Chất lượng sống

Cơm chay “tùy hỷ” ấm lòng lao động nghèo ở Sài Gòn

01/10/2019, 16:13

Sài Gòn có nhiều quán cơm chay từ thiện chủ yếu bán ngày rằm và mùng một hàng tháng (Âm lịch) nhưng quán Cường Béo ngày nào cũng có.

img
Quán cơm Cường Béo tại hẻm 151/4 Tôn Thất Đạm, quận 1

Quán cơm chay xã hội Cường Béo nằm trong con hẻm nhỏ 151/4 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM), nhiều năm qua trở thành địa chỉ cơm trưa quen thuộc của hàng ngàn người nghèo. Hiện mỗi ngày trung bình có khoảng 70 người ghé ăn. Riêng ngày rằm và mùng một hàng tháng, số lượng tăng lên gấp đôi và hơn nữa…

Trưa 30/9, chúng tôi ghé quán. Dù chưa đến 11h nhưng đang có hơn 20 khách ăn, chủ yếu là người lao động nghèo, chạy xe ôm, bán vé số và sinh viên.

Em Nguyễn Toàn Thanh, sinh viên trường Cao đẳng Cao Thắng (quận 1) chia sẻ: “Gia đình tụi em hầu hết nghèo, sống ở quê, như em nhà tận Đồng Tháp. Mấy năm qua, em ở trọ bên quận 4, trưa nào em cũng ghé đây ăn cơm. Nhờ đó, em tiết kiệm được tiền dành cho học hành. Cơm ở đây ngon không thua gì những quán bên ngoài. Em hy vọng quán ngày càng phát triển để giúp những học trò nghèo xa nhà như tụi em. Mai mốt ra trường có việc làm, em sẽ trích tiền lương mua gạo đến góp cho quán…”.

Chủ quán cơm chay Cường Béo là ông Vũ Quốc Cường (SN 1975) sinh ra lớn lên tại Sài Gòn, có 4 cô con gái đều học giỏi. Quán là căn nhà của người cô họ cho ông mượn để cả gia đình sinh sống. Mặt bằng rộng khoảng hơn 20m2 đặt được 6 chiếc bàn phục vụ khoảng 30 khách ngồi kín. “Tôi không giàu có nhưng xin góp một phần nhỏ cho cuộc sống những người nghèo bớt vất vả, nhọc nhằn, vơi đi lo âu…”, ông Cường chia sẻ.

img
Ông Cường tự tay vào bếp chế biến các món ăn chay phục vụ khách
img
Diện tích nhà nhỏ hẹp vừa là nơi sinh hoạt của gia đình ông Cường, vừa là nơi bán hàng mỗi ngày

Ở ngay trung tâm quận 1 nhưng hàng chục năm qua, nhà ông Cường không có cửa. Vừa bán cơm cho khách, ông Cường cười tươi: “Chị thấy đó, nhà tôi chẳng có đồ đạc giá trị nên trộm vào cũng chả có gì để lấy ngoài thức ăn chay…”.

Ông Cường cho biết, mỗi ngày phải có từ 5 - 9 món, gồm: canh, chiên, kho, dưa chua, món xào, luộc, thỉnh thoảng còn có cả chuối và sữa đậu nành. Quán phục vụ từ 10h - 16h hàng ngày. Có được bữa cơm trưa ngon cho khách, mỗi ngày vợ chồng ông phải dậy từ 4h sáng ra chợ đầu mối mua thực phẩm sạch tận gốc về chế biến. Vợ chồng ông phải thuê thêm 2 người phụ quán với mức lương 4 triệu/người/tháng. Tất cả khách đến phục vụ như nhau. Khách ăn xong tuỳ tâm, bỏ vào thùng bao nhiêu cũng được.

“Ai không có tiền cũng không sao, cứ no bụng đã, hôm sau tính tiếp. Bù lại có những người đến ăn xong bỏ vào thùng số tiền gấp nhiều lần giá trị phần cơm. Có bữa thiếu, bữa dư nhưng bù qua tính lại quán đủ chi phí phục vụ bà con nghèo ngon miệng…”, ông Cường vui giọng.

Theo ông Cường, những ngày rằm, mùng một trung bình quán bán qua điện thoại hàng trăm hộp cơm cho các văn phòng công ty gần quán. “Bán cơm hộp gần như cho không bởi chi phí hộp, bịch chiếm hơn một nửa số tiền cơm. Nhưng cách tính tiền “tùy hỷ” như trên nên quán cũng không lo gì nặng. Tôi luôn ao ước có thêm khả năng mở rộng quán ở những nơi khác để phục vụ bà con nghèo tốt hơn…”, ông Cường chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.