Hồ sơ tài liệu

Con bài đất hiếm của Trung Quốc

05/07/2014, 08:03

Trung Quốc đang thao túng thị trường đất hiếm thế giới. Với tư cách là nước cung cấp lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, nước này đang có những âm mưu riêng...

Do có đặc tính vật lý quang điện từ tốt, có thể kết hợp với các vật liệu khác tạo thành vật liệu mới đa dạng về chủng loại và tính năng, đất hiếm đã trở thành nguyên liệu quan trọng của nền công nghiệp hiện đại, nhất là trong các lĩnh vực như chế tạo vũ khí, công nghệ thông tin, sinh học, điện - điện tử, hạt nhân, quang học, vũ trụ, vật liệu siêu dẫn, luyện kim, gốm sứ kỹ thuật cao...

“Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”

Đất hiếm không quá “hiếm” nhưng do nhu cầu ngày càng cao, lại rất ít khi được tìm thấy trong dạng sạch mà thường lẫn với các loại khoáng vật khác; mặt khác, do việc cung cầu đất hiếm đang diễn ra bất cập đã tạo cơ hội cho Trung Quốc thao túng trên thị trường thế giới. 

Trung Quốc là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 55% tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng khống chế khoảng 95% sản lượng đất hiếm xuất khẩu của thế giới. Vị trí của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm thế giới được giới doanh nhân Trung Quốc mô tả “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”. Do vậy, Trung Quốc gần như độc quyền đối với loại nguyên liệu này. Thứ hai, vì nhiều nguyên nhân, Mỹ và châu Âu đã giảm đáng kể cả sản lượng và thị phần đất hiếm trên thị trường thế giới, trong khi Trung Quốc trở thành quốc gia chủ yếu cung cấp nguyên liệu đất hiếm trên phạm vi toàn cầu.

Đất hiếm giữ vai trò quan trọng
Đất hiếm giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như chế tạo vũ khí, công nghệ thông tin, sinh học, điện - điện tử, hạt nhân, quang học, vũ trụ, vật liệu siêu dẫn, luyện kim, gốm sứ kỹ thuật cao... 

Ngoài nguồn lợi thu được do giá đất hiếm tăng cao, Trung Quốc còn hạn chế xuất khẩu đất hiếm, buộc các nước phải tính đến việc mua trực tiếp từ Trung Quốc những sản phẩm công nghệ cao hoàn chỉnh, thay vì mua nguyên liệu đất hiếm. Theo cách này, Trung Quốc sẽ bán được nhiều hơn những hàng hóa có liên quan đến thành phần đất hiếm. Hơn nữa, Trung Quốc còn có thể can thiệp vào chiến lược phát triển kinh tế của các nước phụ thuộc vào nguồn đất hiếm của mình.

Năm 2009, Trung Quốc đã dự thảo kế hoạch cấm xuất khẩu 5 loại đất hiếm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ý tưởng này đã phải gác lại. Đầu năm 2012, Trung Quốc quyết định dừng hoạt động khu mỏ chính Baotou ở Nội Mông (chiếm khoảng 47% sản lượng đất hiếm của Trung Quốc), nhằm “bình ổn” giá cả thị trường. Theo tính toán, một tháng dừng hoạt động tại khu mỏ Baotou, cũng có nghĩa là thị trường thế giới mất đi 5.000 tấn đất hiếm và đẩy giá đất hiếm tăng nhanh hơn.

Về dài hạn, Trung Quốc có ý định kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành khai thác đất hiếm của Trung Quốc. Qua đó, Trung Quốc hy vọng phát triển nền công nghiệp của mình dựa trên những bí quyết công nghệ và kinh nghiệm của nước ngoài, nhằm tăng cường năng lực công nghệ nội địa và bán ra thế giới những loại hàng hóa có giá trị cao thay vì nguyên liệu thô có giá trị thấp.

Mèo nào cắn mỉu nào?

Chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước chính sách độc quyền của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm là các nước lớn ở châu  Âu, Mỹ và Nhật Bản. Gần đây, EU và Mỹ đã rất nỗ lực để thuyết phục WTO trừng phạt Trung Quốc vì “chính sách phi thương mại của Trung Quốc”. Mặt khác, bắt đầu tập trung đầu tư tăng sản lượng khai thác từ các mỏ mới. Nhật Bản, nước nhập khẩu tới 82% lượng đất hiếm, chọn hướng đi là tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ vật liệu từ tính hiệu suất cao thay thế cho đất hiếm; tìm cách tăng nguồn cung nguyên liệu đất hiếm từ một số nước có trữ lượng đất hiếm lớn như Úc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia,  Mông Cổ, Kazakhstan, Nam Phi…

Đầu năm 2013, các nhà khoa học Nhật Bản thông báo họ phát hiện dấu hiệu của đất hiếm tại một khu vực dưới đáy Thái Bình Dương gần đảo Minamitori, cách thủ đô Tokyo khoảng 2.000 km. Kết quả phân tích những mẫu bùn cho thấy hàm lượng đất hiếm ở khu vực này cao gấp 10 lần so với hàm lượng đất hiếm ở bờ biển Hawaii, Mỹ và gấp từ 20 tới 30 lần so với các mỏ đất hiếm của Trung Quốc.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong ngắn hạn, các nước có nhu cầu cao về đất hiếm vẫn phải tìm cách thương thảo với Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung cho các ngành công nghiệp hoạt động bình thường. Về phần mình, Trung Quốc cũng không thể không xuất khẩu loại hàng hóa này. Mặt khác, có thể Trung Quốc khống chế nguồn tài nguyên đất hiếm song không hẳn họ có quyền định giá, vì loại đất hiếm quan trọng nhất là Re2O3 đang có hiện tượng cung vượt cầu: nhu cầu hàng năm của thế giới là 80.000 tấn Re2O3, trong khi riêng Trung Quốc đã sản xuất 180.000 tấn.

Bản thân Trung Quốc ngày càng cần nhiều đất hiếm cho các ngành công nghiệp của mình và do đó sẽ phải giảm bớt lượng dành cho xuất khẩu. Điều này cũng thúc đẩy các nước tìm kiếm giải pháp đảm bảo nguồn cung đất hiếm theo hướng chủ động hơn. Do vậy, thị trường đất hiếm sẽ tiếp tục nóng bỏng hơn trong những năm sắp tới.

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.