinh tế thị trường

15/05/2017, 10:15

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 gần như không thay đổi so với tháng 3.

13

Nhiều đổi mới, cải cách kinh tế tại Hội nghị T.Ư 5 khóa XII sẽ tạo đà phát triển tốt cho doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân - Ảnh: Tạ Tôn

Một trong những nguyên nhân quan trọng là bởi giá thịt lợn - thực phẩm thiết yếu trong rổ hàng hóa tính CPI - đã giảm mạnh thời gian qua. Đến mức, khắp bộ, ngành, địa phương rầm rộ phát động phong trào “giải cứu lợn”.

Lợn không phải là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên được hô hào giải cứu. Trước đó, người người, nhà nhà đã tham gia giải cứu hết dưa hấu đến tỏi, hành... Dù là nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp, song người nông dân Việt Nam luôn phải gánh chịu rủi ro với điệp khúc “được mùa - mất giá”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là do nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung vẫn phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm, chỉ chạy theo lợi ích trước mắt mà không đầu tư bài bản và đặc biệt là không vận hành theo cơ chế thị trường mà nặng tư duy bao cấp.

Trong đó, có thể nói, chính tư duy “giải cứu” cũng là một trong những biểu hiện của tư duy bao cấp đó. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, khi những toan tính sai lầm được cứu, hệ luỵ sẽ là những thị trường khác và có thể là cả nền kinh tế. Tâm lý được cứu sẽ dẫn tới những hành vi thiếu cân nhắc - điều quan trọng dẫn đến rủi ro hệ thống.

Giữa thực trạng đó của nền kinh tế, Hội nghị T.Ư 5 vừa qua đã xác định rõ ràng hơn về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cụ thể, đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN, hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…

Cùng đó, hội nghị cũng xác định rõ ràng hơn về vai trò DNNN, đồng thời nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, từ đó xóa bỏ mọi định kiến, cởi bỏ mọi rào cản để tư nhân phát triển.

Để đi đến sự chuyển động về tư tưởng, đưa vào nghị quyết rồi từ đó cụ thể hóa thành những văn bản pháp quy, chúng ta phải mất một chặng đường khá dài. Trong khi đó, các nước phát triển đều đã có nền kinh tế thị trường 200-300 năm. Để có thể bắt nhịp với nền kinh tế thế giới, chúng ta không cách nào khác phải đi nhanh hơn, mạnh dạn hơn, rút ngắn dần khoảng cách. Muốn vậy, nhất thiết phải tạo ra một không gian cho những người có trách nhiệm dám nghĩ, dám hành động, trên cơ sở công khai, minh bạch và động lực chính đáng. Và điều đó phải được thể chế hoá, luật hoá, sao cho có thể quản trị tối đa rủi ro mà vẫn khuyến khích được những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước.

Cùng đó, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, lựa chọn ngành, hàng làm trọng tâm, thúc đẩy. Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải nâng cao trình độ quản lý, áp dụng mạnh công nghệ thông tin vào quản lý; Cùng với các yếu tố nhân lực, thể chế, đầu tư hạ tầng để tạo động lực mạnh hơn trong phát triển kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.