Xem - ăn - chơi

Con dâu nhặt

17/09/2017, 14:06

Cái tin thằng Khoa muốn cưới con Hà làm bà Sáu liểng xiểng. Gái tơ đầy đường, việc gì nó lại phải đâm đầu...

30

Minh họa: Đ.Điều

Thế là Hà đã bồng con bỏ đi. Không còn nghe tiếng trẻ nhỏ khóc i ỉ nữa. Những âm thanh đặc trưng của pha sữa, thu dọn quần áo, bước chân đi của Hà vào những đêm bé Na quấy ngủ đã thật sự biến mất. Phòng kế cận, đám công nhân ở trọ râm ran trước sự kiện bất ngờ.

Phía sau, mấy thằng sinh viên cũng đang bàn tán. Hả hê, tối nay không phải nghe lục cục, nheo nhéo suốt nữa. Êm ả quay về rồi. Thằng Khoa sướng thật, giờ trở lại là trai độc thân, không vợ không con. Vợ bỏ thì có, chứ vui sướng gì. Ôi, thì vợ bỏ hay bỏ vợ thì cũng có khác gì nhau. Cũng đều mang lại tự do muôn năm đấy thôi. Úi trời, nhìn cảnh vợ đẻ, con đau, tiền bạc túng thiếu mà khiếp quá, bố bảo cũng không dám lấy vợ. Mày nhớ nhé, sau này thằng nào mời đám cưới tao thì tao coi như không biết đâu đấy nhé. Là nói vậy, chứ cũng phải nếm mùi đời với người ta chứ, mày trù ẻo tao ở giá đấy à?

Thằng Khoa, nhân vật chính trong đoạn hội thoại ở trên thì vẻ mặt vẫn khó đoán như nào giờ. Đúng hơn, đó là nét lì lì, ít cảm xúc, không mấy khi nói cười, dù khá điển trai. Mắt to, mũi cao và hỉnh, theo tướng tá sẽ là làm bao nhiêu nuôi gái ăn hết. Đôi bàn tay với những ngón dài sượt, có vẻ giống như nghệ sỹ, dù Khoa đích thị là con nhà lao động.

“Gái” nào có ăn được đồng tiền thằng Khoa làm ra không, chứ con Hà thì chắc đã chẳng xơ múi gì. Ngày quen thằng Khoa, con Hà đã là gái có chồng, con dâu nhà người. Chồng nó chết hơn năm vì căn bệnh quái ác. Nó vẫn sống ở nhà chồng, trong căn phòng rộng chưa đầy mười mét vuông chứa đầy đồ đạc và bám đầy bụi, dù mỗi ngày lau dọn cũng vẫn mang cảm giác âm ẩm, mốc mốc.

Rồi con Hà quen thằng Khoa. Đúng hơn, cả hai đứa bị hút vào nhau như thỏi nam châm gặp sắt tốt. Cái vẻ bề ngoài bảnh bao, cộng thêm một chút lạnh lùng không cố ý của thằng Khoa làm Hà mê mẩn. Nó đã cô đơn quá lâu để khao khát một sự đổi thay rồi.

Thằng Khoa thì bị nét mặn mòi của người đàn bà từng trải qua một lửa quyến rũ. Con Hà không đẹp, nhưng nó hơn hẳn những đứa con gái cùng trang lứa mà thằng Khoa từng quen biết. Vì nó là đàn bà. Nó có cái dạn dĩ của đàn bà. Có cái hơi ấm của đàn bà, có vòng tay đàn bà với những ngón tay đầy ma lực, chạm vào là rạo rực. Những đụng chạm cố ý khi hai đứa ngồi bên nhau trong quán nước đi vào giấc ngủ đầy mộng mị của thằng Khoa.

Cái tin thằng Khoa muốn cưới con Hà làm bà Sáu liểng xiểng. Gái tơ đầy đường, việc gì nó lại phải đâm đầu vào cái mụ nạ dòng đấy chứ. Bà nuôi con lớn để cưới vợ cho đàng hoàng, chứ đâu phải để vạ vật đâu đó cũng rước về. Bà phẫn nộ. Bà tức giận. Bà cằn nhằn cử nhử. Bà xài xể con Hà đủ điều trước mặt thằng Khoa. Nó có gì đẹp, có gì hay kia chứ. Mới nứt mắt đã một đời chồng. Dù gì mình cũng có nhà có cửa. Lại là trai tân. Mày không thấy mình ngu, bị thiệt thòi hay sao? Con ơi là con. Sao lại si mê, dại dột như thế. Sao mày lại cứng đầu cứng cổ không biết mở mắt ra như vậy?

Thằng Khoa tuyên bố sẽ không bao giờ lấy ai khác ngoài con Hà. Rốt cuộc, bà Sáu cũng phải nhượng bộ. Nhưng bà chẳng đến nỗi nào phải tức tối. Vì thằng Khoa có vợ, bà có con dâu mà chẳng tốn chút gì. Con Hà dọn về căn phòng trọ bà vừa lấy lại, sống chung với thằng Khoa đơn giản và lẹ làng như một cô vợ nhặt. Chỉ một vali quần áo rẻ tiền. Vậy thôi. Nó mau mắn gọi ba ba, mẹ mẹ, em em. Như thể đã là người nhà từ kiếp trước.

Nhà bà Sáu làm nghề mộc, giờ bỗng thêm một miệng ăn, vốn chẳng có nghề nghiệp gì cho ra hồn. Hàng ngày, tiền chợ, tiền nước, tiền cơm áo gạo tiền nhà bà phụ thuộc vào lượng bụi gỗ bay mù trời nhiều hay ít, phụ thuộc vào những sản phẩm thủ công mà ông Sáu và hai đứa con trai ăn nhiều làm ít tạo ra. Không dư, nhưng cũng đủ để đắp đổi qua ngày.

Rồi cũng nhanh chóng và đơn giản như ngày nó đến, Hà có bầu. Thằng Khoa vẫn vô tư ngủ nướng, lười nhác phụ ông Sáu làm việc. Nó vẫn hăng hái và vội vã gắp lấy gắp để những miếng ngon nhất trên mâm cơm. Mâm cơm nhà bà vốn đa dạng và phong phú, nhưng ít ỏi, nghèo thịt cá. Muốn trôi hết nồi cơm đầy ắp đó, phải nhìn nhau mà gắp. Thế nhưng, ở nhà bà hầu như chẳng ai có những khái niệm đó. Cơm dọn ra, vội vã ngồi xuống, rào rào gắp gắp, bới bới. Chậm thì hết, chỉ có cách ăn cơm chan nước rau luộc. Con Hà phận dâu con nhưng nó cũng nhanh nhẹn lắm. Ngay từ đầu, bà vẫn ngấm ngầm quan sát nó với ít nhiều ác cảm. Nó chẳng bẽn lẽn làm giá gì đâu, nó cũng sợ đói, thậm chí còn không gắp được cho thằng Khoa nhà bà được một đũa thức ăn nữa kìa. Thằng Khoa thì tất nhiên chẳng bao giờ làm việc đó rồi. Từ khi con Hà có bầu, bà cũng chưa từng thấy nó mua cho vợ đồng quà tấm bánh nào. Ban đầu bà Sáu cũng có hả hê hài lòng. Đừng hòng mà dụ dỗ hay ăn hiếp, đày đọa con trai bà. Dù gì thì bà cũng đã nuôi nấng dạy dỗ nó, còn chưa nhờ vả được gì, thì lấy đâu ra cho người khác thụ hưởng kia chứ! Con Hà ở đẩu ở đâu nhảy xổ vào đời con bà dễ dàng thế, sao được. Mà nó cũng sung sướng quá rồi, tự dưng có chồng, có chỗ ở, chẳng phải động tay việc gì, ngày chỉ quanh quẩn trong nhà đợi tới bữa cơm. Vậy còn muốn gì thêm nữa kia chứ?

Thế nhưng, bà mơ hồ nhận thấy chính mình cũng có thay đổi. Đi chợ, bà lưu ý hơn khi lựa chọn mấy món ăn. Tránh đu đủ xanh, rau răm, nước dừa. Bà làm như tình cờ mua về đôi dép nhựa đế thấp và mang không vừa, đành cho con Hà. Bà mua me mua xoài về nấu ăn, rồi chợt nhớ mình đâu có dùng vào việc gì, thôi thì biểu nó ăn đi cho xong. Bà không sai nó di dời mấy cái kệ, cái bàn vi tính ông Sáu vừa đóng xong nữa. Mặc kệ cho mấy cha con thằng Khoa tự xoay sở.

Con Hà hình như cũng chẳng còn vô lo. Nó tỉ mẩn cắt sửa mấy bộ quần áo cũ. Dọn dẹp phòng ốc, lân la xin mấy đứa công nhân ở trọ những thứ vớ vẩn. Bản năng đã dạy nó phải tom góp cho cái ổ của mình thì phải. Nên con Hà lăng xăng, chộn rộn giặt ủi, phơi phóng, sắp xếp, rối tinh cả lên.

Bà Sáu nhìn nó làm, cứ ngỡ rằng mình sẽ mặc kệ, nhưng hình như đôi lúc ngứa miệng quá, bà cũng góp lời. Nên thế này, không nên thế khác. Quần áo vật dụng đợi bụng lớn lớn chút rồi hẵng sửa soạn, sắm sửa. Có kiêng có lành, ông bà dạy thế. Làm gì cũng phải khoan thai nhẹ nhàng, không với, không chồm. Vợ chồng thì phải biết nghĩ tới con, đợi có gì sinh xong rồi tính…

“Tính” thế nào, bà đâu biết. Bà tin rằng nó hiểu ý mình. Vì sau khi dặn dò con dâu như thế, thằng Khoa tỏ ra khó chịu thấy rõ. Nó hầm hầm bỏ vô nhà, ngủ trên cái ghế salon đã mòn vẹt cũ kỹ, chỗ nằm thường xuyên trước khi cưới vợ. Nó bắt đầu lấy xe đi chơi tối, như một gã độc thân phóng túng thuở nào. Bà tắc lưỡi, nhìn con Hà lặng lẽ ra vô mở cổng mỗi khuya cho chồng, cái dáng đã bắt đầu lặc lè của nó, không dưng bà thấy mình thở dài.

Con nhà nghèo đương nhiên phải dễ sinh, dễ nuôi. Chỉ hai ngày là mẹ con nó xuất viện. Đứa trẻ sinh ra nhẹ cân, thiếu sữa mẹ, khó nuôi, khóc ngằn ngặt, xé ruột xé gan bà. Bởi bà lỡ yêu nó ngay từ cái lúc cô hộ lý đưa nó vào tay bà, nó khẽ hé một con mắt ra nhìn người thân duy nhất đang ở bên cạnh mẹ con nó, cái mũi hỉnh sao y từ thằng Khoa chun lại trong cú hắt hơi đầu tiên. Lòng bà Sáu rạng ngời như thể lần đầu tiên làm mẹ. Bà cẩn thận ôm đứa nhỏ trong tay và dịu mắt nhìn con dâu vẫn còn yếu ớt nằm trên giường. Tội nghiệp con nhỏ!

Thằng Khoa hầu như chỉ ghé mắt nhìn đứa trẻ được vài giây lấy có. Làm cha, với nó là khái niệm mơ hồ thì phải. Bà hiểu tính con mình vẫn ham ăn ham chơi. Bà rút tiền trong cái gói nhỏ cột dây thun cẩn thận của mình ra mua sữa pha thêm cho nó uống, không thấy ruột tiếc nuối như những lần phải xài tiền riêng của mình. Bà sẵn sàng đánh đổi vất vả, thiếu thốn để đổi lại nụ cười không răng của đứa cháu gái bé bỏng.

* *
*

Bà Sáu ngồi thẫn thờ trên bộ ván cũ kỹ. Tóc bà hơi xổ ra, luống cuống nhiều sợi bạc. Hình như bà đã ngồi như thế lâu lắm, từ lúc Hà cương quyết ẵm con rời khỏi nhà. Bà thiếu điều chỉ còn quỳ xuống năn nỉ nó là chưa làm. Bà kêu nó bằng con, xưng má. Bà bảo để cháu ở lại, bà nuôi cho. Con sẽ dễ dàng hơn nhiều. Con suy nghĩ kỹ lại đi Hà. Má cũng không phải ác nghiệt gì, chẳng qua… Tội nghiệp đứa nhỏ. Thằng Khoa nhỏ lớn giờ nó vẫn vậy, từ từ rồi má khuyên bảo. Hà ơi là Hà!

Bà khóc rồi. Bà không chịu nổi ý nghĩ sẽ không còn đứa cháu nội bủng beo quanh mình nữa. Bà sống sao khi nghĩ rằng, giờ này nó đang lưu lạc nơi đâu cùng mẹ, con đàn bà mới đẻ ra hơn tháng, kiếm miếng cơm nuôi miệng còn khó khăn nữa là. Bà không dám hình dung cảnh đứa nhỏ sẽ khóc đến lả người vì khát sữa, và thiếu hơi ấm quen thuộc của bà.

Bên kia, đám con gái vẫn còn lao xao bàn tán. Đứa chê con Hà ngu, sướng mà không biết hưởng. Mọi thứ đã có mẹ chồng lo hết. Thử như tụi mình, làm tối mắt tối mũi mới đủ tiền trả nhà trọ, mới có cái đổ vào nồi mà xem. Ở nhà ăn không, cơm ngày ba bữa mà chẳng biết thân biết phận. Đứa khác vặc lại, sống vậy có khác gì con thú đang nuôi trong chuồng, làm gì có niềm vui, hạnh phúc. Ôi dào, cứ đao to búa lớn, chừng không có ai cưu mang mới thấm đòn, có muốn quay về cũng không có cửa. Nhìn bà Sáu mà xem, bả giận run người, đang ngồi ngoài kia kìa, thấy không. Đúng là nuôi ong tay áo hả?! Ai kêu bà Sáu khó khăn, khắc nghiệt quá! Con Hà bây giờ mới bỏ đi là trễ đấy, chồng chẳng ra chồng, con không ra con...

Một đứa nào đấy bỗng buông ra tiếng thở dài. Mới trẻ chừng đó, vậy là lại lỡ dở thêm một đời chồng, tròng thêm đứa con…

Ngoài kia, bà Sáu vẫn đang ngồi, thinh lặng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.